Nhiều vướng mắc
Để đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh đã cấp phép cho 1 mỏ đất tại huyện Hải Lăng với trữ lượng 927.744 m3; 1 mỏ đá tại thị xã Quảng Trị có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp đi kèm là 1.548.069 m3 và 1 mỏ đá bazan tại huyện Vĩnh Linh có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp đi kèm là 477.700 m3. Tổng trữ lượng 3 mỏ này khoảng 2,95 triệu m3 đất, hiện nay mới chỉ khai thác khoảng 186.057 m3. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã cấp 14 Giấy phép nạo vét lòng hồ và tận thu đất làm vật liệu san lấp với khối lượng tương đương 14,44 triệu m3 đất. Năm 2023, nếu thời tiết thuận lợi thì nguồn đất tận thu từ nạo vét lòng hồ có thể đáp ứng khoảng 5 triệu m3 để làm vật liệu san lấp.
Qua tổng hợp số liệu, Sở TN&MT Quảng Trị cho biết, nhu cầu đất làm vật liệu san lấp năm 2023 trên địa bàn tỉnh là khoảng 4.218.904 m3. Trong đó, Sở Giao thông vận tải cần 199.500 m3, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần 462.000 m3, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cần 15.750 m3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cần 1.531.793 m3, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cần 205.252 m3, các huyện, thị xã, thành phố cần 1.804.609 m3. Theo tính toán, tổng khối lượng đất từ 3 mỏ đã cấp phép, thu hồi từ nạo vét lòng hồ và nguồn đấu giá là khoảng 31,355 triệu m3, đủ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, quá trình triển khai việc cấp phép, quản lý khai thác các mỏ vật liệu san lấp còn bộc lộ nhiều bất cập, cần sớm có giải pháp tháo gỡ. Trong Báo cáo số 695/BC-STNMT ngày 9/3/2023 gửi UBND tỉnh, Giám đốc Sở TN&MT Quảng Trị Nguyễn Trường Khoa cho rằng, mặc dù Quyết định số 2817/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 hướng tới “không đấu giá các điểm mỏ đã được quy hoạch có quyền sử dụng đất của các cá nhân”; tuy nhiên, theo quy định tại Điều 34, Điều 51 của Luật Khoáng sản năm 2010; điểm c khoản 1 Điều 26 và điểm c khoản 1 Điều 36 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP thì: hộ gia đình, cá nhân được cấp phép thăm dò, khai thác đất làm vật liệu san lấp không quá 1 ha và không quá 3.000 m3/năm.
Mặt khác, ông Nguyễn Trường Khoa cho biết, hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang đầu tư triển khai rất nhiều công trình trọng điểm, quy mô lớn với tiến độ yêu cầu nhanh, trong khi việc cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp mất nhiều thời gian. Cụ thể, nếu không tính thời gian xây dựng dự thảo kế hoạch đấu giá và lấy ý kiến các ngành, địa phương, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá; phương án đấu giả; tổ chức đấu giả; thời gian lập các hồ sơ của chủ dự án và đã rút ngắn thời gian tối đa có thể trong thực hiện các thủ tục hành chính thì cũng mất khoảng hơn 7,5 tháng đối với trường hợp đấu giá các mỏ.
Một vướng mắc khác là hiện nay, trên diện tích quy hoạch các mỏ chủ yếu là đất sản xuất đã cấp cho người dân, trên đất đang có tài sản, cây cối, hoa màu. Trong khi theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, đối với dự án khai thác mỏ không thuộc đối tượng thu hồi đất mà việc bồi thường theo hình thức thỏa thuận nên việc đền bù, giải phóng mặt bằng sau khi trúng đấu giá gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, một số doanh nghiệp tham gia đấu giá mỏ đất làm vật liệu san lấp có giá trúng quá cao so với giá khởi điểm (có trường hợp khoảng 31 lần); bên cạnh đó là vướng mắc trong việc lấy ý kiến của các chủ sử dụng đất nên trong 6 tháng từ ngày có quyết định trúng đấu giá mỏ đất mà chủ đầu tư vẫn chưa nộp hồ sơ thăm dò, cấp phép.
Gỡ các nút thắt
Trước thực tế trên, để kịp thời đáp ứng nhu cầu đất làm vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm, các dự án đầu tư công trung hạn đúng tiến độ, phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp, Sở TN&MT Quảng Trị cho biết đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình cấp phép khai thác, sử dụng đất, cát làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối với các dự án trọng điểm, dự án động lực của tỉnh, Giám đốc Sở TN&MT Quảng Trị Nguyễn Trường Khoa kiến nghị trên cơ sở nhu cầu về đất làm vật liệu xây dựng thông thường của các dự án, UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ trong quy hoạch tại Quyết định số 2817/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 của UBND tỉnh theo đề xuất của chủ đầu tư hoặc địa phương nơi được giao sử dụng đất phục vụ các công trình trọng điểm của tỉnh. Thời gian cấp mỏ, khối lượng đất làm vật liệu xây dựng thông thường được giao trên cơ sở nhu cầu thực tế của dự án được phê duyệt, không sử dụng đất làm vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án khác. UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các các ngành, địa phương tổ chức thẩm định hồ sơ đề xuất cấp mỏ đất làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định.
Đối với các dự án phát triển hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, thủy điện, khắc phục thiên tai, xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Trường Khoa kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt các khu vực mỏ khoáng sản đất làm vật liệu xây dựng thông thường vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh Quảng Trị đối với trường hợp phục vụ các dự án như tại khoản 1, Điều 22, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016. Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các các ngành, địa phương tổ chức thẩm định hồ sơ thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp phép các mỏ đất làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Giám đốc Sở TN&MT Quảng Trị cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cá nhân, hộ gia đình là chủ sử dụng đất tại các điểm mỏ, nếu có nhu cầu thăm dò, khai thác đất làm vật liệu xây dựng thông thường với quy mô lớn hơn 1,0 ha và công suất khai thác trên 3.000 m3 sản phẩm là khoáng sản nguyên khai/năm thì cần phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp để tham gia đấu giá mỏ do tỉnh tổ chức. Đồng thời, yêu cầu các địa phương rà soát các chủ quản lý, sử dụng đất tại các điểm mỏ đất được quy hoạch theo Quyết định số 2817/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 của UBND tỉnh; rà soát lại danh mục trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở TN&MT.