Hệ quả là người bán khó chịu do phải nộp nhiều thuế thu nhập, người mua giật mình vì phí trước bạ rát mặt, còn nhân viên thuế có vẻ ngỡ ngàng khi gặp một vụ mua bán nhà “thật thà” ghi đúng giá bán.
Cũng phải thôi, chuyện mua bán nhà khai hai giá đã thành thông lệ. Khai hai giá là “thiệt nước, được mình”.
Gần đây ngành thuế muốn dẹp thông lệ xấu này, buộc phải nộp đủ thuế bằng cách “làm khó”, trả hồ sơ thuế để khai lại, khai “cho đúng”. Có vẻ cũng hiệu quả. Người dân dè chừng, nếu có khai hai giá cũng không chênh quá lớn.
Nay một lần nữa tinh thần “khai đúng, khai đủ” được lập lại trong Luật Kinh doanh bất động sản (có hiệu lực từ 1-8), trong đó quy định doanh nghiệp liên quan đến bất động sản phải thanh toán không dùng tiền mặt. Đã qua ngân hàng thì mọi sự rõ mười mươi rồi, đâu khai gian được.
Với cá nhân, người kinh doanh quy mô nhỏ lẻ (do Chính phủ quy định cụ thể) thì không buộc thanh toán qua ngân hàng nhưng sẽ hạn chế né thuế qua bảng giá đất được ban hành hằng năm (thay vì 5 năm) theo quy định của Luật Đất đai sửa đổi (có hiệu lực từ 1-8).
Cứ theo tinh thần mà các luật đã “bày binh bố trận” thì việc khai hai giá nhà đất để né thuế sẽ dần khép lại với các doanh nghiệp kinh doanh nhưng với cá nhân, người kinh doanh quy mô nhỏ vẫn có thể chưa vội “có sao khai vậy” theo giá thực mua bán.
Còn phải chờ xem bảng giá đất do địa phương ban hành có đủ sát và thuyết phục người dân từ bỏ thói quen khai hai giá để né thuế.
Câu hỏi là tại sao trong kê khai thuế nhà đất vẫn chưa thấy bóng dáng của cơ chế khuyến khích để hình thành nơi người dân thói quen tự giác, tự nguyện khai thuế.
Đành rằng việc áp thuế là quyền lực của Nhà nước nhưng cũng phải tâm phục khẩu phục để người dân không khai gian dù chỉ một đồng. Có gì đó chưa ổn. Đúng vậy.
Có nguyên nhân là từ phương pháp tính thuế thuế thu nhập cá nhân với mức “khoán” 2% từ lâu đã được cho là không hợp lý, áp đặt nhưng Bộ Tài chính chưa vội đề xuất chỉnh sửa. Không hợp lý ở điểm nào?
Chẳng hạn như ngành thuế yêu cầu người dân và doanh nghiệp phải tính đúng tính đủ các chi phí hợp lý để “lời nộp, lỗ khỏi” phải nộp thuế thì nhiều người mua nhà có đủ các điều kiện này, khi bán nhà, dù bị lỗ vẫn phải nộp đủ 2%.
Có lý do để ngành thuế kiên trì cách thu thuế “khoán” này, đó là khó quản được chi phí đầu vào và đầu ra khi người dân kê khai, thôi thì cứ “ngắt” một khúc, áp luôn 2% cho khỏe.
Nhưng nay đã khác, người dân đã thanh toán qua ngân hàng, chứng từ rõ ràng, vậy mà vẫn không được chấp nhận chi phí hợp lý hợp lệ.
Lẽ ra khi khai hai giá đã thành lệ, cần sửa quy định để chấn chỉnh thì nơi này lại “đẽo cày giữa đường” với biện pháp như đã áp dụng là trả hồ sơ khai thuế, bắt khai lại. Nghe qua như có vẻ “đôi co” với người nộp thuế, tạo cảm giác không nghiêm minh.
Khai thuế thì phải chịu trách nhiệm về nội dung khai, khai lại là sửa lời khai. Trong khi mẫu tờ khai thuế đã ghi rất rõ “Tôi cam đoan những nội dung kê khai là đúng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã khai” kia mà!
Các biện pháp quản lý với kinh doanh bất động sản ngày càng hoàn thiện được người dân ủng hộ.
Chẳng lẽ quản lý thuế với cá nhân và người kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ lại đứng ngoài cuộc và ngành thuế hài lòng với biện pháp buộc người dân phải khai lại tờ khai thuế cho đúng cho đủ!?
Nguồn: https://tuoitre.vn/giup-dan-that-tha-khai-thue-20240714090651687.htm