Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết thư chúc Tết cho kiều bào, có đoạn: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”.
Đó được xem là sự ghi nhận của vị lãnh tụ kính yêu trước tấm lòng hướng về Tổ quốc của kiều bào, cũng như là lời động viên những người con xa xứ hướng về quê hương.
Thấm nhuần tinh thần đó, trong hàng chục năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi kiều bào là một phần không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc.
Chính vì vậy, công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực của 6 triệu kiều bào đang sinh sống trên thế giới để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Lê Thị Thu Hằng chia sẻ với Dân trí về các chính sách, chủ trương, đường lối của nhà nước với công tác kiều bào.
Nguồn lực quan trọng tạo nên sức mạnh dân tộc
Là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Thứ trưởng đánh giá như thế nào về đóng góp của cộng đồng kiều bào với sự phát triển và hội nhập ra thế giới của Việt Nam?
– Trước tiên, cần khẳng định cộng đồng NVNONN là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Với khoảng 6 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ (hơn 80% ở các nước phát triển), nguồn lực của cộng đồng NVNONN phong phú, dồi dào và có giá trị lâu dài, thể hiện qua đóng góp trên các mặt phát triển của đất nước.
Trong lĩnh vực kinh tế, tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án FDI trong nước với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; lượng kiều hối gửi về nước trong 30 năm qua (1993-2023) đạt trên 230 tỷ USD.
Các hoạt động đầu tư, kinh doanh và gửi kiều hối về nước của kiều bào góp phần ổn định cán cân thanh toán và kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Ngoài ra, lực lượng doanh nhân NVNONN còn có vai trò quan trọng trong hiến kế, tư vấn phát triển, hỗ trợ nắm bắt thông tin thị trường sở tại, mở rộng mạng lưới phân phối và tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ra thế giới.
Trong lĩnh vực tri thức, số lượng NVNONN có trình độ đại học trở lên có khoảng 600.000 người, nhiều người là nhà khoa học, chuyên gia thành danh trong các lĩnh vực mũi nhọn, được nước sở tại trọng dụng.
Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 500 lượt trí thức kiều bào về nước tham gia hoạt động khoa học, công nghệ, đóng góp ý kiến trong các vấn đề phát triển của đất nước. Trong những năm gần đây, cùng với hoạt động gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với cộng đồng trí thức, chuyên gia kiều bào do các cơ quan chức năng trong nước tổ chức, nguồn lực chất xám của kiều bào càng được phát huy mạnh mẽ.
Nhiều chuyên gia, trí thức kiều bào đã trực tiếp tham gia vào quá trình tham mưu, tư vấn chính sách cho Chính phủ nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước như năng lượng sạch, công nghệ xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…
Cùng với nhu cầu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kiều bào còn là nguồn lực “mềm” quan trọng, đóng vai trò cầu nối văn hóa, ẩm thực và ngôn ngữ, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến du lịch Việt Nam đến với sở tại và bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, NVNONN ngày càng hội nhập sâu vào xã hội sở tại, có vị thế vững chắc hơn, mở rộng ảnh hưởng chính trị, góp phần tăng cường lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nhân dân, chính giới, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.
Không chỉ vậy, kiều bào còn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của đất nước từ xa, thông qua các hoạt động như thành lập quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam, Câu lạc bộ Trường Sa – Hoàng Sa, tổ chức hội thảo về Biển Đông…, góp phần truyền tải những thông tin đúng đắn tới cộng đồng quốc tế, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Khảo sát hồi đầu tháng 8 năm ngoái của công ty tư vấn tuyển dụng Robert Walters (Anh) cho thấy, 71% NVNONN tham gia trả lời có dự định quay trở lại quê hương sinh sống và làm việc trong vòng 5 năm tới. Theo Thứ trưởng, động lực nào đã thu hút kiều bào muốn trở về nước để góp phần xây dựng quê hương?
– Đây thực sự là số liệu rất ấn tượng. Thực tế trong những năm gần đây, xu hướng kiều bào về nước sinh sống, lập nghiệp ngày càng gia tăng. Theo tôi, điều này trước hết xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước của kiều bào. Bà con ta dù mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, lý do ra nước ngoài khác nhau nhưng từ sâu thẳm trái tim, tình yêu với quê hương, mong muốn được chung tay đóng góp cho quê hương vẫn luôn hiện hữu.
Hai là, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NVNONN ngày càng cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh. Điều này được thể hiện trong các văn bản, nghị quyết về công tác NVNONN như Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và gần đây nhất là Kết luận 12-KL/TW. Văn kiện đại hội Đảng XIII cũng nhấn mạnh “cần có chính sách thu hút nguồn lực của NVNONN đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Cụ thể hóa các chủ trương trên của Đảng, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã kiến nghị và ban hành nhiều chính sách, quy định pháp luật, kế hoạch, chương trình hành động trong công tác NVNONN.
Nhiều chủ trương, chính sách trong các lĩnh vực bà con quan tâm như quốc tịch, nhà ở, đất đai, cư trú đã được ban hành hoặc kiến nghị sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi để kiều bào có quyền lợi và nghĩa vụ như người dân trong nước.
Đến nay, Việt Nam cơ bản đã hình thành hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến NVNONN tương đối hoàn thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của bà con kiều bào, qua đó tăng cường sự gắn kết của bà con với quê hương, đồng thời khuyến khích bà con tùy theo hoàn cảnh và khả năng của mình đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Gỡ nút thắt, giúp kiều bào thuận lợi “về nhà”
Với kinh nghiệm làm việc với các cộng đồng kiều bào ở các nước, Thứ trưởng vui lòng cho biết kiều bào có thể đối mặt với những khó khăn và thách thức nào khi trở về quê hương làm việc? Nhà nước đã có những chính sách gì để thu hút nguồn lực quan trọng này?
– Với cương vị là Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, tôi trân trọng và đánh giá rất cao những bà con kiều bào trở về Việt Nam sinh sống, làm việc và đóng góp cho Tổ quốc.
Những năm qua, đặc biệt từ khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN ra đời (2004), công tác này được thúc đẩy mạnh mẽ và triển khai toàn diện trên mọi mặt với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm mục tiêu cao nhất là thúc đẩy đại đoàn kết dân tộc, hỗ trợ kiều bào hội nhập, phát triển ở sở tại và gắn bó với quê hương.
Công tác về NVNONN do đó đã đạt được những thành quả rất ý nghĩa, đặc biệt trong việc ban hành và triển khai các chính sách tạo thuận lợi để bà con có quyền lợi và nghĩa vụ như người dân trong nước, thu hút kiều bào hướng về quê hương.
Dù vậy, khi trở về Việt Nam sinh sống, làm việc, mặc dù là “về nhà”, kiều bào vẫn ít nhiều gặp phải khó khăn. Những thách thức có thể kể đến như thủ tục hành chính, môi trường sinh sống, làm việc, chế độ đãi ngộ trong nước chưa thực sự hấp dẫn so với các nước phát triển. Bên cạnh đó, những khác biệt về thể chế, rào cản ngôn ngữ, nhận thức không tương đồng về các vấn đề, đặc biệt các vấn đề chuyên môn cũng gây ra tâm lý e dè cho kiều bào khi về nước làm việc.
Đối với những khó khăn nêu trên, Đảng và Chính phủ quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp để gỡ vướng, chủ yếu tập trung vào 2 nhóm biện pháp gồm:
Một là, các biện pháp nhằm tạo thuận lợi để bà con yên tâm trở về thăm thân, đảm bảo quyền lợi, tài sản của bản thân và gia đình… Nhiều chính sách, pháp luật đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, nhằm tạo điều kiện cho NVNONN yên tâm về nước sinh sống, làm việc, đảm bảo các quyền và lợi ích thiết thân của kiều bào.
Ví dụ Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 đã mở rộng quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hoặc hướng tới cấp thẻ căn cước cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam.
Hai là, các biện pháp tạo môi trường thuận lợi để bà con làm việc, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học công nghệ, hoạt động văn hóa-xã hội, hoạt động từ thiện, nhân đạo như: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, các thủ tục hành chính, nhất là ở địa phương nhằm tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp kiều bào; có chính sách, biện pháp để đầu tư, kiều hối đi vào những lĩnh vực, khu vực, dự án ưu tiên theo đúng định hướng phát triển của đất nước, địa phương và doanh nghiệp.
Nhà nước cũng có biện pháp nâng cao hiệu quả các cơ chế trao đổi thông tin, hợp tác linh hoạt để nhà khoa học, trí thức, chuyên gia NVNONN có thể tham gia đóng góp cả trực tiếp và từ xa; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức; tạo điều kiện việc làm, khởi nghiệp cho kiều bào trẻ, lao động Việt Nam ở nước ngoài sau khi trở về…
Thứ trưởng chia sẻ rằng số nhân lực chất lượng cao, người Việt có trình độ đại học trở lên ở nước ngoài là khoảng 600.000 người. Vậy, Việt Nam đã có kế hoạch như thế nào để tận dụng nguồn lực quan trọng này?
– Với trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm dồi dào và các mối quan hệ xã hội trong lĩnh vực chuyên ngành phong phú, trí thức kiều bào là nguồn lực đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong tình hình mới. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm củng cố, phát huy nguồn lực này.
Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao) đã đẩy mạnh vai trò tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, tích cực triển khai công tác vận động, hỗ trợ trí thức kiều bào với các hình thức đa dạng, linh hoạt như tổ chức các đoàn công tác, sự kiện ở trong và ngoài nước để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với bà con, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ các hội, nhóm kiều bào tham gia các giải thưởng trong và ngoài nước, kết nối các hội, đoàn trí thức với các địa phương và các đối tác tiềm năng, kiến nghị khen thưởng cho các cá nhân, hội đoàn trí thức kiều bào có nhiều thành tích, đóng góp cho đất nước.
Thời gian tới, đội ngũ trí thức NVNONN sẽ tiếp tục tăng về số lượng, đa dạng hơn về địa bàn cư trú, hội nhập sâu hơn vào xã hội sở tại và tiếp tục thay đổi về cơ cấu. Để phát huy hơn nữa vai trò của các chuyên gia, trí thức NVNONN trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta cần triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các nhóm biện pháp:
Thứ nhất, về vấn đề phát triển đội ngũ trí thức, cần tiếp tục hỗ trợ chuyên gia, trí thức NVNONN để tạo điều kiện cho họ hội nhập tốt ở sở tại; khuyến khích trí thức kiều bào tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt cộng đồng, thành lập các mạng lưới, hội đoàn tại các địa bàn, khu vực.
Thứ hai, về định hướng thu hút chuyên gia, trí thức NVNONN, bên cạnh việc duy trì liên hệ, hợp tác với các trí thức, chuyên gia giàu kinh nghiệm, cần tiếp tục mở rộng hướng tới thế hệ trí thức trẻ; tăng cường thu hút nguồn lực chất xám của kiều bào “từ xa”, gián tiếp như giảng dạy ngắn hạn, tư vấn, chuyển giao công nghệ cao, làm cầu nối mời chuyên gia quốc tế đến Việt Nam… thay vì phải quay về Việt Nam làm việc dài hạn; tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành các chính sách về thu hút, tuyển chọn, trọng dụng trí thức, chuyên gia NVNONN; thường xuyên cập nhật cơ chế, chính sách ưu đãi, lĩnh vực ưu tiên hợp tác về khoa học công nghệ tới cộng đồng.
Thứ ba, về vấn đề trọng dụng và trọng đãi nhân tài, cần tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, trao các cơ hội, nhiệm vụ khoa học phù hợp cho chuyên gia, trí thức kiều bào; có chế độ đãi ngộ lấy trình độ, năng lực và hiệu quả đóng góp của cá nhân làm cơ sở, trả lương ở mức tiệm cận với thị trường quốc tế; có hình thức tôn vinh phù hợp với những đóng góp của trí thức kiều bào.
Một nguồn lực quan trọng khác của kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước là nguồn lực về kinh tế với các dự án đầu tư trong nước, nguồn kiều hối cũng như xúc tiến các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và các nước. Để phát huy hiệu quả cao nhất nguồn lực kinh tế từ kiều bào, Việt Nam đã, đang và sẽ phải làm gì những gì?
– Những đóng góp về đầu tư, kinh tế, thương mại và kiều hối của NVNONN là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới, thực hiện mục tiêu phát triển đất nước một cách nhanh và bền vững.
Trong 20 năm qua, Đảng, Nhà nước đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều luật, quy định theo hướng tạo thuận lợi cho bà con kiều bào về nước sinh sống, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học công nghệ… như Luật Đất đai, Luật Căn cước công dân, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Quốc tịch…
Việt Nam cũng ban hành, triển khai nhiều sáng kiến, cơ chế, chiến lược, đề án quan trọng như thành lập Trung tâm Sáng tạo Đổi mới quốc gia và Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức, Đề án “Huy động NVNONN tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020-2024”, Đề án “Phát huy nguồn lực NVNONN phục vụ đất nước trong tình hình mới”…
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động, sự kiện, diễn đàn kết nối doanh nghiệp người Việt trong và ngoài nước để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của kiều bào, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào.
Để phát huy hiệu quả nguồn lực kinh tế của NVNONN, thời gian tới cần tiếp tục tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho NVNONN yên tâm về nước đầu tư, kinh doanh; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nhất là ở khâu thực thi, triển khai tại địa phương theo hướng minh bạch, thuận lợi cho nhà đầu tư.
Việt Nam cần thường xuyên thông tin cho kiều bào về chủ trương, chính sách, lĩnh vực, dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư; tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ các hội doanh nhân NVNONN; duy trì đà tăng kiều hối hàng năm và khuyến khích nguồn kiều hối đi vào các dự án ưu tiên theo định hướng phát triển của đất nước.
Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc
Trong những năm qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tổ chức các chuyến thăm rất ý nghĩa cho cộng đồng kiều bào tới tuyến đầu của Tổ quốc trên Biển Đông. Ý nghĩa của hoạt động này là gì? Kiều bào đã đóng góp những gì cho công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc? Thứ trưởng có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ khi tổ chức hoạt động này?
– Kể từ năm 2012, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức thành công 11 chuyến tàu đưa khoảng 600 lượt kiều bào ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I.
Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa, không chỉ đáp ứng được nguyện vọng và tình cảm của kiều bào đối với biển, đảo Tổ quốc, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, mà còn là dịp để kiều bào từ nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ, gắn kết với nhau và giao lưu chia sẻ với nhân dân trong nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Qua đó, khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như quyết tâm, nỗ lực và thành tựu của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thông qua các chuyến đi này, kiều bào tại nhiều nơi đã có những đóng góp thực chất, hiệu quả cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc như ủng hộ đóng xuồng chủ quyền, xây dựng các công trình trên đảo, tặng hiện vật và nhu yếu phẩm tới các điểm đảo, nhà giàn… với tổng số tiền khoảng 30 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kiều bào cũng thành lập các Diễn đàn, Câu lạc bộ Trường Sa – Hoàng Sa, Ban liên lạc, Quỹ vì biển đảo Việt Nam… ở nhiều nơi như Ba Lan, Pháp, Hàn Quốc, Singapore, châu Á – Thái Bình Dương…; tăng cường nghiên cứu các biện pháp, sáng chế mới, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sỹ trên đảo; thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm, sáng tác văn, thơ… khẳng định tình yêu đất nước của kiều bào, góp phần tuyên truyền mạnh mẽ đến cộng đồng NVNONN và cộng đồng quốc tế về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK-I để lại nhiều những ấn tượng sâu sắc trong tôi, nhưng lưu lại sâu đậm trong tâm trí tôi còn là những bức thư của kiều bào gửi cho cá nhân tôi sau những chuyến đi, đó là những lời tâm sự, tình cảm chân thành của kiều bào dành cho quê hương, đất nước, sự cảm phục về ý chí và quyết tâm của các chiến sỹ hải quân… sau khi tận mắt chứng kiến tinh thần sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh của quân và dân Trường Sa để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của Tổ quốc.
Tôi vô cùng xúc động khi được cùng bà con trao gửi những món quà nhỏ nhưng nặng ân tình mang từ châu Âu, châu Mỹ xa xôi cho các chiến sỹ như những chiếc tông đơ cắt tóc, kem chống nắng hay lá cờ Tổ quốc được các chị, các mẹ may công phu. Mỗi lần nhớ lại hải trình là thấy ấm áp tình quân dân, nghĩa đồng bào. Tôi cho đây là những món quà vô giá nhất, là nguồn động viên to lớn đối với quân và dân ta ở Trường Sa và Nhà giàn DK-I.
Kế hoạch Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN là một trong những điểm sáng trong hoạt động Ủy ban Nhà nước về NVNONN. Rộng hơn nữa, đó là mong muốn của Đảng và Nhà nước nhằm bảo tồn, giữ gìn, phát huy tiếng nói và văn hóa của dân tộc trong cộng đồng người Việt xa xứ. Theo Thứ trưởng, để công tác phổ biến, giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài hiệu quả hơn, cần có những biện pháp, chính sách, cách làm cụ thể nào?
– Đối với cộng đồng NVNONN, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn bản sắc văn hóa riêng, tự tin phát triển và hội nhập với thế giới.
Công tác giữ gìn tiếng Việt luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc, khẳng định thành chủ trương nhất quán, xuyên suốt và nêu thành nhiệm vụ cụ thể trong các văn bản chỉ đạo về công tác đối với NVNONN như Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và mới đây nhất là Kết luận 12/KL-TW. Để công tác phổ biến, giảng dạy tiếng Việt đối với cộng đồng NVNONN hiệu quả hơn, chúng ta cần tập trung vào một số biện pháp như:
Một là, nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt thông qua việc nghiên cứu, cải tiến trong biên soạn sách, tài liệu dạy và học tiếng Việt; nghiên cứu đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy tiếng Việt cho NVNONN, chú trọng áp dụng công nghệ mới như sử dụng phần mềm tiên tiến để soạn bài, xây dựng các chương trình giảng dạy, quản lý lớp học…
Bên cạnh đó, cần tăng cường nhận thức về vai trò của cộng đồng và đặc biệt là gia đình trong việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt; khuyến khích hội đoàn, cá nhân NVNONN, đặc biệt là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài duy trì sử dụng tiếng Việt trong sinh hoạt cộng đồng, gia đình và giao tiếp hàng ngày.
Hai là, đẩy mạnh các kênh hợp tác, vận động và thúc đẩy chính quyền và các thiết chế giáo dục nước ngoài đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục sở tại, đưa tiếng Việt trở thành một ngoại ngữ chính bên cạnh các ngoại ngữ khác; tăng cường tổ chức hoạt động quảng bá ngôn ngữ, trao đổi giáo viên, sinh viên với các nước, đưa tiếng Việt đến với người nước ngoài có thiện chí và nhu cầu học tiếng Việt.
Ba là, tăng cường tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN như tổ chức Cuộc thi “Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt”, xây dựng tủ sách tiếng Việt tại các nước, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về công tác tiếng Việt…; khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa và tiếng Việt của kiều bào tại các nước; huy động sự tham gia của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhân dân trong nước và cộng đồng NVNONN trong thực hiện Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/go-vuong-mac-dam-bao-quyen-loi-de-kieu-bao-gop-suc-phat-trien-dat-nuoc-20240518170248889.htm