(BLC) – Trong cộng đồng 20 dân tộc tỉnh Lai Châu, dân tộc Dao có dân số đông thứ ba, chỉ đứng sau dân tộc Thái và dân tộc Mông. Dân tộc Dao cư trú đông nhất ở các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ với rất nhiều nhóm Dao khác nhau: Dao đỏ, Dao khâu, Dao đầu bằng… Trải qua nhiều thăng trầm, đồng bào dân tộc Dao nói chung và đồng bào Dao đầu bằng ở huyện Tam Đường nói riêng vẫn giữ được phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc trưng như một sợi dây liên kết cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hòa cùng dòng chảy của thời gian, đồng bào dân tộc Dao đầu bằng ở Hồ Thầu vẫn gìn giữ, duy trì và tái hiện lại các lễ hội truyền thống độc đáo như: Tủ cải, Nhảy lửa, cúng rừng, cúng bản… mang đậm tính nhăn văn, hướng con người nhớ đến nguồn cuội, xua đuổi cái ác. Đồng thời phản ánh những ước mơ, khát vọng của cộng đồng người Dao luôn lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn tâm, dưỡng đức.
Tiêu biểu như Lễ Tủ cải là một trong những nghi lễ tín ngưỡng quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của người nam giới. Độ tuổi “thụ lễ” thường là từ 9 đến 17 tuổi. Số lượng đối tượng “thụ lễ” không có giới hạn, miễn là đủ tuổi và đủ điều kiện vật chất để tham gia. Lễ Tủ cải thường được người Dao đầu bằng tiến hành vào các tháng 10, 11, 12 (dương lịch) vì đó là thời điểm nông nhàn, vụ mùa trước đã thu hoạch xong, vụ mùa sau lại chưa vào dịp gieo cấy. Khoảng hơn một tuần trước khi diễn ra lễ, gia chủ có người “thụ lễ” sẽ chuẩn bị các lễ vật, thực phẩm đầy đủ.
Khi mọi vật liệu chuẩn bị đầy đủ cũng là lúc gia chủ đi mời các vị thầy cúng. Thông thường Lễ Tủ Cải phải sử dụng sáu thầy cúng chính và một số thầy phụ việc. Ngày đầu diễn ra buổi lễ, thầy cả đọc tuyên bố lý do tổ chức lễ và đề cập đến lịch sử người Dao. Sau đó sẽ tiến hành hàng loạt các lễ quan trọng khác nhau, như: lễ tụng kinh, khai quang, khai khởi kinh đàn, cúng rước tổ tiên tam đại, công tào, thánh sư, lễ bắc cầu đón thánh trên trời xuống, lễ đưa trẻ lên ngũ đài, lễ cấp sắc sư giáo, cấp sắc đạo giáo…
Người Dao đầu bằng tin rằng chỉ có những người đàn ông nào đã trải qua Lễ Tủ Cải và qua đó được mang tên âm thì mới được coi là người lớn và đến khi chết đi, tinh linh mới được đưa về quê cha đất tổ nơi Dương Châu Đại điện để đoàn tụ với tổ tiên. Còn những nam giới nào dù là lớn tuổi nhưng chưa được làm Lễ Tủ Cải và chưa được mang tên âm thì vẫn bị coi là trẻ con và đến khi chết đi, linh hồn sẽ phải về Đào hoa động “pắc lào phằng” – giao cho Bà mụ “táy mụ” cai quản. Người Dao đầu bằng cũng tin rằng, Tủ Cải còn giúp cho mưa thuận gió hoà, gia súc sinh sôi, mùa màng tươi tốt và cả gia đình người thụ lễ sẽ được hạnh phúc, yên vui.
Nếu có dịp tới vùng đất Hồ Thầu những ngày đầu năm mới hoặc dịp cuối năm du khách đừng quên nán lại để tìm hiểu, cảm nhận và hòa mình trong Lễ hội Nhảy lửa của đồng bào dân tộc Dao. Đây là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần hết sức phong phú và độc đáo với ý nghĩa lửa mang lại sự ấm áp, mừng cho vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho gia đình, người thân an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật.
Chúng tôi may mắn được trò chuyện với anh Lù A San – người được dân bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) tin tưởng gọi là thầy mo. Nhiều năm trở lại đây, anh được bà con ở bản giao trọng trách làm thầy cúng chính trong Lễ hội Nhảy lửa.
Theo chia sẻ của anh San, để chuẩn bị cho lễ hội, trước đó một tuần, các trưởng tộc đã cho con cháu chuẩn bị lương thực, thực phẩm phục vụ cho các hoạt động nghi lễ và ăn uống. Trong phần nghi lễ, vật phẩm được dâng cúng buộc phải có các loại như: cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước lọc, vải mộc màu trắng, hương, vòng bạc, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến. Vào đúng giờ tốt, những đồ lễ được bày ra một chiếc bàn dài, nơi được coi là trang nghiêm nhất, trước khoảng sân rộng. Một đống củi to được thanh niên trong bản mang đến. Thầy chủ lễ bắt đầu ngồi xuống ghế phụ lễ. Bài cúng thần lửa được cất lên bằng những câu cầu may cho cuộc sống bình yên, hạnh phúc, cầu mong mưa thuận, gió hòa, muôn nhà khoẻ mạnh và xua đuổi tà ma.
Buổi lễ cầu kỳ, nhiều công đoạn có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ. Anh Lù A San – thầy mo trong bản sẽ đảm nhận thầy cúng chính và còn có các thầy cúng khác, mỗi thầy có nhiệm vụ riêng tại dàn lễ của mình. Trong lúc cầu khấn cũng là lúc người phụ lễ dùng một gióng vầu tre đã được chuẩn bị từ trước, được chẻ đôi, cầm chặt vào nhau như chưa hề chẻ ra gieo xuống bàn. Gieo quẻ xin âm dương, khi 2 mảnh tre hay vầu cùng ngửa hay cùng sấp thì cũng có nghĩa là thần lửa đã đồng ý về vui cùng dân bản; một sấp, một ngửa thì phải xin lại, đến lúc nào được thì thôi. Củi được đốt lên và trở thành đống than hồng rực. Được thần lửa đồng ý, chỉ những chàng trai muốn được nhảy lửa đã ngồi “hầu lễ” từ đầu buổi lễ, được phép ngồi trước mặt các thầy cúng để phù phép.
Tiếng gõ đều đều từ thanh tre, tiếng chập cheng đinh tai, tiếng trống như thúc giục. Các chàng trai như bị thần nhập, lắc lư rất mạnh và dường như có ai đó sai khiến với một sức mạnh vô hình. Họ nhảy lò cò trước bàn thờ rồi lao vào giữa đống than lửa đỏ rực. Những chàng trai người Dao như đang trong cơn mê say, họ nhảy múa với đôi chân trần của mình trong đống than lửa mà không có cảm giác rát bỏng hay sợ hãi. Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tiếp tục nhảy lò cò về làm lễ tại bàn thờ trước khi trở lại bình thường.
Là người được tham gia nhảy lửa nhiều lần, anh Phàn A Páo ở bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) tự hào nói: “Mình may mắn được tham Lễ hội Nhảy lửa hai lần, trong lúc nhảy mình thấy rất vui, tự hào, không có cảm giác đau đớn. Tham gia lễ hội bản thân mình tích cực tập luyện dưới sự hướng dẫn của người lớn tuổi trong bản cũng như tìm hiểu các nghi lễ diễn ra trong quá trình nhảy lửa để hiểu, nắm được các phong tục tập quán của đồng bào Dao sau này còn chỉ bảo cho các con cháu trong gia đình”.
Lễ hội Nhảy lửa không chỉ là minh chứng cho sức mạnh, lòng dũng cảm của các chàng trai người Dao mà còn là hoạt động văn hóa độc đáo. Người Dao cho rằng, việc nhảy lửa là để truyền dạy lại cho con cháu đời sau các bài cúng, xua đi nỗi sợ hãi và chỉ những người mạnh mẽ mới nhảy được vào đống lửa thiêng.
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về hay trong các dịp lễ hội các cô gái Dao đầu bằng lại khoác trên mình bộ trang phục truyền thống rực rỡ thu hút nhiều ánh nhìn bởi hoa văn cầu kỳ, đẹp mắt. Cho tới bây giờ, phụ nữ Dao đầu bằng ở xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường vẫn giữ thói quen tự may quần áo cho bản thân và người thân trong gia đình. Phục trang của họ không chỉ đơn giản là đồ để mặc mà nó còn ẩn chứa những trầm tích văn hóa của người Dao, phản ánh quá trình hình thành, tập tục, thậm chí lịch sử tộc người của cộng đồng người Dao.
Trang phục của đồng bào Dao đầu bằng chủ yếu là chất liệu lanh nhuộm đen. Trên trang phục của người nam giới không có hoa văn thêu, áo mở hàng cúc ở giữa thân áo và dùng những chiếc cúc bằng bạc (hiện nay đã thay thế hoàn toàn bằng cúc chất liệu nhôm). Các hàng cúc được gắn hai bên vạt áo để trang trí cho bộ áo. Khi mặc họ thường không cài khuy áo mà dùng một mảnh vải lanh màu đen có chiều dài khoảng 1,5 – 2m, rộng 30cm gấp đôi theo chiều dài rồi cuốn ngang vòng bụng để giữ cho áo không buông ra.
Còn trên trang phục nữ có hoa văn trang trí trên viền cổ áo và hai bên vạt áo xẻ tà. Các hoa văn này thường là hoa văn thêu hình bông hoa 3 cánh. Hoạ tiết thêu hoa rất nhỏ khoảng 1,5cm – 2cm. Hoa văn với hai màu chỉ thêu chính đó là màu đỏ và màu xanh. Sự kết hợp 2 màu cơ bản này cùng với các hình trang trí đa dạng tạo nên một bộ trang phục độc đáo và khác biệt so với các dân tộc khác. Trang phục của người Dao đầu bằng được làm rất tỉ mẩn và cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ do phải thêu tay rất nhiều họa tiết hoa văn. Trước vạt áo người phụ nữ Dao đầu bằng thường trang trí trang phục của mình bằng nhiều sợi len màu đỏ dài khoảng 60cm, gấp đôi các sợi len đó lại rồi dùng một mảnh bạc kẹp lại rồi gắn vào phía trước ngực áo. Họ làm như vậy vừa để che đi vạt áo vừa để làm nổi bật thêm vẻ đẹp của bộ trang phục.
Vì vậy, các cô gái dân tộc Dao từ 10 tuổi trở lên đã được các mẹ truyền dạy cách nhuộm vải, thêu thùa để tự tay may trang phục cho mình. Thông thường để may xong một bộ trang phục phải mất từ 4 – 5 tháng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của các cô gái. Ngày nay, các cô gái Dao vẫn dành thời gian tự may trang phục cho bản thân và gia đình, “mẹ truyền con nối” để trang phục của đồng bào dân tộc Dao trường tồn theo thời gian.
Qua câu chuyện của các già làng chúng tôi được biết, so với các dân tộc khác chiếc mũ của đồng bào dân tộc Dao đầu bằng là cả một nghệ thuật tạo hình bởi hoa văn trên mũ rất cầu kỳ đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay. Chiếc mũ của người Dao đầu bằng gửi gắm tâm tình, ước nguyện của người cầm kim luồn chỉ. Đó là những mong mỏi giản đơn về cuộc sống bình an, vạn vật tốt tươi, bản làng sum họp, người người mạnh khỏe. Chính vì vậy, nghề làm mũ truyền thống có từ lâu đời và được lưu truyền cho tới ngày hôm nay.
Mỗi chiếc mũ được làm ra đều chứa đựng những câu chuyện, tạo hình khác nhau. Đối với con trai Dao đầu bằng có 2 kiểu mũ đội đầu được tính theo giai đoạn từ ngày lọt lòng cho đến 30 tuổi và 30 tuổi đến lúc nhắm mắt xuôi tay trở về với đất mẹ. Với con gái, mũ đội đầu cũng được tính từ lúc sơ sinh đến năm 18 tuổi và từ 18 tuổi cho đến khi giã từ nhân thế. Nói chung kiểu mũ đội đầu khi còn trẻ được trang trí khá rườm rà, nhiều hoa lá, tua rua, hạt cườm biểu cảm tâm hồn lãng mạn, thanh xuân. Còn khi trưởng thành chiếc mũ đội đầu lại thể hiện suy nghĩ đã chín chắn, vững vàng có sự va chạm với trường đời.
Chiếc mũ đội đầu lúc còn trẻ thì phần mặt trước, cách viền mũ khoảng 5cm bắt buộc phải đính 3 đồng xu bằng bạc có khắc chữ: “Phúc – Lộc – Giàu”. Người Dao đầu bằng quan niệm: những chữ này sẽ giúp cho số phận người đội mũ được trời ban giàu sang, may mắn. Con trai có bản lĩnh, quyết đoán, con gái thì thủy chung son sắt, nhanh nhẹn, giỏi tề gia nội trợ. Kết hợp với những tua rua đủ màu sắc phối hợp ăn ý, nhịp nhàng với các quả len nơi đầu mũ.
16 tuổi, con gái người Dao đầu bằng khi đó được coi là trưởng thành có thể gả chồng, lúc đó các thiếu nữ sẽ đội lên đầu chiếc mũ được làm bằng những sợi tóc của chính mình. Mũ được làm nhiều tấm bạc được gọt mài giống như chiếc trâm cài rồi sắp gối từng chiếc với nhau theo hình chữ nhật. Các hoa văn được thể hiện trên nền tấm bạc tròn với bán kính khoảng 6cm – 7cm. Hoa văn trên mũ của người phụ nữ gồm có hình con nhện, hình hoa mặt trời và hình bông hoa 3 cánh mà theo người Dao đầu bằng cho đó là các ngôi sao. Dụng cụ để tạo các hoa văn rất tinh xảo đó gồm có kéo, búa, đục nhỏ…
Còn khi 30 tuổi, đàn ông người Dao đầu bằng lại đổi kiểu mũ khác làm bằng đuôi lông ngựa. Hoa văn trên loại mũ này do màu sắc lông đuôi ngựa tạo thành. Việc thêu loại mũ này vô cùng khó nên đòi hỏi sự khéo léo, nhẫn nại cẩn thận cân nhắc lựa chọn từng đường kim của người làm mũ.
Có thể khẳng định, văn hóa của đồng bào Dao đầu bằng là sự kết tinh trong quá trình lao động sáng tạo, thể hiện được đời sống tinh thần phong phú, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của 54 dân tộc.
(còn nữa)