Nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã chủ động tham mưu, triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2018-2025.
Để giúp phụ nữ khởi nghiệp, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 77 về triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 939 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của đề án là nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Đề án cũng góp phần phát huy nội lực của phụ nữ trong việc mạnh dạn sáng tạo khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh.
Trên cơ sở đó, hằng năm, Hội LHPN tỉnh đưa ra các văn bản hướng dẫn, đề ra chỉ tiêu cụ thể và chỉ đạo các cấp hội thực hiện. Các cấp hội tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, năng lực của phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh tế…
Mô hình trồng dưa lưới của một hội viên Hội LHPN TP Gia Nghĩa |
Cùng với việc tuyên truyền, các cấp hội huy động, lồng ghép các nguồn lực, đồng thời tham mưu chính quyền, đoàn thể hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Hằng năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức Cuộc thi “Phụ nữ với ý tưởng khởi nghiệp” thu hút nhiều chị em tham gia. Nhiều ý tưởng của chị em được đánh giá có tính sáng tạo, khả thi cao, hướng đến mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và lao động địa phương.
Hội LHPN tỉnh tổ chức 8 lớp tập huấn ứng dụng công nghệ số, phát huy nguồn lực, giá trị văn hóa bản địa trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại 8 huyện, thành phố; 8 lớp tập huấn nâng cao kiến thức khởi nghiệp và sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững trong nông nghiệp năm 2022, với hơn 480 phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, quản lý các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội viên, phụ nữ.
Thông qua đó, nhiều phụ nữ được hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới, xúc tiến thương mại… Đặc biệt, phụ nữ, doanh nghiệp nữ mới thành lập được các cấp hội, ngành, đoàn thể tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ các chính sách, tổ chức, quỹ tín dụng, … để khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, các cấp hội phụ nữ phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội nhận ủy thác cho 18.966 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay, với tổng dư nợ tính đến ngày 30/8/2022 trên 997 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,16%. Nguồn vốn Quỹ Cơ hội tính đến ngày 31/8/2022 dư nợ trên 42 tỷ đồng, cho 4.200 thành viên vay, thuộc 245 nhóm.
Cơ sở sản xuất ca cao của hội viên Hội LHPN huyện Đắk Mil tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động nữ, có thu nhập ổn định |
Bà H’Vi Ê Ban, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, qua thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2018-2025 và các chương trình khởi nghiệp khác cho thấy, nhiều phụ nữ không chấp nhận cuộc sống “an phận thủ thường” mà luôn bản lĩnh, dám dấn thân thay đổi chính mình, lựa chọn những hướng đi mới, khởi nghiệp thành công, phát triển kinh tế gia đình.
Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp hội, ngành, địa phương một yếu tố quan trọng đó là bản thân người phụ nữ phải mạnh dạn, tự tin, bản lĩnh, vượt lên những khó khăn để bắt tay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh thành công, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội.