STO – Trong những tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng; cộng thêm chi phí đầu vào ở mức cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp; việc khó khăn trong tiếp cận tín dụng, lãi suất vay ở mức cao… nhiều doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn. Từ thực trạng trên, doanh nghiệp rất cần những giải pháp tháo gỡ để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.
Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng
Đánh giá của UBND tỉnh cho thấy, tình hình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng thấp so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có 143 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (giảm 24 doanh nghiệp so cùng kỳ); có 29 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 14 doanh nghiệp); có 35 doanh nghiệp giải thể (giảm 7 doanh nghiệp so cùng kỳ); có 75 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 31 doanh nghiệp so cùng kỳ). Nguyên nhân do biến động của nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động… Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn việc tạm ngừng hoạt động trong ngắn hạn để chờ tình hình thị trường ổn định và lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp trong tình hình mới (các doanh nghiệp này có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) chiếm tỷ lệ 58% và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 86%).
Xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2023 của Sóc Trăng giảm so với cùng kỳ. Ảnh: HOÀNG LAN
Theo lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu và nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất, vẫn còn doanh nghiệp cắt giảm lao động. Khó khăn trong xuất khẩu kéo theo giá trị xuất khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2023 của tỉnh thực hiện đạt 450 triệu USD, đạt 30% chỉ tiêu nghị quyết, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 260 triệu USD (giảm 29,16%), do nhu cầu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu thủy sản giảm. Theo các ngành chức năng tỉnh, nguyên nhân là doanh nghiệp xuất khẩu tôm giảm lợi thế cạnh tranh với tôm Ecuador và tôm Ấn Độ (cụ thể tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kg của Ấn Độ 115.000 đồng/kg, tôm Ecuador 105.000 đồng/kg, trong khi Việt Nam là 140.000 đồng/kg), do giá thành sản xuất tôm của Việt Nam cao (giá các nguyên liệu đầu vào như con giống, thức ăn và vật tư nuôi tôm tăng cao, đẩy giá thành nuôi tôm của Việt Nam tăng so với các nước). Giảm đơn hàng ở các dòng sản phẩm tiêu thụ theo kênh nhà hàng, quán ăn (do lạm phát cao, người dân các nước nhập khẩu thắt chặt chi tiêu, giảm đi nhà hàng, quán ăn). Các thị trường chủ lực của tỉnh như Mỹ, EU, Nhật Bản tiếp tục giảm cầu do kinh tế chưa khởi sắc.
Không chỉ doanh nghiệp có quy mô lớn chịu tác động từ thị trường thế giới mà doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trong tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Vũ Phương – Giám đốc Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, sau đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn, vì hàng không xuất khẩu được dẫn đến tồn kho nhiều, nguồn vốn cũng bị “đóng băng”. Để tiếp tục duy trì hoạt động, thời gian qua, đơn vị chủ động tìm kiếm nguồn vốn vay nhưng lãi suất khá cao, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã. Chuyên sản xuất phụ tùng xe gắn máy phục vụ tiêu dùng trong nước nhưng Cơ sở Cơ khí Trần Trung Nghĩa (thành phố Sóc Trăng) cũng phải thu hẹp sản xuất so với trước đây vì đầu ra không ổn định. Bên cạnh đó, sản phẩm của cơ sở khó cạnh tranh với các doanh nghiệp khác do máy móc trang thiết bị phục vụ sản xuất lỗi thời.
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Những khó khăn nêu trên của doanh nghiệp cần phải được tháo gỡ. Nhiều giải pháp hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nhất là tài chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương ban hành, chỉ đạo triển khai quyết liệt như: giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, giảm tiền thuế, tiền thuê đất… đã tạo thêm động lực để doanh nghiệp vượt khó. Riêng với tỉnh Sóc Trăng, ngoài triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho doanh nghiệp theo đúng quy định;, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban ngành tỉnh và địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh; các hoạt động đối thoại, gặp gỡ, khảo sát, tìm hiểu hoạt động doanh nghiệp được tổ chức định kỳ, thường xuyên, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đơn cử trong ngày 12/5, đồng chí Trần Văn Lâu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chuyến khảo sát nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành tỉnh và địa phương tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã tiếp cận chính sách, bảo đảm tính minh bạch, công bằng, hiệu quả; hỗ trợ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hàng hóa theo quy định; tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi… để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 với nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; liên kết, tiêu thụ, mở rộng thị trường…
Bằng những chính sách mang tầm vĩ mô (các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương) cùng với sự hỗ trợ, đồng hành từ chính quyền địa phương, tin rằng cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng sẽ sớm vượt qua khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội tỉnh tiếp tục phát triển.
HOÀNG LAN