(QNO) – Từ gánh mỳ Phú Chiêm mỗi sáng đều đặn gánh ra Đà Nẵng như các chị, các mẹ ở Điện Phương hồi hơn 10 năm trước. Rồi bôn ba mưu sinh mà mang gánh mỳ vào TP.Hồ Chí Minh, chuyển tới chuyển lui 3 lần nhưng quán mỳ của chị Lợi vẫn đông thực khách bởi vị quê trong quán mỳ ấy vẫn y như vậy!
Tới đâu cũng bán… mỳ
Quán mỳ Quảng ở TP.Hồ Chí Minh không khó tìm, nhưng mỳ Phú Chiêm thì hiếm. Bởi cũng như ở Quảng Nam, người nấu kiểu mỳ này phần lớn là dân gốc phường Điện Phương (TX.Điện Bàn). Và trong số hiếm hoi đó, người Quảng Nam ở miền Nam thường truyền tai nhau, rủ đi ăn mỳ Phú Chiêm ở quán chị Trần Thị Lợi (SN 1983, quê khối phố Triêm Nam, phường Điện Phương) tại địa chỉ 49G Cầu Xéo (phường Tân quý, quận Tân Phú).
[VIDEO] – Chị Lợi chia sẻ về những nét riêng trong tô mỳ Phú Chiêm.
Chị Lợi là người con xã Duy Vinh (Duy Xuyên), chị lấy chồng là anh Nguyễn Hùng (SN 1974) về làm dâu ở Điện Phương. Gia đình anh Hùng có tới gần 10 người là chị, em, cô, dì đều làm nghề nấu mỳ Phú Chiêm đã nhiều đời qua. Đam mê nấu ăn và được truyền “bí kíp”, chị Lợi nhanh chóng hòa vào dòng người ở Điện Phương gánh mỳ ra Đà Nẵng bán mỗi sáng. Mấy chị em, cô dì trong nhà chia nhau bán ở khắp các con đường, ngõ hẻm ở thành phố, chị Lợi chọn cho mình chỗ ngồi ở góc đường Quang Trung.
Cứ sáng sớm đi, tầm 10 giờ trưa hết mỳ thì xe buýt cũng vừa đi ngang để chở chị về. Đều đặn như vậy cho tới khi anh Hùng trong lúc đang “ăn nên làm ra” bằng nghề kinh doanh đồ nội thất ở TP.Hồ Chí Minh cần người và gọi chị vào phụ. Thế là chị đưa con nhỏ vào, và không quên đưa luôn cả gánh mỳ Phú Chiêm thân thuộc vào miền Nam.
Chị Lợi kể, năm 2019, trước mặt bằng cơ sở kinh doanh của chồng ở đường Luỹ Bán Bích (quận Tân Phú), chị tranh thủ buổi sáng dọn bàn ghế ra vỉa hè bán mỳ Phú Chiêm. Người qua kẻ lại, ở thành phố đông đúc, chỉ bán từ 6 đến 9 giờ sáng mà chị Lợi bán hết 20kg mỳ.
Sau này, khi chồng dời địa điểm kinh doanh đi đâu thì chị Lợi cũng mang gánh mỳ theo đó. Có lúc bán ở đường Lạc Long Quân (quận Tân Bình) và bây giờ là ở đường Cầu Xéo. Dù ở đâu quán của chị vẫn đông thực khách, những ngày cuối tuần có khi bán hơn 30kg mỳ.
Dung hòa nhưng vẫn đúng vị
Bán mỳ Phú Chiêm nơi đất khách cũng có những câu chuyện “dở khóc dở cười”. Chị Lợi nhớ lại những ngày mới đưa gánh mỳ vào miền Nam, dù rất khó tìm kiếm nguyên liệu nhưng chị vẫn cố giữ y “công thức” và mùi vị như khi làm ở quê.
“Vậy mà khi dọn mỳ ra bán, mình để ý có chị khách tới ăn 3 – 4 lần rồi nhưng lần nào cũng lấy nước lọc chan thêm vô tô mỳ. Mình ngại đâu dám hỏi. Vài lần sau, thấy khách đó vẫn niềm nở tới ăn mà cũng tiếp tục làm như vậy, mình mới bắt chuyện. “Mỳ của chị ngon, nhưng em ăn nhạt vị hơn xíu, với cũng thích nhiều nước nên chan thêm nước lọc cho dễ ăn”. Nghe tới đó mình tá hoả, nghĩ kiểu này là không được rồi, phải thay đổi gấp thôi” – chị Lợi kể.
Thay đổi cho phù hợp với khẩu vị của người miền Nam nhưng vẫn không đánh mất bản sắc của tô mỳ Phú Chiêm là một thử thách với chị Lợi. Chị phải dùng xương gà hầm thêm vào nước nhưn có tép đồng xay nhuyễn để loãng hơn nhưng vẫn giữ được vị ngọt thanh cần có. Với thực khách là người miền Nam, chị chan nước nhưn nhiều hơn bình thường. Còn người Quảng thì ít nước nhưn và chan thêm nước um tôm – thịt – tép đồng cho đậm vị. Hơn nữa, để chiều lòng thực khách, chị cũng nghiên cứu món mỳ sườn, chị rim sườn y hệt như rim tôm thịt và món này trở thành món bán chạy nhất tại quán.
[VIDEO] – Ông Lê Đức Huy (quê Đại Hoà, Đại Lộc) thường xuyên đến quán chị Lợi ăn mỳ.
Chị Lợi cho biết, bây giờ xe cộ thuận lợi nên việc mua, gửi nguyên liệu như củ nén, dầu đậu phộng, búp chuối… từ quê vào cũng dễ dàng. Ngay cả mấy thứ linh tinh trong đĩa rau sống của chị mới nhìn thôi cũng đã thấy nét quê với đầy đủ xà lách, cải con, rau húng, quế, quế trắng, búp chuối, giá…
“Hôm rồi, có người tới hỏi, sao nhiều người lấy chữ Phú Chiêm đặt tên cho bảng hiệu của quán? Mình được dịp giải thích rằng đó là thương hiệu của một làng nấu mỳ Phú Chiêm ở Điện Phương – Quảng Nam chứ không phải một tên quán bất kỳ nào… Mỗi lần kể về làng của mình, kể về tô mỳ Quảng ở quê, mình tự hào, rưng rưng” – chị Lợi kể.