Vốn chẳng phải nghệ nhân, cũng chẳng có danh hiệu trong làng nghề nhưng ở làng thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư), nhắc đến bà Đinh Thị Bảy ai cũng dành cho bà một tình cảm đặc biệt. Người ta không chỉ trân trọng những tác phẩm thêu tay đầy nghệ thuật mà còn trân trọng cái cách mà bà đang từng ngày gìn giữ nghề của ông cha…
Nằm nép mình trong con ngõ nhỏ của làng thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư), ngôi nhà của bà Đinh Thị Bảy mang đến cho người ta cảm giác thư thái, bình yên đến lạ. Một mái nhà thân thương bên tán hồng cổ đang đà trĩu quả. Một khoảng sân lát gạch đỏ đủ rộng để gom những nỗi nhớ tuổi thơ ùa về. Tất cả giản dị, khiêm nhường như là quê mẹ, quê cha khiến bao bộn bề, lo toan, chen chúc nơi phố thị dường như cũng bị bỏ mặc phía ngoài…
Bên chiếc khung thêu đã ngả màu thời gian là dáng ngồi cặm cụi của người phụ nữ năm nay gần 60 tuổi. Bàn tay gầy guộc, in hằn bao vất vả ngược xuôi vậy mà với sợi chỉ xanh đỏ, bàn tay ấy thoăn thoắt, nhịp nhàng như cánh thoi đưa; như đồ, như họa. Chẳng mấy chốc hình thù những con chim, con cá được thêu thùa uốn lượn trên mảnh vải trắng trước sự trầm trồ của người đứng xem.
Bà Bảy chỉ vào bức tranh thêu của mình và giới thiệu: “Đây là bức tranh tôi làm cho một Việt kiều Mỹ. Trong một lần họ tới làng tôi tham quan du lịch họ vô cùng thích thú với kỹ thuật thêu ren ở đây. Khi về nước, họ đã gửi cho tôi một bức ảnh “Đại dương” và muốn tôi thêu theo mẫu này. Từ bức ảnh nhỏ được gửi qua Zalo đó, tôi đem đi rửa, vẽ mẫu, châm kiểu rồi phóng tác thêm để bức tranh thêm phần sống động.” Vậy là suốt 3 tháng nay, bà Bảy cứ miệt mài bên chiếc khung thêu, sớm mong ngày được trao bức tranh cho vị khách quý bằng tất cả tâm huyết, sáng tạo của mình.
Cũng giống như những người dân khác của làng Văn Lâm, từ khi sinh ra bà Đinh Thị Bảy đã quen với hình ảnh các bà, các mẹ cặm cụi bên khung thêu. Nghề thêu như mạch nguồn nuôi dưỡng bà từ tấm bé chẳng bao giờ ngưng chảy. Kể cả có những lúc thăng trầm, thịnh suy bà vẫn không bỏ thói quen duy trì cái nghề mà tổ tiên truyền dạy.
Bà Bảy cho biết: “Lúc nhỏ chúng tôi học thêu vì tò mò, thích thú. Lớn lên thì thêu thùa để phụ thêm cha mẹ. Khi lập gia đình, là lúc nghề thêu hưng thịnh nên nghề giúp tôi có thu nhập ổn định nuôi 4 cháu nhỏ ăn học. Người yêu nghề, nghề gắn với người. Cứ vậy, mọi thứ như là duyên, là nợ chẳng thể nào tách rời suốt mấy chục năm qua”.
Ngày nay, khi cuộc sống đã ổn định, các con cũng đã lớn khôn lập nghiệp nhưng bà Đinh Thị Bảy vẫn ngày ngày cặm cụi bên khung thêu. Khi thì thêu tranh khách hàng đặt, lúc rỗi rãi thì thêu tặng các con cháu để treo trong nhà. Bản thân không đặt nặng vấn đề tài chính nên kể cả có khách đặt hàng, bà Bảy cũng chẳng dám nhận nhiều. Bà cho biết: “Người yêu tranh thêu vốn là những người yêu cái đẹp, yêu sự tỉ mẩn, tự nhiên. Mình càng rót vào đó sự tỉ mỉ, tận tâm thì bức tranh ấy càng đẹp và tinh tế. Vậy nên nếu chạy theo số lượng, người thêu khó mà đem đến sự tinh xảo, cẩn thận vào bức tranh được”.
Chẳng những yêu nghề, bà Bảy còn được trời phú cho một khả năng mỹ thuật đặc biệt mà không phải người thợ thêu nào cũng làm được. Đôi khi bà chỉ cần nhắm mắt lại sẽ thấy bức tranh thiếu gì, thừa gì. Bà có thể vừa tưởng tượng, vừa thêu trên vải và phối màu cho các sợi chỉ xanh, đỏ một cách tài tình. Dưới bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo, người phụ nữ chân quê ấy đã mang đến sức sống cho những tấm vải thô vốn chẳng có nhiều ấn tượng. Trong nét bay bổng, lay động của những tầng vải là tiếng hoa quỳnh bung nở trong làn hương, tiếng chim én du dương nơi lần áo…
Hiện trong ngôi nhà của bà Bảy còn lưu giữ hơn 2 chục bức tranh do chính bàn tay bà thêu nên. Từ những bức tranh đầu tay “Một thoáng Tam Cốc” với những đường nét giản đơn, vụng về đến bức tranh “Tứ quý”, “Đồng quê” uốn lượn đầy tinh xảo, nghệ thuật. Đặc biệt là bức cuốn thư được bà thêu và treo trang trọng nơi bàn thờ gia tiên như là cách để người phụ nữ này nhắc nhớ với con cháu trong nhà về một nghề truyền thống mà tổ tiên để lại, ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn, tôn kính…
Ông Vũ Thành Luân, Chủ tịch Hiệp hội nghề thêu ren Văn Lâm cho biết: “Làng nghề thêu ren Văn Lâm đang đứng trước nguy cơ mai một. Lớp người có tay nghề kỹ thuật cao cứ ít dần. Trong khi đó, nhiều người tuổi cao, mắt kém nên đã bỏ nghề từ lâu. Những người như bà Bảy là rất đáng trân trọng bởi bà không chỉ đang nỗ lực gìn giữ nghề cha ông mà còn quảng bá tinh hoa nghề thêu đến bạn bè trên thế giới, góp phần làm sống lại nghề thêu”. Ở làng thêu ren bây giờ hiếm thấy người nào còn lôi vải ra thêu thùa lúc rảnh rỗi để tặng bạn bè, người thân hoặc treo chúng lên trong nhà làm kỷ niệm. Cũng hiếm thấy nhà nào còn giữ được chiếc khung thêu tay cỡ lớn như của bà Bảy.
Cuộc sống hiện đại, áp lực cơm, áo, gạo, tiền khiến người phụ nữ trong làng phải làm đủ nghề kiếm sống. Lứa thanh niên thì ngại ngùng sự tỉ mỉ, mất thời gian. Thế hệ đi trước cũng lui dần vào dĩ vãng, để lại nỗi tiếc nhớ về một nghề nghìn năm tuổi. Thế mới thấy rằng tình yêu của bà Bảy với nghề thêu thật đáng quý biết bao.
Bài, ảnh: Minh Hải