Từ năm 2015 đến nay, Khoa Vô tuyến điện tử (VTĐT) 5 lần được tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, khai thác cơ sở kỹ thuật của Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS). Để có được kết quả đó, Khoa đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Theo Đại tá, TS Lê Hải Nam, Phó chủ nhiệm Khoa VTĐT, cơ sở kỹ thuật do Khoa trực tiếp quản lý gồm 9 phòng thí nghiệm phục vụ các môn học cơ sở ngành và 15 phòng thí nghiệm, phòng học trang bị phục vụ các môn học chuyên ngành.
Bên cạnh đó, các phòng thí nghiệm còn bảo đảm phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, sản xuất chế thử các sản phẩm khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, tư vấn chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kỹ thuật viễn thông.
Những năm qua, các phòng thí nghiệm của Khoa đã phục vụ triển khai 14 đề tài cấp quốc gia, 4 đề tài cấp bộ, 53 đề tài cấp học viện. Các đề tài đều sử dụng hiệu quả trang thiết bị tại phòng thí nghiệm với nhiều sản phẩm được đánh giá cao khi đưa vào ứng dụng thực tế, như: Máy hỏi hệ thống Parol, thiết bị chế áp flycam, thiết bị ổn định tháp pháo trên xe tăng…
Tham quan các phòng thí nghiệm của Khoa, chúng tôi thấy tại Bộ môn Cơ sở kỹ thuật vô tuyến, dù hôm đó không có giờ thực hành nhưng Thượng tá QNCN Nguyễn Thị Mai Hương vẫn miệt mài bên các trang thiết bị tại phòng thí nghiệm.
Thượng tá QNCN Nguyễn Thị Mai Hương hướng dẫn học viên thực hành tại phòng thí nghiệm của Khoa Vô tuyến điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự. |
Là nhân viên kỹ thuật, để bảo đảm máy móc tốt nhất cho học viên thực hành, chị Hương luôn túc trực tại đây. Quy trình làm việc hằng ngày của chị là phải đến sớm trước giờ học viên vào lớp để kiểm tra chức năng của máy, hướng dẫn từng thao tác khi học viên thực hành; khi học viên kết thúc giờ học, chị lại kiểm tra một vòng nữa.
Theo chị Hương, phòng thí nghiệm thường xuyên quá tải bởi lưu lượng học viên lớn, vì thế, trách nhiệm của người quản lý các trang thiết bị rất cao, phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị, nếu hỏng hóc nhỏ thì tự sửa chữa, còn hỏng hóc lớn thì báo cáo cấp trên để kịp thời sửa chữa. Công việc tưởng đơn giản nhưng lại khiến chị như “nuôi con mọn”. Thứ bảy, chủ nhật chị cũng tranh thủ vào đơn vị làm việc để kiểm tra máy móc và quản lý trên sổ sách.
“Với hàng trăm thiết bị, phải dùng phần mềm quản lý thì mới sát sao và có phương án xử lý ngay khi có hỏng hóc, biến động”-Thượng tá QNCN Nguyễn Thị Mai Hương bộc bạch. Đây chính là “bí quyết” để chị Hương giành giải nhất cá nhân Hội thi quản lý, khai thác cơ sở kỹ thuật, trang bị kỹ thuật tốt năm 2023 tại Học viện vừa qua.
Lưu lượng sinh viên lớn, đặc thù của ngành học đòi hỏi số giờ thực hành cao nên yêu cầu bảo đảm tốt trang thiết bị để học viên học tập luôn được lãnh đạo, chỉ huy Khoa ưu tiên hàng đầu. Những năm qua, Khoa VTĐT luôn chủ động tham mưu, đề xuất với Học viện đầu tư cơ sở vật chất, khai thác hiệu quả trang bị kỹ thuật.
Các đơn vị trong Khoa đều lập quy trình khai thác sử dụng trang thiết bị phòng thí nghiệm, quản lý cơ sở kỹ thuật bằng phần mềm; cập nhật đầy đủ các hoạt động của cơ sở kỹ thuật, có kế hoạch bảo dưỡng và kiểm định thiết bị đo lường theo đúng thời hạn quy định.
Quá trình khai thác các cơ sở kỹ thuật đều được thực hiện đúng dự trù quy định, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí. Tìm giải pháp tái sử dụng các bảng mạch, linh kiện, ghép lẫn nhau để khôi phục hỏng hóc cho các thiết bị. Hằng tuần, các đơn vị duy trì nghiêm ngày kỹ thuật và hướng dẫn cho học viên thực hiện công tác vệ sinh các phòng trang bị và thí nghiệm.
Hệ thống trang thiết bị ngoài được sự đầu tư từ nhà trường thì Khoa VTĐT đều yêu cầu các bộ môn chủ động nghiên cứu, sáng chế, chế tạo những thiết bị hữu ích phục vụ việc giảng dạy, học tập. Việc sáng chế các panel trong phòng thí nghiệm là một ví dụ điển hình.
Đại tá, TS Lê Hải Nam cho biết, các bảng mạch điện tử, thiết bị đo lường chuyên dùng trước đây phải mua từ nước ngoài, có giá thành rất cao, nếu hỏng hóc rất khó sửa chữa do công nghệ bên sản xuất nắm giữ. Từ năm 2019 đến nay, 6 bộ môn trong Khoa VTĐT đã chủ động thiết kế, chế tạo các panel thí nghiệm thay thế cho những bảng mạch điện tử và các panel thí nghiệm nhập khẩu từ nước ngoài.
Việc tự chế tạo những trang bị thí nghiệm cho phép các đơn vị chủ động trong công tác bảo đảm kỹ thuật, thuận tiện cho việc nâng cấp cũng như điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi nội dung, chương trình đào tạo. Khoa đã dần làm chủ từ khâu thiết kế, chế tạo đến quản lý, sử dụng các thiết bị thực hành.
Đây là bước đi đúng hướng vì không chỉ bảo đảm phục vụ trực tiếp, bám sát theo chương trình đào tạo, tiết kiệm kinh phí đầu tư mà còn góp phần nâng cao trình độ cho cán bộ, giảng viên của Khoa và chất lượng giảng dạy.
Bài và ảnh: PHẠM THU THỦY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.