Thủ tướng lưu ý, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, yêu cầu cao, thời gian có hạn, các các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy tinh thần vì nước vì dân để hành động.
Các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể liên quan phải đề cao trách nhiệm thực thi công vụ nhiều hơn; bảo đảm tiến độ thi công nhanh hơn, kịp thời hơn; chất lượng các dự án, công trình phải tốt hơn; kỹ thuật, mỹ thuật, công nghệ phải cao hơn, phù hợp hơn; các địa phương phải xử lý các vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng (GPMB), nguyên vật liệu, đường hậu cần, các công trình kỹ thuật… cho các dự án nhanh hơn, hiệu quả hơn; làm tốt hơn việc xử lý môi trường, ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị tác động bởi các dự án.
Riêng về vấn đề GPMB, Thủ tướng yêu cầu các địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, huy động cả hệ thống chính trị để giải quyết dứt điểm công tác GPMB bằng dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 (đặc biệt là các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kiên Giang, Phú Yên); 3 dự án cao tốc trục Đông – Tây và 2 dự án vành đai trong quý 2/2024; phối hợp với các chủ đầu tư xác định mức độ ưu tiên bàn giao trước mặt bằng đoạn tuyến là đường găng (là đường xuyên mạng đi từ thời điểm khởi công dự án tới thời điểm kết thúc dự án). Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân…
“Lãnh đạo địa phương phải sát tình hình, quyết liệt, chia sẻ với nhân dân thì mới làm được công tác GPMB. Nhiều địa phương đã làm rất tốt, nhưng một số địa phương làm chưa tốt. Không câu nệ gì cả. Phải xuống cơ sở lắng nghe ý kiến người dân xem họ muốn gì, đề xuất gì, đặt mình vào địa vị của họ. Còn 1 hộ dân cũng phải xuống, mình không xuống thì ai xuống” – Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với thiếu vật liệu đắp nền, thì việc chậm trễ trong công tác GPMB cũng đang cần gấp rút tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc. Vướng mắc trong GPMB chủ yếu do việc thỏa thuận đền bù, chậm bố trí tái định cư, các khu tái định cư chưa hoàn thành. Cùng đó là chậm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp (nhất là hệ thống điện cao thế).
Có thể nêu ví dụ về dự án đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu dài 53,7km. Đến nay, nhiều đoạn trên tuyến đã dần hình thành, nhưng tại tỉnh Đồng Nai việc GPMB vẫn chậm. Cùng với việc phức tạp trong kiểm đếm là việc nhiều dự án bồi thường GPMB, trong khi số lượng nhân sự của các phòng, ban, UBND cấp xã, phường tham gia công tác bồi thường, GPMB không đủ. Việc đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư tại phường Tam Phước và phường Phước Tân thuộc TP Biên Hòa và 2 khu tái định cư Long Đức và Long Phước thuộc huyện Long Thành cũng khó có thể kịp để bố trí cho các hộ dân.
Theo ông Võ Tấn Đức – quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trong số 4 khu tái định cư thì 2 khu tái định cư ở TP Biên Hoà phải thu hồi đất của dân nên phải thực hiện các trình tự bồi thường thu hồi đất, đấu thầu, đấu giá mất nhiều thời gian. Đặc biệt là phường Phước Tân, do “lịch sử để lại”, có 700 hộ dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Về chính sách bồi thường GPMB thì 700 hộ dân này không thể bố trí tái định cư. Do đó, tỉnh đang nghiên cứu các chính sách có thể bố trí nhà ở xã hội cho các hộ dân này.
Ông Đức cũng cho biết, địa phương đang thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, công tác GPMB đã được phân chia cho 2 đơn vị là Ban Quản lý dự án bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai; và UBND huyện Long Thành cùng thực hiện để hoàn thành cam kết với Chính phủ bàn giao mặt bằng dự án trước ngày 30/6.
Tương tự ở các địa phương khác khi có cao tốc đi qua, công tác GPMB chậm chủ yếu là do khó thỏa thuận về đền bù, tái định cư cho người dân. Điều đó đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn của chính quyền địa phương trong việc tạo được đồng thuận trong dân – những người bị tác động khi thực hiện dự án.