Tại Diễn đàn liên kết sản xuất và kết nối tiêu thụ nông sản Đắk Nông năm 2023 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu đến 180 nước trên thế giới. Điều này có nghĩa, nông sản của Việt Nam đã đến với hầu hết các nước.
Thị trường nông sản lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Mỹ, Trung Quốc. “Mỹ chiếm 24,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam; Trung Quốc chiếm 24,2%”, ông Bình thông tin.
Cũng theo ông Bình, hơn 10 năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường mua rau, củ, quả lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Thị trường Mỹ nhập khẩu nông sản Việt Nam chiếm khoảng 1,3% trong thị phần của nước này. Với Trung Quốc, thị phần nông sản của Việt Nam đứng thứ 3, sau Thái Lan, Chile.
Hiện nay, Mỹ cho phép nhập khẩu chính ngạch 7 loại trái cây của Việt Nam. Người tiêu dùng Mỹ thích các nông sản đã chế biến. Người Mỹ ưa sự giản tiện, dễ sử dụng, thời gian bảo quản lâu dài.
“Thị trường Mỹ hiện nay rất ưa chuộng các sản phẩm nước ép trái cây đóng hộp”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ thông tin.
Đối với thị trường Trung Quốc, hiện nay Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch 16 loại trái. Nhưng điều đáng lưu ý là tất cả các loại trái cây mà Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thì Trung Quốc đều sản xuất được.
“Trung Quốc đã sản xuất trái cây bằng sản lượng của Việt Nam. Những thông tin này chúng ta nên quan tâm, không nên “nhắm mắt” sản xuất, đến lúc thị trường thay đổi, chúng ta sẽ thiệt hại”, ông Bình nhắc nhở.
Người đứng đầu Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, nông sản của Việt Nam không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió” mà có thể thay đổi.
Ví dụ như sầu riêng. Dự báo đến năm 2030 sầu riêng của Việt Nam có thể rớt giá. Bởi hiện nay, Trung Quốc đã thành công trong việc trồng thí điểm sầu riêng ở đảo Hải Nam. Trung Quốc đã có 3.000 ha sầu riêng bắt đầu có thu hoạch.
Ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), người dân cũng bắt đầu trồng sầu riêng. Trung Quốc cũng đang thuê 30.000 ha đất của Lào để trồng sầu riêng.
“Tôi nói về mặt lâu dài một chút, đến năm 2025 hoặc 2030, chúng ta chưa biết được tình hình của cây sầu riêng như thế nào?”, ông Bình bày tỏ.
Hiệp hội rau quả Việt Nam đánh giá, trong thời gian tới, một số mặt hàng của Việt Nam có thể xuất khẩu tốt như: chanh dây, chôm chôm, dừa… Các mặt hàng này của Việt Nam có chất lượng tốt, thế giới đang cần nhiều.
Đối với Đắk Nông, nên đầu tư chế biến nông sản để nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm cho lao động. Tỉnh cần chủ động đầu tư vốn, máy móc, đất đai, vùng nguyên liệu, vì doanh nghiệp khó có điều kiện làm việc này.
Hiệp hội rau quả Việt Nam có 80% doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ liên hệ với các doanh nghiệp và có kế hoạch phối hợp với tỉnh Đắk Nông để kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản tốt hơn.