Cứ mỗi dịp 21/6, chúng tôi – những phóng viên trẻ lại có dịp hội tụ. Bên ly cà phê, chúng tôi cùng nhau chia sẻ, tâm sự những vui, buồn của nghề báo. Trên con đường trải dài vinh quang đó là những bước chân không ngừng nỗ lực, những giọt mồ hôi xuyên trưa và cả những dòng nước mắt rơi sau trang báo…
Gắn bó với Báo điện tử Vnexpress 9 năm nay, Nhà báo Lê Đức Hùng (thường trú tại địa bàn Hà Tĩnh) vẫn luôn giữ được “phong độ”. Ngoài các bài viết chuyên môn đa chiều, sâu sắc, anh còn được độc giả và các đồng nghiệp biết đến là một tay ảnh cừ khôi. Trong những sự kiện lớn của tỉnh nhà, chưa bao giờ tay máy của anh vắng mặt, đóng góp những góc ảnh đẹp.
“9 năm gắn bó với nghề, tôi luôn xem nghề báo không chỉ là nghề mưu sinh mà đó còn là nghiệp. Hai vợ chồng tôi cùng công tác trong nghề, công việc áp lực, đòi hỏi nhiều thời gian. Thế nhưng, chúng tôi với niềm đam mê chung, luôn nhắc nhớ bản thân không ngừng cố gắng nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan giao”, Nhà báo Lê Đức Hùng chia sẻ.
“Táo Nông nghiệp” là biệt danh chúng tôi đặt cho Nhà báo Thanh Nga hiện đang công tác tại Báo Nông nghiệp Việt Nam. Gắn liền cùng người nông dân với nhiều bài viết chuyên sâu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Nhà báo Thanh Nga vẫn luôn đùa rằng: “Lúa, lang, lạc, lợn, luồng, lim, lát” là việc của tau (tôi – PV).
Vất vả có, mồ hôi có, nước mắt cũng không ít sau những trang báo nhưng niềm đam mê với nghề, Nhà báo Thanh Nga hay tất thảy những anh, chị, em phóng viên trẻ như chúng tôi chưa bao giờ thôi tắt ngọn lửa hân hoan, rạo rực khi những tuyến phóng sự kỳ công, những bài phản ánh “nhìn thẳng, nói thật” được duyệt đăng.
Phổ biến các quan điểm, đường lối của Đảng về khối đại đoàn kết toàn dân, hơn 10 năm thường trú tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Nhà báo Hạnh Nguyên (Báo Đại Đoàn Kết) được biết đến là cây viết sắc. Song song những bài viết chuyên ngành, những bài viết mang tính phản biện của Nhà báo Hạnh Nguyên cũng nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của bạn đọc và cơ quan chức năng. Thế nhưng, ít ai biết sau những bài viết đó là những ngày, tháng, Nhà báo Hạnh Nguyên rong ruổi khắp các vùng, miền với chiếc bụng bầu vượt mặt. Có những tin, bài được “sản xuất” ngay trên giường chờ sinh.
Trải qua quãng thời gian 9 năm theo nghiệp nghề báo, Nhà báo Phạm Đức (Báo Thanh Niên) được đánh giá là một cây viết có “lực”. Nhiều cung bậc cảm xúc được anh trải lòng: “Nghề báo buộc tôi phải đi, từ chốn phồn hoa đến nơi gian khổ. Có khi, tôi được người ta tiếp đón, đối xử trọng thị nhưng nhiều lúc bản thân cũng phải đối diện với nhiều hiểm nguy, thậm chí có thể đánh đổi bằng tính mạng. Dẫu biết là gian khó nhưng nếu không dẫn thân, không hy sinh thì khó có thể cống hiến cho công việc của mình đang làm và giữ được lửa nghề. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, người làm báo như tôi cũng phải thích ứng nhanh, thay đổi cách triển khai bài viết. Bởi vì công nghệ ngày càng hiện đại, càng văn minh thì người làm báo cũng phải chạy theo nó. Nhưng nếu vẫn yêu nghề, dám vượt qua mọi thách thức và dám chịu khó đương đầu thì tôi tin nghề báo vẫn sẽ cho tôi thêm nhiều hoa trái”.
Công việc đòi hỏi chuyên môn cao, những lớp phóng viên trẻ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và trên cả nước nói chung đều phải chịu nhiều áp lực: Lao động để mưu sinh, để giữ ngọn lửa nghề và giữ “đức” của người làm báo, đó là những chia sẻ của Nhà báo Khắc Hiển (Trưởng VPĐD Báo Công luận) – một Nhà báo “gạo cội” gắn bó với nghề hơn 30 năm nay.
“Lớp phóng viên trẻ tại Hà Tĩnh càng ngày càng trưởng thành rõ rệt, nhiều cây viết sắc lên theo năm tháng. Báo chí chúng ta đang trên đà phát triển, trong thời đại 4.0, chuyển đổi số… càng đòi hỏi phóng viên, nhà báo phải học rất nhiều để trở thành những nhà báo đa năng, chuyên năng”, Nhà báo Khắc Hiển bày tỏ.
Cũng theo Nhà báo Khắc Hiển, đã là nhà báo cách mạng thì phải có cách nhìn vấn đề vĩ mô, vấn đề gì nên đưa, vấn đề gì không nên. Bởi, có những vấn đề đúng nhưng chưa trúng, phóng viên phải có sàng lọc để mỗi bài báo đăng tải đều không ngoài mục đích góp phần xây dựng quê hương đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, rất cần những góc nhìn đúng đắn về nghề báo. Trong hàng trăm, hàng nghìn người hay ngành nghề nào đều có mặt tích cực và tiêu cực và đừng lấy cái đó để nhìn vào bức tranh chung, để những phóng viên, nhà báo trẻ luôn giữ được niềm tin, ngọn lửa với nghề.
Đánh giá cao sự đóng góp của lực lượng phóng viên, nhà báo trẻ địa phương và Trung Ương đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, ông Đậu Tùng Lâm, Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông (TT&TT) Hà Tĩnh cho hay, hiện, trên địa bàn có 10 Văn phòng Đại diện và 37 phóng viên thường trú đăng ký hoạt động. Đây là đội ngũ phóng viên, nhà báo mà Sở cùng các cơ quan chức năng đánh giá rất cao về năng lực, trình độ chuyên môn.
Trong một thời đại 4.0, chuyển đổi sổ trong báo chí, càng đòi hỏi cao hơn nữa lực lượng phóng viên, nhà báo đủ tâm, tầm, trí, qua đó, Sở TT& TT cũng đã phối hợp các cơ quan chức năng, tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, nhà báo. Những năm qua, lực lượng phóng viên, nhà báo địa phương và Trung Ương đã đóng góp rất lớn trong công tác xây dựng nông thôn mới, an ninh trật tự, chính trị, xã hội cho tỉnh nhà.
“Sở mong muốn trong thời gian tới, các phóng viên, nhà báo tiếp tục đồng hành cùng sở, giúp tỉnh nhà phản ánh nhiều hơn các vấn đề, phục vụ mục đích chung xây dựng tỉnh ngày càng phát triển”, Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh chia sẻ.