Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn gửi Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ khó khăn cho báo chí ở 5 nhóm vấn đề. Lãnh đạo Cục Báo chí chia sẻ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông rất trăn trở khi các đơn vị báo chí sản xuất tin bài theo định hướng của Đảng và Nhà nước nhưng không có sự hỗ trợ nào.
Đề xuất ưu đãi thuế 10% cho cơ quan báo chí
Trong nhóm ý kiến về chính sách thuế, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay các cơ quan báo chí thuộc loại hình báo in đã được Nhà nước ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất là 10%. Tuy nhiên, hiện nhiều cơ quan có hai loại hình báo chí trở lên (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử), đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, chuyên gia tài chính kế toán cho biết: “Hiện nay do chi phí tăng cao, đa phần các cơ quan báo chí in báo đều phải chịu lỗ nên mức thuế áp dụng 10% thực ra không mang lại nhiều hiệu quả hỗ trợ. Trong khi đó các loại hình báo chí khác như báo nói, báo điện tử, báo hình… có thể đem lại doanh thu, đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu thì vẫn chịu mức thuế như doanh nghiệp bình thường. Như vậy chính sách hỗ trợ không thực sự đi vào trọng tâm”.
Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất Nhà nước thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế.
Bối rối không biết “con gà hay quả trứng” có trước?
Nóng nhất lúc này là câu chuyện những bất cập trong việc thực hiện các quy định mà Bộ Tài chính ban hành.
Nhiều cơ quan báo chí đang lúng túng trước câu hỏi nên xây dựng đơn giá trước hay đợi có đơn đặt hàng rồi mới xây dựng đơn giá? Câu chuyện này không khác gì câu hỏi “quả trứng hay con gà có trước?
Mâu thuẫn ở chỗ, khi bộ, ngành đặt hàng tuyên truyền thì yêu cầu có đơn giá để thẩm định. Nhưng khi cơ quan báo chí tự xây dựng sẵn đơn giá rồi trình cơ quan chủ quản và các đơn vị chức năng thì lại nhận được yêu cầu phải có đặt hàng thì mới thẩm định đơn giá.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính kế toán nhận định: “Nó như một vòng luẩn quẩn khiến các cơ quan báo chí lúng túng trong việc xây dựng đơn giá. Lấy ví dụ như người đi mua hàng luôn yêu cầu biết giá sản phẩm rồi mới quyết định mua. Nếu lúc đó sản phẩm có sẵn giá thì quy trình mua bán diễn ra thuận lợi và thông suốt. Thế nhưng hiện tại, người bán không được tự ý đưa ra giá sản phẩm, buộc phải xin phép cấp trên mới được niêm yết giá. Khi làm hồ sơ xin công bố đơn giá thì cấp trên yêu cầu phải nhìn thấy đơn đặt hàng mới phê duyệt giá sản phẩm. Thế nhưng thời điểm này người bán chưa có đơn hàng nào trong tay”.
Nếu như trước đây việc xác định đơn giá chỉ trải qua 3 bước là Cơ quan chủ quản giao nhiệm vụ cho Cơ quan báo chí rồi đấu thầu cho cơ quan có nhu cầu triển khai nhiệm vụ tuyên truyền. Hiện nay việc xác định đơn giá cần tới 7 bước bao gồm:
Bước 1: Cơ quan báo chí xây dựng định mức
Bước 2: Cơ quan chủ quản xây dựng định mức cụ thể
Bước 3: Cơ quan báo chí xây dựng phương án giá
Bước 4: Gửi Bộ Thông tin và Truyền thông/ Sở Tài chính thẩm định giá
Bước 5: Bộ Tài chính/ UBND tỉnh đưa ra mức giá tối đa
Bước 6: Cơ quan chủ quản đưa ra giá cụ thể
Bước 7: Cơ quan thực hiện đặt hàng
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính cần cắt giảm các khâu trung gian để giúp đẩy nhanh các tiến độ thực hiện. Đặc biệt, cần giảm bớt khâu trung gian trong quá trình định giá: Giao cơ quan chủ quản thẩm định phương án giá và gửi Bộ Tài chính quyết định giá tối đa (giá tối đa đồng thời có thể là giá cụ thể).
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Tài chính xem xét 5 nhóm vấn đề: Thứ nhất là sửa đổi, bổ sung Nghị định 60 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Thứ 2 là nhóm ý kiến về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; Thứ 3 là nhóm ý kiến liên quan đến pháp luật về giá; Thứ 4 là nhóm ý kiến về chính sách thuế; Thứ 5 là các ý kiến về bố trí kinh phí hoạt động, mua sắm phương tiện tác nghiệp cho các cơ quan báo chí và hướng dẫn chế độ chi cho các cơ quan báo chí.