“ĐIỂM MẶT” NHỮNG HẠN CHẾ
Hôm qua 21.11, tại Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30 (ngày 29.8.2024) của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) do Bộ VH-TT-DL tổ chức ở TP.Đà Nẵng, Vụ Văn hóa – Văn nghệ (Ban Tuyên giáo T.Ư) đánh giá: Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cùng với những thay đổi tích cực của cơ chế, chính sách đã góp phần thúc đẩy thị trường CNVH, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Theo báo cáo của Bộ VH-TT-DL, trong giai đoạn 2016 – 2018, 12 ngành CNVH đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỉ USD (tương đương 3,61% GDP). Năm 2021, đóng góp của CNVH đạt 3,92% GDP; năm 2022 tăng lên 4,04% GDP. Giá trị sản xuất của các ngành CNVH trong giai đoạn 2018 – 2022 đóng góp ước đạt 44 tỉ USD. Tại nhiều địa phương, các ngành CNVH cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn 2016 – 2022, nhất là ở những thành phố lớn – những nơi được thiết kế để trở thành trung tâm CNVH của cả nước ở tầm khu vực.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Vụ Văn hóa – Văn nghệ, CNVH vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước. VN vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để thúc đẩy các ngành CNVH phát triển toàn diện. Công tác tổ chức thực hiện trong một số ngành, lĩnh vực chưa hiệu quả. Tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng phổ biến với nhiều hình thức khác nhau, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Nguồn lực đầu tư cho CNVH chưa tương xứng, còn dàn trải.
Cũng theo cơ quan này, việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, phương thức đối tác công – tư chưa đạt yêu cầu. Sự liên kết, phối hợp giữa các lĩnh vực trong việc phát triển CNVH còn thiếu chặt chẽ, chưa thúc đẩy được yếu tố thương mại trong các sản phẩm văn hóa. Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực CNVH còn hạn chế. Còn ít sản phẩm, tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật…
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ An Phong cho rằng vấn đề của CNVH là vấn đề giải quyết điểm nghẽn để làm sao khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) tham gia phát triển. Theo ông Phong, Chỉ thị số 30 đã quy định rõ trách nhiệm không chỉ Bộ VH-TT-DL mà cả các bộ, ngành liên quan, trách nhiệm các địa phương.
“Đây là bước để nâng cao nhận thức xã hội về CNVH, khuyến khích DN làm CNVH, thay đổi cách làm của ngành VH-TT-DL. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ: tránh trường hợp “không quản được thì cấm…”, ông Phong nhấn mạnh.
VĂN HÓA KHÔNG PHẢI LÀ “TIỀN TƯƠI THÓC THẬT”
Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến, tham luận của ngành chức năng cũng như nhà chuyên môn thuộc 12 ngành CNVH nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Hội An, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cần xây dựng chính sách sử dụng tài nguyên cho hoạt động văn hóa, chính sách thuế, tài chính; chính sách bồi dưỡng nhân tài về văn hóa – nghệ thuật; chính sách xã hội hóa, tập trung vào các chính sách tài chính, đất đai… nhằm tạo môi trường tốt cho phát triển CNVH.
NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, góp ý cần kiến nghị với T.Ư quan tâm, rà soát các quyết định trước đây của Chính phủ để đề xuất có những phim trường quy mô lớn không chỉ đáp ứng cho ngành điện ảnh mà còn là thiết chế văn hóa phục vụ du lịch, phát triển KT-XH; cần xác định các dự án được thực hiện phương thức PPP (đối tác công – tư) theo luật Đất đai 2024.
“Luật ban hành rồi nhưng vẫn chưa có nghị định, thông tư để hướng dẫn thực hiện. Trong thời gian tới, đây là phương thức kêu gọi khối tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư các công trình lớn, trọng điểm cho văn hóa nên rất cần tháo gỡ và hướng dẫn cụ thể”, bà Thúy nói.
Về thuế và các chính sách liên quan, bà Thúy cho hay hiện tại lĩnh vực văn hóa, thể thao vẫn chưa có ưu đãi về thuế để thu hút DN đầu tư. “Cần có khảo sát điều tra rộng, đánh giá kỹ trên cơ sở xác định việc phát triển CNVH chính là phát triển, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, từ đó sẽ có những giá trị cộng hưởng khác chứ không phải văn hóa là tiền tươi thóc thật”, bà Thúy nhấn mạnh và kiến nghị cần có những chính sách theo kịp thực tiễn, các cơ quan, ban ngành cần phối hợp hiệu quả hơn trong thực hiện luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và các quyền liên quan góp phần phát triển ngành công nghiệp sáng tạo.
Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và bản quyền tác giả, cần thiết phải tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu nhân lực quản lý CNVH, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng kinh doanh cho người làm nghệ thuật, có chính sách thu hút chuyên gia và đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sáng tạo và phân phối sản phẩm văn hóa…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị các đơn vị, địa phương quán triệt Chỉ thị số 30 đến cơ sở và xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, tạo bước chuyển mới trong phát triển CNVH. Cục Bản quyền tác giả cần tiếp thu ý kiến các hội, các DN… để bổ sung vào chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2030, tầm nhìn 2045, qua đó thay thế chiến lược không còn phù hợp với tình hình của thế giới và trong nước.
Nguồn: https://thanhnien.vn/go-diem-nghen-trong-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-185241122014932992.htm