Việc đưa các tuyến tàu này hoạt động nhằm thúc đẩy liên kết vùng, góp phần phát triển hoạt động du lịch của các địa phương
Vừa qua, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, đề nghị tạo điều kiện cho Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express) khai thác du lịch bằng tàu cao tốc tuyến Đà Nẵng – Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) – đảo Lý Sơn (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Có lợi cho dân, Hội An ủng hộ
Sau khi tiếp nhận văn bản của UBND TP Đà Nẵng, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, giao UBND TP Hội An nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết thành phố đang xem xét đề án đưa khách từ cảng Đà Nẵng ra đảo Cù Lao Chàm bằng tàu cao tốc của Phú Quốc Express. “Quan điểm là ủng hộ việc này vì lượng khách tham quan đảo Cù Lao Chàm gần đây sụt giảm nên cần đa dạng nguồn khách. Hơn nữa, tuyến này đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa vào quy hoạch luồng tuyến. Đồng thời, nếu triển khai được sẽ bảo đảm an toàn cho du khách và có lợi cho người dân trên đảo” – ông Sơn chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND TP Hội An, việc đưa khách bằng tàu cao tốc từ Đà Nẵng đến Cù Lao Chàm sẽ không ảnh hưởng đến Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An vì số lượng khách sẽ được điều tiết hằng ngày cho phù hợp với thực tế.
Ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi, xác nhận đã nhận được văn bản đề xuất vận hành tuyến Đà Nẵng – Lý Sơn. “Trước kia, tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất vận hành tuyến vận tải Đà Nẵng – Lý Sơn nhưng sau khi chạy một vài chuyến đầu tiên, vì không có khách nên doanh nghiệp không tiếp tục vận hành nữa. Doanh nghiệp cũng không thông báo gì cho tỉnh Quảng Ngãi. Còn nếu doanh nghiệp có ý định tiếp tục khai thác tuyến này, doanh nghiệp cần phải làm việc lại với Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi. Trên cơ sở đề xuất, Cảng vụ Hàng hải sẽ xem xét mở tuyến lại cho doanh nghiệp” – ông Phong cho biết.
Vì sao tuyến Đà Nẵng – Lý Sơn “chết yểu”?
Được biết, tháng 3-2022, Phú Quốc Express đã khai trương tuyến tàu du lịch đường thủy Đà Nẵng – đảo Lý Sơn. Theo đó, tàu Trưng Trắc phục vụ khai thác tuyến này được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu. Tàu có thể phục vụ lên tới gần 600 hành khách và rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng đến Lý Sơn chỉ hơn 2 giờ. Thời gian đầu đưa vào hoạt động, Phú Quốc Express dự kiến tần suất 4 chuyến/tuần, giá vé dao động từ 590.000 tới 720.000 đồng/lượt cho hạng phổ thông và 900.000 đồng/lượt hạng VIP. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn hoạt động, đến tháng 7-2022, Phú Quốc Express đã tạm hoãn khai thác tuyến này do nhu cầu khách quá thấp, mỗi đợt chỉ khoảng 20 khách.
Ông Vũ Văn Khương, Tổng Giám đốc Phú Quốc Express, cho biết vướng mắc của tuyến Đà Nẵng – Cù Lao Chàm là hiện nay bến thủy nội địa Cù Lao Chàm chưa phù hợp để tiếp nhận các phương tiện tàu biển. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị được hợp tác, liên kết với Ban Quản lý (BQL) bến thủy nội địa Cù Lao Chàm để khảo sát nâng cấp từ bến thành cảng để có thể tiếp nhận tàu biển theo quy định của Bộ GTVT. “Trường hợp Hội An cho phép chúng tôi sẽ hỗ trợ chi phí đầu tư. Địa phương không mất gì mà còn được thu tiền, du lịch sẽ phát triển hơn. Ngoài ra, tàu cao tốc có thể chạy trong điều kiện thời tiết cấp 8-9, trong khi hiện nay gió cấp 5 là các phương tiện đi Cù Lao Chàm phải dừng rồi” – ông Khương nhìn nhận.
Nói về nguyên nhân tuyến tàu du lịch đường thủy Đà Nẵng – Lý Sơn triển khai chỉ một thời gian thì tạm hoãn do chưa hiệu quả, vì một phần do giá vé còn cao. Hiện nay, Phú Quốc Express đang xây dựng lại lộ trình để tiết kiệm chi phí, tiết kiệm đầu vào để giá vé phù hợp hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do công ty không ký gia hạn được hợp đồng với BQL cảng và Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ngãi. Ông Khương cho biết đơn vị muốn được tự do bán vé, trong khi BQL cảng và Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ngãi yêu cầu phải ký kết hợp đồng để đơn vị này bán vé “độc quyền”. Ông Khương cho rằng việc bán vé “độc quyền” có thể dễ phát sinh tiêu cực, hệ lụy, làm ảnh hưởng đến khách hàng của công ty. Cũng vì lý do này mà tuyến tàu cao tốc Sa Kỳ – Lý Sơn của Phú Quốc Express phải dừng chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động.
“Nếu mọi việc suôn sẻ thì tàu chúng tôi sẽ chạy một mạch từ Đà Nẵng đi Cù Lao Chàm – Lý Sơn, xong có 2 chuyến kết nối từ Lý Sơn về Sa Kỳ, tạo thành vòng cung khép kín. Bao nhiêu năm nay xây dựng tuyến Đà Nẵng – Lý Sơn, chúng tôi đầu tư chi phí rất nhiều, song kết quả không như mong muốn. Bản thân tôi rất muốn xây dựng tuyến du lịch này nhằm kết nối vùng miền nhưng nếu cứ giữ độc quyền bán vé thì không làm được, có thể phải “buông” thôi” – ông Khương chia sẻ.
Ông Nguyễn Phong cho rằng doanh nghiệp đề nghị làm trọn gói việc bán vé, thuê cảng… là không thể được. Vì cảng thuộc tài sản nhà nước, nếu phương tiện muốn cập bến phải đăng ký đóng phí, trả phí, chứ không thể thuê cho riêng doanh nghiệp nào hoạt động được.
Mong sớm khai thác tuyến Đà Nẵng – Cù Lao Chàm
Ông Vũ Văn Khương cho rằng khai thác tuyến du lịch Đà Nẵng – Cù Lao Chàm bằng cao tốc sẽ mang lại hiệu quả vì đơn vị xây dựng giá rất cạnh tranh, sản phẩm du lịch hấp dẫn. Ông Khương mong muốn UBND TP Hội An đẩy nhanh các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị có thể khai trương tuyến du lịch vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng vào cuối tháng 3-2025.
Nguồn: https://nld.com.vn/go-kho-cho-tau-cao-toc-tuyen-da-nang-cu-lao-cham-ly-son-196241112195822483.htm