Nhận thấy nhiều phụ nữ ở địa phương còn dè dặt trong việc chủ động làm kinh tế, chị Đinh Thị Hồng Phương, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã trăn trở, tìm biện pháp để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của chị em.
Mô hình “5 trong 1” (5 chị có kinh tế khá giúp 1 chị thuộc hộ nghèo thoát nghèo) đã được ra đời từ trăn trở đó. Để triển khai mô hình này, Hội LHPN thị trấn Thanh Sơn đã tổ chức để các chi hội tiến hành rà soát, hỗ trợ hội viên nghèo bằng vốn, ngày công lao động.
“Muốn làm kinh tế giỏi, trước tiên chị em phải thay đổi tư duy. Bên cạnh đó, chị em cần được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế. Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của chị em, Hội đã thực hiện tuyên truyền bằng gương người thật, việc thật.
Còn về vốn, chúng tôi đã chủ động phối hợp khai thác và quản lý có hiệu quả các nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn quỹ TYM cũng như hoạt động nuôi lợn nhựa tiết kiệm. Năm 2021, có 1 chị đã thoát nghèo từ mô hình này”, chị Hồng Phương cho biết.
Không dừng ở mô hình “5 trong 1”, Hội LHPN thị trấn Thanh Sơn đã lồng ghép nội dung phụ nữ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế vào các mô hình khác như “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, “Tổ hợp tác trồng rau an toàn”, “Tổ nghề nghiệp chổi chít”…
Nổi bật là mô hình “Tổ hợp tác trồng rau an toàn” được tổ chức sản xuất trên diện tích 1,3ha, trồng nhiều loại rau, củ, quả theo mùa như su hào, bắp cải, cà rốt, dưa hấu, bí xanh… Tổ hợp tác có 13 hộ gia đình tham gia, trong đó cứ 5 hội viên có kinh tế khá giúp 1 hội viên nghèo.
Từ mô hình này, nhiều hộ gia đình do phụ nữ làm chủ đã có thu nhập khoảng 60 triệu đồng/hộ/năm. Chị Phương cho biết, khi mới thành lập, mô hình “Tổ hợp tác trồng rau an toàn” được Hội LHPN huyện Thanh Sơn phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, Tổ khuyến nông thị trấn Thanh Sơn hỗ trợ về cây giống, phân bón hữu cơ, kỹ thuật.
Hội LHPN tỉnh Phú Thọ hỗ trợ 1 giếng nước sạch để tưới rau. “Để mô hình phát triển, chúng tôi đã hướng dẫn chị em nhiều kỹ năng, từ chọn cây giống, cách ủ phân hữu cơ, kỹ thuật trồng rau, tìm đầu ra cho sản phẩm… Mô hình đã được nhiều phụ nữ khác học hỏi để phát triển kinh tế. Sắp tới, chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng mô hình”, chị Phương cho biết.
Là một cán bộ Hội năng động, sáng tạo, chị Phương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, “biến” mỗi mô hình thành một trợ lực, khích lệ chị em cùng nhau phấn đấu.
Với những thành tích đã đạt được trong công tác giảm nghèo và hoạt động Hội, chị Đinh Thị Hồng Phương đã được trao Bằng khen “Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc năm 2023” và nhiều bằng khen, danh hiệu khác.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/giup-nhau-phat-trien-kinh-te-qua-mo-hinh-5-trong-1-20240712115404133.htm