(Dân trí) – Những cơ chế đặc thù, vượt trội được các chuyên gia tham mưu TPHCM trình Quốc hội thông qua nhằm hóa giải bài toán đồng bộ mạng lưới metro cho thành phố sau nhiều thập kỷ trên giấy.
Một giờ là thời gian tối thiểu để Nguyễn Thảo Ly (ngụ quận Bình Thạnh), sinh viên năm hai trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đến giảng đường mỗi ngày. Quãng đường chỉ 10km, nhưng có những ngày Ly phải trễ học vì bị “chôn chân” cùng hàng trăm chiếc xe container nối dài trên đường xa lộ Hà Nội.
Ở phía ngược lại của thành phố, anh Nguyễn Thanh Tuấn, nhân viên văn phòng, cũng ngán ngẩm với cảnh còi xe inh ỏi, chen chúc từng khoảng trống vỉa hè trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) đều đặn hai buổi sáng, chiều.
Sự vất vả trên đường đi làm và học của anh Tuấn, Thảo Ly đại diện cho hàng triệu người dân thành phố. Họ mong chờ sự hiện diện kịp thời của hệ thống 8 tuyến metro, góp phần giải quyết bài toán giao thông ngày càng bí bách của đô thị.
Khó đủ đường
Ông Hoàng Ngọc Tuân (Giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM) nhận định thực tế cho thấy, bất cứ đô thị lớn nào trên thế giới muốn phát triển kinh tế – xã hội đột phá đều cần xây dựng một hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ. Trong đó, việc hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị là vấn đề rất cấp bách.
“Nhìn lại chặng đường xây dựng hai tuyến, rõ ràng là quá chậm. Tuyến metro số 1 được thi công xây dựng trong 17 năm, tuyến tàu điện ngầm số 2 được thực hiện trong 22 năm. Và thực tế sau gần 20 năm từ khi triển khai nghiên cứu, phát triển các dự án đường sắt đô thị, đến nay TPHCM vẫn chưa có tuyến nào chính thức khai thác thương mại”, ông Tuân nói.
Ông Hoàng Ngọc Tuân cũng thẳng thắn cho rằng, nếu tiếp tục triển khai với cách làm tương tự 20 năm qua thì mất trăm năm nữa cũng chưa hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị.
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030, TPHCM có 6 tuyến cao tốc, 5 tuyến quốc lộ, 3 tuyến vành đai, 5 đường trên cao, 8 tuyến metro, 3 tuyến Tramway, Monorail.
Đến nay, duy nhất tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) sắp hoàn thành, dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm 2024. Tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) mới khởi công gói thầu đầu tiên, dự kiến hoàn thành vào năm 2032.
Ngoài ra, thành phố đang triển khai thực hiện chuẩn bị đầu tư một đoạn 9km tuyến từ Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn thuộc tuyến số 5 (ga Tân Cảng – Bến xe Cần Giuộc mới).
Việc đầu tư, xây dựng đồng bộ hệ thống metro TPHCM đến nay vẫn gặp muôn vàn khó khăn, do bài toán kinh phí khổng lồ, thủ tục đầu tư phức tạp, năng lực nhà thầu hạn chế, đến thách thức về giải phóng mặt bằng, thiếu hụt nguồn nhân lực…
Trong khi đó, Kết luận 49 của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu dốc sức hoàn thành hệ thống metro TPHCM vào năm 2035, tức chỉ còn 11 năm để TPHCM thực hiện 183km đường sắt đô thị còn lại.
Và để đạt được tham vọng này, TPHCM cần một cuộc “cách mạng” về tư duy, cơ chế, chính sách, từ việc khai thác hiệu quả quỹ đất, huy động nguồn vốn, đến việc rút gọn thủ tục, áp dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cần cơ chế vượt trội
PGS TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức (Đại học Việt Đức), nhìn nhận TPHCM cần giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện xuống còn 10 năm hoặc thậm chí 5 năm.
Để làm được điều này, chu trình quản lý dự án cần thay đổi theo hướng giao trọn gói cho tổng thầu. Việc phê duyệt dự án do thành phố chịu trách nhiệm, đồng thời cho phép thành phố được tận dụng cơ chế đặc thù, tự quyết theo Nghị quyết 98.
PGS TS Vũ Anh Tuấn cũng cho rằng thành phố cần nâng cao năng lực cho Ban quản lý đường sắt đô thị, Sở GTVT, Sở Quy hoạch Kiến trúc về năng lực kỹ thuật trong thẩm định các quy hoạch, thiết kế, các công nghệ. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng phải được ưu tiên giải quyết rốt ráo ngay từ đầu.
Có quan điểm tương tự, ông Hoàng Ngọc Tuân cho hay riêng công tác chuẩn bị đầu tư cho một tuyến metro phải mất ít nhất 7-9 năm. Trên thực tế, hai tuyến metro đang triển khai đều trải qua 2 năm để điều chỉnh dự án, 1,5 năm để điều chỉnh thời gian thực hiện dự án dù không thay đổi nét vẽ thiết kế nào.
“Quá trình này quá dài, làm nản lòng các nhà đầu tư, cần có cơ chế đặc thù rút ngắn thủ tục, thời gian phê duyệt, thời gian thẩm định, có thể bỏ qua bước báo cáo tiền khả thi”, ông Tuân nói.
Nhìn lại chặng đường xây dựng hai tuyến metro ở TPHCM rõ ràng là quá chậm
Mới đây, Sở GTVT TPHCM đã tổng hợp ý kiến, nghiên cứu của các sở, ban ngành và góp ý, đề xuất của tổ chuyên gia để xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM trình UBND TPHCM.
Tại đề án này, các cơ quan, chuyên gia nhận định lý do lớn nhất khiến việc đầu tư, xây dựng mạng lưới metro chậm trễ hàng thập kỷ qua là chưa được bố trí nguồn lực thích đáng, thủ tục đầu tư chậm, phức tạp, chưa có cơ chế chính sách phù hợp, mang tính đột phá để huy động nguồn lực đầu tư.
Mặt khác, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật của các tuyến chưa đồng bộ, quy hoạch metro chưa gắn kết với không gian phát triển đô thị và các loại hình giao thông khác, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, vốn đầu tư lớn sử dụng vốn vay ODA nên chịu sự ràng buộc của Nhà tài trợ và phụ thuộc vào năng lực của tư vấn, nhà thầu nước ngoài.
Theo đó, các cơ quan, chuyên gia đã đề xuất, tham mưu TPHCM xin 22 cơ chế đặc thù, vượt trội, để tháo gỡ những nút thắt cố hữu, tạo đột phá cho tiến trình hoàn chỉnh hệ thống metro xương sống cho giao thông TPHCM trong tương lai.
Nổi bật là các cơ chế then chốt, cho phép TPHCM chủ động quyết định chủ trương đầu tư, phân cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, khai thác quỹ đất dọc tuyến metro, thu hút đầu tư tư nhân…
Cụ thể là cơ chế 7, cho phép TPHCM tự chủ tài chính bằng cách khai thác mọi nguồn thu từ đất. Cơ chế 8, TPHCM muốn được tự do phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu riêng cho dự án metro mà không bị giới hạn bởi hạn mức nợ công.
Đặc biệt, với cơ chế 12, cho phép TPHCM trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư cho toàn bộ mạng lưới metro, sau đó TPHCM sẽ tự phê duyệt dự án thành phần, giúp rút gọn đáng kể thời gian, thủ tục. Cơ chế 13, TPHCM được chủ trì thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, PCCC, nghiệm thu dự án, giảm bớt sự tham gia của cơ quan trung ương, tăng tốc độ triển khai.
Với cơ chế 14, TPHCM được chỉ định thầu tư vấn đối với các gói thầu không phức tạp, rút ngắn thời gian lựa chọn tư vấn, đảm bảo tiến độ. Cơ chế 15, miễn thủ tục lập Đề xuất dự án khi sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi, giúp TPHCM chủ động, nhanh chóng triển khai các dự án metro trọng điểm. Cơ chế 16, TPHCM được thanh toán vốn ODA linh hoạt theo tiến độ thực tế, không phụ thuộc kế hoạch vốn ODA hàng năm, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn vay.
Để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch TPHCM cần 25,8 tỷ USD – theo tính toán của 20 năm trước. Nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư công và vay ODA. Trong đó, vốn vay ODA cho các dự án đầu tư metro tại TPHCM là khoảng 6,5 tỷ USD (đạt khoảng 23%). Vốn ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu để đạt mục tiêu xây dựng hạ tầng TPHCM giai đoạn 2021-2025.
Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư các dự án đường sắt đô thị theo hợp đồng đối tác công – tư (PPP) từng được đề xuất áp dụng. Tuy nhiên, thủ tục đầu tư metro theo hình thức PPP phải trải qua hàng chục bước rất rườm rà.
Chính vì phải làm quá nhiều thủ tục nên không có nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng các dự án metro tại TPHCM.
Thư Trần – Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/go-roi-8-tuyen-metro-voi-loat-co-che-dac-thu-vuot-troi-20240522165025030.htm