Công khai, minh bạch thông tin
Là địa phương đang trên đà phát triển, giai đoạn từ tháng 6/2013 đến nay, thành phố Sơn La có 71 dự án thuộc diện thu hồi đất, GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tổng diện tích trên 457ha; tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 980 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo UBND thành phố, thời gian qua, tất cả đồ án quy hoạch đô thị, xây dựng đã được UBND thành phố xin ý kiến cộng đồng dân cư, các đơn vị liên quan. Thời gian lấy ý kiến ít nhất 15 ngày với cơ quan, 30 ngày với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Hình thức lấy ý kiến chủ yếu qua hội nghị, hội thảo; gửi hồ sơ, tài liệu; trưng bày công khai bản vẽ quy hoạch tại Nhà văn hóa tổ, bản nơi lập quy hoạch… Quá trình lấy ý kiến, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đa phần đều nhất trí với nội dung đồ án quy hoạch, ý kiến của nhân dân chủ yếu liên quan đến chế độ, chính sách bồi thường, GPMB, bố trí đất tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất…
Sau khi có quyết định phê duyệt dự án và trước khi thực hiện, thành phố đã công khai nội dung liên quan đến dự án bằng nhiều hình thức: Mời họp dân, trực tiếp phổ biến, công khai trên phương tiện thông tin địa phương, cung cấp tài liệu có liên quan, phát phiếu lấy ý kiến, niêm yết văn bản…
Giai đoạn thực hiện dự án, đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Chủ tịch Hội đồng. Ban hành, công khai kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, kiểm đếm GPMB, thông báo thu hồi đất đến các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng. Giao các phòng ban chuyên môn thường xuyên theo dõi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, giá cả đền bù, hỗ trợ kịp thời. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, áp dụng linh hoạt các chế độ chính sách để bảo đảm quyền lợi của các hộ dân bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Thế Phương – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, thành phố đã nhận được sự đồng tình nhất trí của đa số các hộ dân. Một số dự án, người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, từng bước thay đổi diện mạo thành phố theo hướng văn minh – hiện đại.
Phát huy vai trò giám sát của nhân dân
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, những năm qua, công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB các công trình, dự án đã được các địa phương trên toàn tỉnh quan tâm triển khai ngay từ giai đoạn chuẩn bị quy hoạch, xây dựng dự án; trong giai đoạn thực hiện dự án và sau khi dự án hoàn thiện. Các bước quy trình cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ.
Đặc biệt, đã chủ động, kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội từ cấp tỉnh, huyện đến xã, phường, tổ, bản; đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình, ủng hộ các chủ trương, chính sách của nhà nước về thu hồi đất, bồi thường, GPMB, tái định cư.
Ông Nguyễn Tiến Dương – Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Trong giai đoạn thực hiện dự án, Sở TN&MT đã cùng cấp huyện chủ động xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra, triển khai thực hiện với các cơ quan được giao nhiệm vụ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức nắm vững chuyên môn nghiệp vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, công tác dân vận. Phổ biến, tập huấn nghiệp vụ kỹ năng tuyên truyền vận động quần chúng cho cán bộ được phân công tham gia thực hiện dự án.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB, nhất là với đặc thù tỉnh miền núi với trên 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Sơn La đã và đang nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, quan tâm đến đời sống của các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất thực hiện dự án. Tăng cường đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, tạo sự đồng thuận của đa số người dân.
Theo số liệu tổng hợp từ Sở TN&MT, giai đoạn 2013 – 2022, Sơn La có hơn 400 công trình, dự án triển khai phải thu hồi đất, bồi thường, GPMB trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Tổng số tiền đã chi trả cho công tác bồi thường, hỗ trợ khoảng trên 1.600 tỷ đồng.
Thực hiện nghiêm quy trình, công khai, minh bạch gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, nhất là cơ chế: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng trong tất cả các dự án ngay từ ban đầu.
Tiếp tục hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB. Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là đất công; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất sai mục đích. Chủ động rà soát các cơ chế, chính sách đất đai của tỉnh để tham mưu điều chỉnh, bổ sung, thay thế cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý đất đai trong tình hình mới.