Sở hữu vẻ đẹp nổi bật cùng với sứ mệnh của một di sản thiên nhiên thế giới, việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long đòi hỏi đảm bảo tốt các nguyên tắc trong bảo vệ, gìn giữ các giá trị di sản cùng với sức hấp dẫn, đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách. Chính vì khó như vậy nên câu chuyện này luôn nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và du khách.
Đa dạng các sản phẩm, dịch vụ
Theo thống kê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trên Vịnh Hạ Long hiện có 12 sản phẩm, dịch vụ du lịch, trong đó có 4 sản phẩm, dịch vụ du lịch do đơn vị tổ chức khai thác, 8 sản phẩm, dịch vụ du lịch do các doanh nghiệp tổ chức khai thác phục vụ khách tham quan.
Qua thực tế cho thấy, những năm qua, bên cạnh các dịch vụ du lịch truyền thống đã có như tham quan hang động, leo núi ngắm cảnh, tắm biển, chèo kayak, đò chèo tay, xuồng cao tốc, nghỉ đêm... trên Vịnh Hạ Long đã phát triển một số sản phẩm du lịch mới, đáp ứng phân khúc thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao như sản phẩm du thuyền khám phá; trải nghiệm Vịnh Hạ Long từ trên cao với thủy phi cơ, trực thăng; sản phẩm du thuyền nhà hàng với trải nghiệm ẩm thực Hạ Long kết hợp thưởng thức âm nhạc và tham quan vẻ đẹp của TP Hạ Long về đêm…
Đồng thời, để phát huy bền vững nguồn tài nguyên du lịch của di sản, cơ quan quản lý di sản là Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng chú trọng phối hợp trong phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch cộng đồng, như: Tham quan, trải nghiệm giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng ngư dân trên Vịnh Hạ Long tại khu vực Cửa Vạn và Vung Viêng (nghe biểu diễn hát giao duyên, trải nghiệm chế tác các ngư cụ truyền thống, tham quan nhà bè…); tham quan và trải nghiệm khu nuôi cấy, chế tác Ngọc Trai tại vụng Tùng Sâu; nghiên cứu, khám phá các di chỉ khảo cổ học tại Động Mê Cung; tham quan khu trưng bày triển lãm các giá trị của di sản tại hang Đầu Gỗ; trải nghiệm khu trưng bày khảo cổ tại động Tiên Ông; thưởng thức ẩm thực Hạ Long và các mặt hàng OCOP của tỉnh tại điểm du lịch Cặp Táo...
Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long đã góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng thu ngân sách cho tỉnh, nhiều sản phẩm du lịch độc đáo đã dần được hình thành.
Dù vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đơn vị, doanh nghiệp thì sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long lâu nay vẫn chủ yếu phát triển dựa trên khai thác giá trị tự nhiên, chưa khai thác hiệu quả giá trị văn hoá, thiếu sản phẩm du lịch sinh thái, văn hoá; chủ yếu là sản phẩm đại trà, chưa có nhiều sản phẩm khác biệt, độc đáo để phân khúc thị trường khách du lịch, nhất là thị trường khách cao cấp...
Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Những năm gần đây, một số doanh nghiệp, đơn vị đã đề xuất phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới trên Vịnh Hạ Long. Không ít trong đó là những sản phẩm hứa hẹn sức hấp dẫn lớn với du khách, nhất là dòng khách có sức chi tiêu cao, như khai thác các hang động, bãi cát hoang sơ ven chân các đảo đá ở khu vực xa bờ để phát triển sản phẩm du lịch tắm biển, tổ chức tiệc nhẹ trên bãi cát, biểu diễn nghệ thuật trong hang động…
Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm chưa thể hiện thực hoá do có nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ liên quan đến những thủ tục giao đất, giao rừng, giao khu vực biển; quy hoạch Vịnh Hạ Long; sử dụng tài sản công tại di sản, di tích quốc gia đặc biệt…
Hiện nay, theo báo cáo của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, việc lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 chưa hoàn thành, dự kiến đến năm 2027 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó việc đầu tư, triển khai các dự án phát triển các sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long chưa có cơ sở để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề bất cập về cơ sở hạ tầng tại các hành trình tham quan trên Vịnh Hạ Long cũng cần sớm được tháo gỡ. Đơn cử, vùng nước trước bến cập tàu khu vực động Thiên Cung - Đầu Gỗ từ năm 2018 đến nay chưa thực hiện công tác nạo vét, duy tu đã bị bồi lắng, khi mực nước triều xuống kiệt không đảm bảo độ sâu cho phép các tàu du lịch chở khách tham quan, lưu trú gây ùn tắc khi tàu ra vào đón trả khách, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Bến cập tàu tại 2 điểm tham quan hang Tiên Ông, động Mê Cung thuộc hành trình VHL2, được triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 6/2020, tuy nhiên đến nay chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố cảng bến. Bến cập tàu tại Hang Cỏ thuộc hành trình VHL4 cũng chưa được công bố là bến thủy nội địa theo quy định để đảm bảo đủ điều kiện cho phương tiện cập vào đón, trả khách du lịch…Cơ sở vật chất trong hang như hệ thống điện chiếu sáng, lối đi cần được cải tạo, nâng cấp…
Một điểm bất cập nữa là, nhiều điểm đến dù đã nằm trong cơ cấu vé tham quan nhưng thời gian qua chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa thể đón tiếp khách tham quan, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch, như: Hang Bồ Nâu, hồ Ba Hầm, đền Bà Men, áng Dù, rừng Trúc, hang Thầy, hang Cặp La, khu tùng áng Cống Đỏ… Được biết, để giải toả cơn khát bãi tắm trên vịnh khi mùa du lịch hè đang tới, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long trước mắt đang đề xuất việc đưa bãi tắm Soi Sim vào hoạt động trở lại phục vụ khách du lịch từ ngày 1/5 tới đây.
Thời gian qua, nhất là giai đoạn sau dịch Covid-19, các hành trình du lịch trên Vịnh Hạ Long có sự phát triển không đồng đều. Cụ thể, lượng khách du lịch tập trung nhiều ở hành trình VHL1, VHL2 là những hành trình gần đất liền và chủ yếu khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống (tham quan hang động, tắm biển) dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ tại một số điểm như: Động Thiên Cung, hang Sửng Sốt, hang Luồn, bãi tắm Ti Tốp…
Trong khi đó, hành trình tham quan VHL3 và VHL4 trên Vịnh Hạ Long tập trung rất nhiều điểm du lịch/khu vực cảnh quan hoang sơ, nhiều bãi cát đẹp, tùng áng... có tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp nhưng chưa thu hút được nhiều khách du lịch do có vị trí nằm xa bờ, việc di chuyển mất nhiều thời gian.
Qua tìm hiểu cho thấy, khu vực này tiếp giáp với vùng Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng), có nhiều cảnh điểm nằm trong 3 hành trình kết nối Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long. Trong khi đó, các tàu du lịch tại khu vực Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng), chỉ khai thác một luồng độc đạo theo lộ trình từ cảng Gia Luận chạy theo luồng quốc gia qua khu vực Trà Báu, khu vực Cửa Vạn để ra khu vực Ba Trái Đào sau đó quay về điểm neo đậu ngủ đêm tại Trà Báu mà không có bất kỳ điểm dừng chân, tham quan nào cho du khách.
Từ thực tế này, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đang đề xuất với tỉnh về chủ trương nối thông tuyến Vịnh Lan Hạ với hành trình tham quan VHL3 và VHL4 trên Vịnh Hạ Long. Qua đây, nhằm gia tăng kết nối giữa 2 vịnh, thúc đẩy cơ hội phát triển và thu hút khách du lịch đến hành trình tham quan VHL3 và VHL4 trên Vịnh Hạ Long, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đồng thời cũng giảm tải lượng khách tham quan tại hành trình tham quan VHL1 và VHL2 trên Vịnh Hạ Long.
Ngọc Mai
Nguồn
Bình luận (0)