Làm quen với hình thức livestream bán hàng từ tháng 11/2023, chị Lê Huyền Thanh (tỉnh Bắc Giang) cho biết, với doanh nghiệp nhỏ, livestream là một kênh bán hàng hiệu quả. Qua các phiên phát trực tiếp, người bán có thể tiếp cận được một lượng lớn khách hàng, gấp nhiều lần so với việc đăng bài hoặc chạy quảng cáo.
Từ áp lực vượt qua chính mình…
Từ hình thức bán hàng này, hàng loạt các phiên “live” và những “chiến thần” bán hàng trên mạng không ngừng xuất hiện, với doanh số kỷ lục. Hiệu quả về kinh doanh, quảng bá sản phẩm của hình thức livestream bán hàng là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, với những người đang dấn thân vào hình thức bán hàng này, có không ít góc khuất sau mỗi phiên livestream. “Ngồi lải nhải nhiều giờ liên tục trước màn hình điện thoại, không có hoặc rất ít “mắt xem”, hay người xem để lại nhiều bình luận tiêu cực…
Đó là tình trạng mà người mới livestream như tôi phải đối diện khi bắt đầu làm quen với hình thức bán hàng này. Hình thức livestream được nhiều nền tảng mạng xã hội khuyến khích, càng livestream nhiều, càng có cơ hội được đề xuất, gợi ý để nhiều người biết đến hơn.
Cơ hội bán hàng vì thế cũng cao hơn. Nhiều lúc dù mệt, dù ốm, tôi vẫn không dám nghỉ, phải đều đặn livestream 3-4 lần một tuần. Kể chuyện gì, tương tác ra sao… tất cả đều có áp lực riêng”, chị Nguyễn Ngọc (ở Hà Nội) chia sẻ.
“Hiện nay, có nhiều nền tảng cho phép livetream bán hàng. Tuy nhiên, mỗi nền tảng livestream lại có một thuật toán khác nhau. Không phải mình cứ có hàng hóa, sản phẩm, ngồi trước điện thoại là bán được hàng mà còn phải dành nhiều thời gian tìm hiểu, thậm chí phải tham gia các khóa học về nền tảng, về livestream mới tiếp cận được người xem, mới có cơ hội tăng doanh thu.
Để thu hút khách hàng, trong livestream phải có những điểm độc đáo, không nhất thiết bạn phải xinh đẹp, lộng lẫy nhưng bạn phải mang lại giá trị thì mới giữ chân được người xem giữa “rừng live” đang phát trên mạng xã hội”, chị Hạnh Nguyễn, quản trị của một nhóm dạy bán hàng trên mạng, cho biết.
…đến “bài toán” chất lượng sản phẩm
Hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ… chính là “linh hồn” của mỗi phiên livestream. Người bán có thể phát trực tiếp buổi bán sản phẩm do mình làm ra hoặc là đối tác, livestream để bán hàng của người khác và cần kiểm soát được chất lượng sản phẩm mình bán.
Tuy nhiên, môi trường bán hàng trên mạng hiện nay có nhiều kẽ hở để hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bán tràn lan. “Để bán hàng thành công, bạn cần thực sự am hiểu về nguồn hàng, chất lượng hàng hóa và trung thực với khách hàng”, chị Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Bên cạnh thách thức về kiểm định chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đơn ảo, “bom” hàng cũng là nỗi lo của những người bán hàng online. Các đơn hàng được đặt rồi huỷ, giao hàng không có người nhận… không chỉ làm giảm doanh thu mà còn ảnh hưởng tới uy tín, thời gian của người bán.
Theo thống kê của một số nền tảng, tỷ lệ “bom” hàng hiện dao động từ 20% đến 30%. Đây là số liệu rất đáng lưu ý với những người livetream bán hàng để có các phương án phù hợp, tránh ảnh hưởng xấu đến hiệu quả kinh doanh của mình.