SGGP
Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu – Global Gate tại Bỉ đã khép lại ngày 27-10 với việc ký kết các thỏa thuận trị giá 3 tỷ EUR (3,16 tỷ USD) giữa Liên minh châu Âu (EU) với nhiều nước đang phát triển và kém phát triển.
Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu của EU, có sự tham dự của 500 đại biểu, gồm 25 Tổng thống và người đứng đầu Chính phủ, nhiều lãnh đạo cấp Chính phủ và Bộ trưởng các nước, lãnh đạo Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Thương mại thế giới và đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tổ chức chính trị – xã hội.
Với chủ đề “Cùng nhau mạnh mẽ hơn thông qua đầu tư bền vững”, diễn đàn đặt mục tiêu tăng cường sự phối hợp giữa các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân trong thống nhất định hướng và huy động nguồn lực, tăng cường đầu tư vào hạ tầng cơ sở chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực, hệ thống y tế vì mục tiêu phát triển bền vững.
EU thúc đẩy đầu tư các dự án năng lượng xanh |
Trong 2 ngày làm việc, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận các sáng kiến, giải pháp nhằm tăng cường đầu tư trong 6 lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi năng lượng xanh và hydro xanh, phát triển hạ tầng giao thông thông minh, kết nối số, nguyên liệu thô thiết yếu, nâng cao năng lực y tế, giáo dục và đào tạo.
Ủy viên châu Âu phụ trách về hợp tác quốc tế, bà Jutta Urpilainen cho biết, EU là nhà cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất, là đối tác thương mại và là nhà đầu tư lớn nhất vào châu Phi cùng nhiều khu vực khác trên thế giới. Với yếu tố này, bà Urpilainen tin rằng EU sẽ có thể tăng cường vai trò toàn cầu, trở thành đối tác chiến lược quan trọng và hiệu quả hơn trên thế giới.
Global Gate là sáng kiến được EU công bố cuối năm 2021 với mục tiêu huy động 300 tỷ EUR trong giai đoạn 2022-2027 cho các dự án đầu tư phát triển, kết nối cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) công bố gói hỗ trợ trị giá 500 triệu EUR để nâng cao chất lượng hạ tầng y tế ở các nước kém phát triển. Ngoài ra, EU cũng công bố thêm 134 triệu EUR để tăng cường sản xuất trong nước và tiếp cận công bằng với các sản phẩm y tế chất lượng, an toàn, hiệu quả và chi phí thấp. Khoản tài trợ bổ sung sẽ hỗ trợ việc tạo ra các hệ sinh thái bền vững để tiếp cận công bằng và sản xuất vaccine, thuốc và công nghệ y tế tại địa phương ở 6 quốc gia châu Phi.