Năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo TPHCM chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý và đổi mới phương pháp giảng dạy ở các trường học. Tuy nhiên, do hạn chế về nhân lực và kinh phí nên kết quả thực hiện chưa như mong đợi.
Triển khai từng bước
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, tính đến cuối năm học 2023-2024, khoảng 80% trường học trên địa bàn thành phố đã triển khai kho học liệu số. Chỉ tính riêng bậc tiểu học, hệ thống ngân hàng học liệu số dùng chung có tổng cộng 22.838 bài giảng, trong đó có 5.068 học liệu mức độ 1 (file word, powerpoint, pdf…), 17.770 học liệu mức độ 2 (bài giảng tương tác). Hầu hết các trường học đã triển khai nền tảng số để đẩy mạnh dạy học trực tuyến, đồng bộ kết quả dạy học, kiểm tra, đánh giá với dữ liệu thực của học sinh và nhà trường. Đặc biệt, đây là năm học đầu tiên ngành giáo dục thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh của 44 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận huyện, đồng thời triển khai hệ thống quản lý học bạ số, sổ liên lạc điện tử.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức (TPHCM), cho biết, việc sử dụng học bạ số, sổ điểm điện tử giúp trường học thuận lợi hơn trong việc lưu trữ, quản lý và sử dụng học bạ của học sinh. Ngoài ra, hình thức học bạ này giúp giáo viên giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, minh bạch hóa quá trình quản lý kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, hạn chế các bất cập về chỉnh sửa kết quả học tập. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực tế, một bộ phận giáo viên có trình độ tin học còn hạn chế khiến ứng dụng công nghệ thông tin chưa đạt hiệu quả cao, mức độ ứng dụng các phần mềm còn chậm so với yêu cầu. Hiện nay, đa số trường học chưa có biên chế nhân viên công nghệ thông tin do không tuyển dụng được. Bên cạnh đó, việc xây dựng, thẩm định, chia sẻ và cập nhật học liệu số đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính để đảm bảo học liệu số đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu của giáo viên và học sinh.
Cùng nhận định, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 7 Đặng Nguyễn Thịnh bày tỏ, việc đầu tư, phát triển công nghệ thuận lợi hơn ở hệ thống ngoài công lập, trong khi trường công lập gặp khó khăn do hạn chế về cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư. Để giải quyết khó khăn về nguồn lực, quận 7 triển khai Đề án thành lập trung tâm thực hành thí nghiệm hiện đại dùng chung cho 40 cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn từ nguồn vốn vay kích cầu. Đây là cách làm giúp các trường sớm tiếp cận điều kiện dạy học hiện đại trong bối cảnh kinh phí còn hạn chế.
Với cách làm khác, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) xây dựng thành công mô hình thư viện số bằng cách chia nhỏ kế hoạch thực hiện thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, nhà trường tập trung một số hạng mục cơ bản như vận hành hệ thống phần mềm quản lý thư viện, cung cấp tài liệu trực tuyến cho giáo viên và học sinh khi có nhu cầu đọc sách tại nhà hoặc tra cứu qua internet. Ở giai đoạn tiếp theo, giáo viên và học sinh được cung cấp tài khoản cá nhân để tra cứu tài liệu, tham gia bình luận, chia sẻ các đầu sách đã đọc. Khi nguồn tài nguyên trở nên dồi dào, thư viện được mở rộng chức năng thành nơi sinh hoạt chuyên môn, hỗ trợ làm việc nhóm cho học sinh, giáo viên.
Quan tâm yếu tố con người
Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho rằng, nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi số bởi không có người vận hành thì hạ tầng công nghệ không thể phát huy hiệu quả. Khi có người vận hành, cần tránh tình trạng mỗi nơi triển khai một kiểu, xây dựng kho học liệu hoành tráng để chạy đua thành tích mà không dựa trên nhu cầu học tập thực tế của học sinh. Do đó, chuyển đổi số cần được kiểm soát, không làm theo khuôn mẫu chung mà dựa vào điều kiện thực tế và phù hợp năng lực người học tại đơn vị. Ở góc độ khác, theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc, nhà trường không nên chờ khi nào có tiền, có nguồn lực mới thực hiện. Thay vào đó, cần có chiến lược đầu tư dài hơi, chia kế hoạch thực hiện thành nhiều hạng mục cụ thể qua từng năm học để khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Lãnh đạo các phòng GD-ĐT kiến nghị Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản hướng dẫn việc xây dựng, triển khai kế hoạch tài chính dài hạn để đảm bảo nguồn kinh phí ổn định cho việc triển khai học bạ số, đồng thời ban hành quy định về sử dụng chữ ký số trong hoạt động quản lý và giảng dạy ở các trường học. Trong quá trình thực hiện, địa phương cần chủ động áp dụng các biện pháp sao lưu, dự phòng định kỳ để đảm bảo tính toàn vẹn, khả năng phục hồi dữ liệu, đáp ứng yêu cầu an ninh, quyền riêng tư của học sinh. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, chuyển đổi số cần thực hiện theo lộ trình cuốn chiếu mỗi năm học một khối lớp để đảm bảo hiệu quả.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm học 2024-2025, ngành giáo dục và đào tạo tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến thực hiện chủ đề năm học là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo TPHCM”.
MINH QUÂN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/go-nut-that-chuyen-doi-so-giao-duc-post754702.html