Doanh nghiệp nỗ lực
Là một trong những DN đầu tàu về xuất khẩu cá tra ở vùng ĐBSCL, Công ty Cổ phần (CP) Nam Việt nỗ lực nâng cao giá trị loài cá đặc hữu này, bên cạnh sản phẩm chính từ thịt cá. Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Việt Doãn Tới cho biết, năm 2022, Nam Việt xây dựng hoành thành và đưa vào hoạt động nhà máy AMICOGEN với công suất 800.000 tấn thành phẩm Colagen, Gelatin/năm. Công ty đang định hướng hợp tác mở rộng quy mô nhà máy nhằm khai thác giá trị từ phụ phẩm da cá, mỡ cá tra.
Dù có nhiều cố gắng nhưng Công ty CP Nam Việt cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của vòng xoáy suy thoái kinh tế toàn cầu, nhất là thị trường giảm sức mua sau đại dịch COVID-19. Năm 2022, Nam Việt nỗ lực duy trì việc làm cho 6.500 lao động, tổng nguyên liệu sản xuất 110.000 tấn cá tra, đạt tổng doanh thu 4.935 tỷ đồng, trong đó doanh số xuất khẩu 180 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 780 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 660 tỷ đồng, đóng thuế cho nhà nước 179 tỷ đồng. Kết quả này chỉ đạt 78% kế hoạch đề ra.
Năm 2023, Công ty CP Nam Việt phấn đấu duy trì việc làm cho 7.500 lao động, tổng nguyên liệu sản xuất 130.000 tấn cá tra, tổng doanh thu 5.700 tỷ đồng, trong đó doanh số xuất khẩu 215 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 85 tỷ đồng. Công ty lập dự án, xây dựng nhà máy SURIMI với công suất 24.000 tấn thành phẩm Surimi/năm, doanh số 40 triệu USD.
Đối mặt khó khăn
Đặt mục tiêu doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm mạnh so năm 2022, Công ty CP Nam Việt đã lường trước được những khó khăn của thị trường xuất khẩu cá tra, đặc biệt là những tác động hậu COVID-19.
Ông Doãn Tới cho biết, trải qua 24 năm làm nghề cá tra, chưa có khi nào khó khăn như hiện nay. Trong khi giá cá tra xuất khẩu từ đầu năm đến nay luôn ở mức thấp, thì giá nguyên liệu sản xuất thức ăn lại tăng cao (bã nành từ 9.000 đồng/kg tăng lên 15.500 đồng/kg; cám gạo từ 4.800 đồng/kg tăng lên 7.800 đồng/kg), kéo theo giá cá tra nguyên liệu lên 29.000 – 30.000 đồng/kg. DN còn đối mặt thêm khó khăn khi lãi vay ngân hàng cao, giá điện mới tăng thêm 3%…
Tại Khu công nghiệp (KCN) Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), Công ty CP Nam Việt đầu tư làm đường giao thông nhưng KCN lại thu phí. Nhà máy chế biến thủy sản của Nam Việt đã đầu tư hàng triệu USD để làm hệ thống xử lý nước thải, dù nước thải đầu ra đạt loại A (đủ tiêu chuẩn xả thải ra môi trường) nhưng buộc phải đấu nối vào hệ thống nước thải KCN và phải trả phí xử lý nước thải lần 2 là 7.488 đồng/m3 nước.
Cách đây 4 năm, Công ty CP Nam Việt đầu tư dự án 600ha nuôi trồng thủy sản công nghệ cao ở huyện Châu Phú. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xong thủ tục hành chính về chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lúa sang nuôi trồng thủy sản. Nguyên nhân là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chưa thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Tìm ra điểm sáng
Dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đến làm việc với tỉnh An Giang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chọn Công ty CP Nam Việt là một trong 2 DN đến khảo sát, làm việc (cùng với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời), bởi cá tra là sản phẩm lợi thế của ĐBSCL, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tháo gỡ khó khăn cho Nam Việt cũng là mở lối phát triển chung cho ngành hàng cá tra.
Đến nay, Bộ TN&MT chưa có quy định riêng cho nước thải nuôi thủy sản nên các đánh giá tác động môi trường dự án nuôi cá tra được yêu cầu áp dụng theo QCVN 40:2011/BTNMT, tức quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, căn cứ theo quy định, tổng coliforms tại vùng nuôi của Nam Việt xả ra môi trường là vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, hàm lượng coliforms của nguồn nước đầu vào (nước sông) cao gấp đôi so với nước xả thải của vùng nuôi, tức DN đã có xử lý để giảm lượng coliforms. “Trên cơ sở kiến nghị của DN, UBND tỉnh sẽ điều chỉnh quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bỏ nội dung xử phạt đối với chỉ số coliforms” – ông Thư nhấn mạnh.
Trong khi đó, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Việt Trí cho biết, đối với nhà máy chế biến thủy sản đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đầu ra đạt loại A, được phép xả thải ra môi trường mà không cần đấu nối vào hệ thống nước thải KCN, việc yêu cầu đấu nối là không cần thiết. Riêng đối với dự án 600ha nuôi trồng thủy sản công nghệ cao của Nam Việt ở huyện Châu Phú, các ngành chức năng đang xúc tiến các thủ tục để hỗ trợ DN chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạo thuận lợi đầu tư phát triển sản xuất.
Chia sẻ với những khó khăn của Công ty CP Nam Việt nói riêng, các DN thủy sản nói chung, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các DN cần bình tĩnh ứng phó với biến động thị trường, tình hình địa chính trị, địa kinh tế thế giới. Trong đó, nghiên cứu thêm những mô hình mới phù hợp với xu hướng thị trường; tổ chức lại sản xuất – kinh doanh để thích ứng tốt hơn; khai thác thêm những sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra…
Khó khăn đối với ngành hàng cá tra chỉ là trước mắt bởi với nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng trong tương lai, thế giới vẫn cần đến sản phẩm cá tra – loại thực phẩm có giá bán bình dân nhưng giá trị dinh dưỡng cao, dễ sử dụng, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tại buổi tiếp Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh Susan Burns, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, An Giang là “cái nôi” của nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra, đề nghị Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ làm cầu nối xúc tiến thêm sản phẩm cá tra An Giang sang thị trường rộng lớn này. Trong bối cảnh cá thịt trắng bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga và một số nước, dự báo nhu cầu thủy sản của Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do lạm phát hạ nhiệt, tồn kho giảm, sức mua tăng. Trong khi đó, EU, Trung Quốc… cũng tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam do mức giá cạnh tranh tốt, có thể thay thế cho một số mặt hàng thủy sản bị thiếu hụt
|
NGÔ CHUẨN