Nhiều trung tâm tiếng Anh quốc tế ở Philippines có đội ngũ quản lý học viên là người Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Mông Cổ. Trong đó, người Việt được đánh giá rất tích cực.
Những người quản lý này sẽ hỗ trợ học viên đồng bào mình đến Philippines học tập từ lúc đặt chân tới sân bay đến lúc hết khóa học và rời đi.
“Xin chào, tôi là quản lý người Việt Nam”
Cuối tháng 9-2023, Bộ Du lịch Philippines tổ chức chương trình tham quan các trung tâm tiếng Anh tại thành phố Cebu cho đoàn công ty du học từ Việt Nam. Tại Trung tâm CPILS, lãnh đạo trường lần lượt mời quản lý các nước giới thiệu về mình.
“Xin chào anh chị, tôi là quản lý người Việt Nam ở trường. Công việc của tôi là hỗ trợ học viên Việt Nam…” – anh Nguyễn Thanh Tùng nói.
Anh Tùng được trường cử giới thiệu chương trình học, cơ sở vật chất của trường. Tương tự, ở những trung tâm GLC, I.Breeze, EV, English Fella… đều có quản lý người Việt hướng dẫn.
“Công việc của tôi bắt đầu từ 8h đến 11h30 và từ 12h30 đến 17h50. Chủ yếu là chăm sóc, hỗ trợ học viên Việt trong quá trình học tại trường.
Ngoài ra, người quản lý sẽ làm việc với trung tâm du học ở Việt Nam về marketing, cập nhật thông tin trường, báo giá, trả lời yêu cầu từ đối tác” – anh Tùng nói và cho biết thêm đã làm việc này 5 năm và sẽ gắn bó thêm vài năm nữa.
“Tôi vui khi học viên cải thiện trình độ tiếng Anh. Các bạn đạt được mục tiêu là tôi vui nhất”, anh nói.
Chị Thiên Thanh – đại diện, quản lý người Việt tại Trường Anh ngữ SMEAG – cho hay các trường Anh ngữ ở Philippines thường tuyển hai vị trí là quản lý học viên và quản lý thị trường Việt Nam.
“Quản lý học viên là giúp đỡ học viên Việt về học tập, tinh thần, đời sống, giải đáp thắc mắc, làm bạn… Việc này yêu cầu đã từng học tại Philippines, có kỹ năng mềm như giao tiếp, vi tính văn phòng và tiếng Anh giao tiếp” – chị Thanh thông tin.
Còn quản lý thị trường Việt Nam sẽ đại diện trường giải quyết các vấn đề liên quan đến học viên, hỗ trợ các công ty du học ở Việt Nam trong tuyển sinh.
Yêu cầu thường tốt nghiệp đại học, ngành nghề hoặc kinh nghiệm liên quan đến giáo dục, từng học hoặc làm việc tại Philippines, có kiến thức marketing, giao tiếp, giải quyết vấn đề…
“Mỗi trường khác nhau, nhưng nhìn chung quản lý người Việt sẽ đồng hành với học viên Việt xuyên suốt từ lúc đặt chân tới sân bay Philippines.
Họ sẽ đón học viên tại sân bay cho đến khi kết thúc khóa học và rời đi. Bất kỳ lúc nào học viên cần, kể cả đêm khuya, phải luôn có mặt để hỗ trợ kịp thời” – chị Thanh nói.
Giúp học viên học tiếng Anh bắt nhịp môi trường mới
Chị Minh Anh – quản lý học viên tại Trung tâm GLC – kể môi trường làm việc đa văn hóa, đa quốc gia nên thời gian đầu sẽ hơi khó khăn với các bạn tiếng Anh còn hạn chế hoặc giao tiếp tiếng Anh chưa quen.
“Ngoài ra trở thành quản lý cũng cần luyện khả năng phản ứng nhanh trong nhiều tình huống không mong muốn. Để khi có vấn đề xảy ra với học viên cũng bình tĩnh để xử lý một cách tốt nhất” – chị Minh Anh đúc kết.
Anh Tùng cũng cho rằng khó khăn của công việc quản lý có lẽ là chăm sóc học viên Việt Nam mới qua trường nhập học.
“Nhiều bạn mới qua nhớ nhà phát khóc. Các bạn bị thay đổi môi trường nhanh chóng, lịch học dày đặc từ sáng đến tối. Tuần đầu nhiều bạn chưa quen được nên cần sự hỗ trợ từ quản lý rất nhiều. Đó là tư vấn tâm lý, động viên, chia sẻ để các bạn này nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống bên trường để có thể nâng cao trình độ tiếng Anh nhanh nhất” – anh Tùng nhớ lại.
Học viên Trần Nhật Thông – đang học tại Trường Anh ngữ quốc tế SMEAG – cho hay với những bạn lần đầu đến Philippines, không có nhiều vốn ngoại ngữ, không có nhiều trải nghiệm môi trường học tập quốc tế thì các quản lý người Việt đóng vai trò hết sức quan trọng.
Đó là thúc đẩy, kết nối văn hóa cũng như giúp học viên nhanh chóng bắt nhịp với môi trường mới.
“Lúc mới qua, tôi ngại tiếp xúc, khó khăn giao tiếp với các bạn quốc tế. Nhưng giờ tôi có thể tự tin hơn sau khi được quản lý người Việt hỗ trợ.
Ngoại ngữ có thể chưa đủ nhưng tự tin hơn sẽ hòa nhập tốt hơn. Ví dụ tôi đã có thể hát tặng một bạn người Nga cùng giáo viên trên lớp khi bạn ấy hoàn thành khóa học của mình” – Thông vui vẻ kể.
Đa văn hóa và nhớ nhà
Đến với công việc theo nhiều cách khác nhau nhưng điểm chung của những quản lý người Việt là thích làm việc trong môi trường đa văn hóa và mong muốn cải thiện vốn tiếng Anh của mình.
Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (Trung tâm tiếng Anh I.Breeze) tốt nghiệp ngành quản trị marketing Trường đại học FPT Greenwich Việt Nam.
Chị nói: “Tôi muốn nâng cao kỹ năng tiếng Anh và làm việc trong môi trường đa quốc gia. Tôi tìm hiểu các công việc tại Malaysia, Singapore, Philippines để có thể sử dụng tiếng Anh và trau dồi kinh nghiệm. Tôi tìm thấy công việc quản lý ở Trung tâm I.Breeze phù hợp nguyện vọng của mình”.
Chị Minh Anh tốt nghiệp ngành quan hệ công chúng – truyền thông Trường đại học Văn Lang. Chị cho hay: “Trước đây tôi đã biết đến học tiếng Anh ở Philippines nhưng không có điều kiện học.
Khi tốt nghiệp, tôi đã quyết định nộp hồ sơ sang Philippines để có thể học tập và làm việc ở vị trí quản lý của Trường GLC tại Cebu”. Còn chị Như Quỳnh bộc bạch: “Làm quản lý là cơ hội để tôi tiếp tục có môi trường trau dồi tiếng Anh mỗi ngày cũng như học tập các kỹ năng làm việc từ các bạn quản lý ở đây”.
Như những người Việt sinh sống và làm việc xa quê hương khác, nhiều bạn đối diện với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.
“Tôi hay nhớ nhà vào các dịp lễ như Tết, Trung thu, Quốc khánh. Những ngày lễ của gia đình hoặc lễ trọng đại của Việt Nam tôi muốn được quây quần bên gia đình hoặc cùng người dân Việt Nam trong những ngày lễ lớn. Những lúc như vậy, các bạn học viên Việt Nam tổ chức gặp mặt để chia sẻ. Những buổi ăn uống ấm cúng cùng nhau sẽ đỡ nhớ nhà hơn” – chị Oanh tâm sự.
Giảm thiểu căng thẳng tinh thần
Một trong những vai trò của các quản lý các nước là giảm thiểu căng thẳng về tinh thần khi học tập của học viên. Sinh viên nước ngoài thường gặp khó khăn trong việc thích nghi vì sự khác biệt lối sống so với đất nước họ.
Mục tiêu của quản lý các nước là đáp ứng sự hài lòng, vui vẻ của học viên để họ đạt được mục tiêu học tập.
Quản lý người Việt rất có năng lực, siêng năng trong mọi vấn đề của học viên Việt Nam. Khi tôi hỏi học viên Việt Nam, họ hài lòng với các quản lý người Việt của mình.
Ông Fumihito Fukushima (phó tổng giám đốc Trường Anh ngữ SMEAG)
Quản lý người Việt được đánh giá cao
Trường Anh ngữ của chúng tôi có học viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Phần lớn học viên chưa thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh nên rất cần sự hỗ trợ từ quản lý của từng nước. Quản lý sẽ là người trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, tiếp khách đến từ các đối tác từ nước đó. Làm việc cùng chung ngôn ngữ, am hiểu văn hóa sẽ dễ dàng trò chuyện và hợp tác hơn.
Người Việt năng động và linh hoạt trong công việc. Họ sẵn sàng làm việc nhiều giờ, thậm chí là vào cuối tuần, để hoàn thành nhiệm vụ hoặc giải quyết các vấn đề của học viên. Người Việt cũng thường có tinh thần hợp tác cao, sẵn sàng làm việc nhóm và chia sẻ kiến thức.
Điều này có thể được đánh giá cao trong môi trường làm việc đa quốc gia, thể hiện sự kiên nhẫn, khả năng nhạy bén trong việc giải quyết vấn đề và đối phó với các thách thức công việc.
Bà Nuchada Kalsuwan (giám đốc marketing Trung tâm GLC)
Tuoitre.vn