ANTD.VN – Gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng đến nay đã giải ngân được khoảng 640 tỷ đồng. Những vướng mắc pháp lý đang khiến nguồn cung nhà ở xã hội khan hiếm, khiến việc cho vay nhỏ giọt.
Đã giải ngân 640 tỷ đồng
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay, mới 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình 120.000 tỷ với 68 dự án.
Trong đó, một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là: Hà Nội (6 dự án), TP.HCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)…
Trong số 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn. Các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.
Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó, có 10 dự án có nhu cầu giải ngân bao gồm: 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng và đã được giải ngân 640 tỷ đồng; cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.
Việc triển khai các dự án nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc |
Việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn chậm, theo các doanh nghiệp bất động sản là do nhiều nguyên nhân, như thiếu nguồn đất sạch, các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án nhà ở xã hội, thủ tục vay vốn ngân hàng quá lâu. Không chỉ vậy, một số doanh nghiệp cho rằng lãi suất cho vay của gói 120.000 tỷ đồng còn cao (không thấp hơn lãi suất bình thường trên thị trường là bao).
Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lan Hưng kiến nghị, các ngân hàng có thể nhích lãi suất cho vay với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án lên 9-9,5%/năm nhưng giảm lãi suất cho vay với người dân xuống 6%/năm để hỗ trợ người mua nhà. Theo ông, lãi suất cho vay của gói 120.000 tỷ hiện nay vẫn còn cao so với thu nhập và khả năng trả nợ của các đối tượng mua nhà ở xã hội; cùng với đó, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp, cần đơn giản hóa hơn.
Quan trọng là cho vay đúng mục tiêu, đúng đối tượng
Về phía ngân hàng, việc thiếu các dự án nhà ở xã hội cũng khiến các nhà băng “đỏ mắt” tìm mà không có khách vay.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV cho hay, tính từ đầu năm đến nay, tín dụng của BIDV vẫn âm hơn 1%. Riêng với gói 120.000 tỷ đồng, BIDV đã tiếp cận 8 dự án, phê duyệt phê duyệt 4 dự án với tổng dư nợ gần 1.000 tỷ đồng song đến nay mới giải ngân hơn 96 tỷ đồng. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp muốn thực hiện dự án bằng vốn tự có trước, chưa muốn dùng đến vốn vay ngân hàng.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cũng cho biết ngân hàng này đã ký kết hợp đồng tín dụng với 8 dự án nhà ở xã hội, cam kết cho vay 2.500 tỷ và đã giải ngân 400 tỷ. Hiện ngân hàng đang tiếp cận 5 dự án mới với tổng số tiền khách hàng vay khoảng 2.000 tỷ.
Theo bà Bình nêu thực trạng là nhiều dự án gặp vướng mắc về pháp lý, đối tượng mua nhà ở xã hội quá hẹp, khiến gói tín dụng này giải ngân chậm.
Liên quan đến đề xuất của doanh nghiệp về việc giảm thêm lãi suất, các ngân hàng cho biết, nguồn vốn để duy trì gói 120.000 tỷ hiện nay là nguồn lực của chính các ngân hàng thương mại, không phải vốn hỗ trợ từ ngân sách. Trong bối cảnh xu hướng lãi suất chưa rõ ràng, kéo dài thời gian ưu đãi lãi suất lên 5 năm sẽ rủi ro cho ngân hàng.
Do đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu cơ chế hỗ trợ lãi suất hoặc chuyển nguồn gói hỗ trợ lãi suất 2% (40.000 tỷ đồng) sang hỗ trợ nhà ở xã hội.
Dù gói tín dụng nhà ở xã hội giải ngân chậm, song theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, quan điểm của ngành ngân hàng là cho vay đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.
“Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, kéo dài trong gần 10 năm nên không giải ngân thật gấp thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo Phó Thống đốc, để đẩy mạnh gói tín dụng này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ, từ đó tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đang đề nghị các địa phương báo cáo về việc thực hiện gói 120.000 tỷ đồng; đồng thời, Bộ sẽ trao đổi với NHNN để rà soát xem trong quá trình vay vốn chủ đầu tư, người mua nhà gặp phải những khó khăn để cùng tháo gỡ.