New York Post đưa tin, du khách người Anh xuất hiện trong video được cho lưu trú tại khách sạn 5 sao Apurva Kempinski ở Nusa Dua, một trong những khu lưu trú sang trọng bậc nhất Bali với giá phòng lên tới 1.200 USD/đêm.
Tính đến ngày 19/6, đoạn video ghi lại sự cố đã thu hút tới hơn 48,5 triệu lượt xem và vẫn đang không ngừng tăng. Theo đó, nam du khách tiến đến chiếc chậu lớn chứa đầy nước và cánh hoa trang trí ở khách sạn. Người phụ nữ cầm máy quay nói: “Được rồi, úp mặt anh vào đó đi”.
Người đàn ông nắm lấy hai bên cạnh chậu, ghé người úp mặt vào trong song nhanh chóng khiến chiếc chậu mất thăng bằng, đổ ập xuống và bắn nước tung tóe ra sàn nhà.
Nhiều người dùng mạng xã hội đã tức giận, gọi hành động của nam du khách là “ngu ngốc” và góp phần khẳng định “tiếng xấu” của khách du lịch nước ngoài ở hòn đảo này.
Tuy nhiên, trong số hơn 30.900 bình luận, nhiều người cũng lên tiếng bênh vực người đàn ông: “Thực ra đó chỉ là một chậu nước và hoa thôi. Không có gì bị hỏng, nó sẽ ổn thôi. Chỉ cần anh nói lời xin lỗi”, “Tôi có phải là người duy nhất cảm thấy tội cho anh ấy không”.
Những người khác tranh luận về vị trí của món đồ trang trí. “Công bằng mà nói thì cái đó lẽ ra phải được đặt kiên cố hơn”, một người nhận xét.
Không rõ chuyện xảy ra sau đó nhưng nhiều người hy vọng nam du khách sẽ giúp nhân viên dọn dẹp đống lộn xộn.
Hòn đảo Bali là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng tại Indonesia đối với khách quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng du khách hành xử kém văn minh, thiếu tôn trọng văn hóa, vi phạm quy định trên đảo không phải chuyện hiếm.
Tháng 4/2023, một KOL (người có sức ảnh hưởng) đã bị trục xuất khỏi Bali sau khi trở thành người phụ nữ thứ hai chụp ảnh khỏa thân bên cạnh một cây thiêng 700 tuổi trong vòng chưa đầy một năm.
Trước đó, một nam du khách người Nga cũng đã buộc phải lên tiếng xin lỗi khi có những hành vi thiếu chuẩn mực trên đỉnh núi thiêng Agung ở Bali.
Tổng cục Du lịch Bali đã buộc phải ban hành bộ quy tắc để chấn chỉnh ý thức chung của du khách. Cụ thể, du khách cần đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy; tránh say xỉn, có hành vi khiếm nhã nơi công cộng; không đăng ảnh phản cảm lên mạng xã hội; hạn chế mặc trang phục đi biển ở nơi công cộng; nghiêm cấm lao động không có thị thực; tôn trọng người dân địa phương cũng như văn hóa Indonesia.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/giua-khach-san-5-sao-nam-du-khach-choi-dai-nhan-ngay-ket-dang-2293327.html