(NADS) – Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là một trong những nét văn hóa đặc sắc, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Hàng năm, vào dịp Quốc khánh 2/9, lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách với không khí náo nhiệt, sôi động từ những màn đua thuyền đầy kịch tính. Tuy nhiên, bên cạnh phần hội được tổ chức bài bản và chuyên nghiệp, phần lễ – vốn là cốt lõi của lễ hội – lại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến có thể nguy cơ mai một giá trị văn hóa truyền thống.
Phần hội rực rỡ, phần lễ mờ nhạt
Không thể phủ nhận rằng phần hội của lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang đã tạo nên sức hấp dẫn lớn, không có địa phương nào trên toàn quốc sánh được. Những màn đua thuyền kịch tính, tranh tài quyết liệt giữa các đội thuyền không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể mà còn là dịp để người dân địa phương quảng bá hình ảnh quê hương. Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều vào yếu tố thi đấu thể thao đua , bơi, tranh giải nhất nhì đã khiến phần lễ – linh hồn của lễ hội – dần bị lu mờ.
Phần lễ trong lễ hội truyền thống không chỉ là nghi thức tín ngưỡng mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về lịch sử, văn hóa và tâm linh của cộng đồng. Các nghi lễ như lễ lao cây (khai thác gỗ), lễ phát mọc (đóng đò), lễ hạ thủy, hèm (kiêng cữ), lễ cáo Thành hoàng và các bậc tiền hiền… không chỉ phản ánh sự tôn kính của người dân đối với thiên nhiên, thần linh mà còn là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống, cội nguồn. Nếu những nghi lễ này tiếp tục bị xem nhẹ, lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang sẽ chỉ còn là một sự kiện thể thao, mất đi bản sắc văn hóa đặc trưng vốn có.
Cần chú trọng phần lễ: Cốt lõi của lễ hội
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của lễ hội đua thuyền, huyện Lệ Thủy cần dành sự quan tâm nhiều hơn đến phần lễ. Một số định hướng cụ thể có thể thực hiện:
Tái hiện và duy trì các nghi lễ truyền thống:
Các nghi lễ như lễ lao cây, lễ phát mọc, lễ hạ thủy, hèm, lễ cúng Thành hoàng, Hà bá… cần được tổ chức bài bản, công phu, kết hợp với sự tham gia của các nghệ nhân và cộng đồng. Đây không chỉ là cách bảo tồn truyền thống mà còn góp phần tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Xây dựng bộ tiêu chí vinh danh nghệ nhân:
Để khích lệ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, cần xây dựng bộ tiêu chí xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc gìn giữ và thực hiện các nghi lễ. Việc tôn vinh này không chỉ là sự ghi nhận mà còn là động lực để cộng đồng cùng chung tay bảo tồn di sản.
Kết hợp hài hòa giữa phần lễ và phần hội:
Cần xác định rõ vai trò và ý nghĩa của phần lễ trong tổng thể lễ hội. Phần hội, thay vì chỉ tập trung vào thi đấu, có thể lồng ghép các nội dung văn hóa, tái hiện các câu chuyện dân gian liên quan đến sông nước và lễ hội.
Tổ chức các hoạt động giáo dục và quảng bá:
Đưa các nội dung về lễ hội, đặc biệt là các nghi lễ truyền thống,( Hình ảnh và câu chuyện) vào các chương trình giáo dục địa phương để thế hệ trẻ hiểu và trân trọng di sản. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá lễ hội như một điểm nhấn văn hóa độc đáo của Quảng Bình, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang không chỉ là niềm tự hào của người dân Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình mà còn là di sản văn hóa chung của cả nước. Việc chú trọng phần lễ, song hành với phát triển phần hội, sẽ giúp giữ gìn được tính nguyên bản và giá trị văn hóa của lễ hội, đồng thời góp phần làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Năm nay, khi những con thuyền lại rẽ sóng sông Kiến Giang, không chỉ là sự tranh tài của các tay chèo mà còn là cơ hội để chúng ta nhắc nhở nhau về trách nhiệm bảo tồn một di sản quý giá. Hãy để lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang không chỉ là một sự kiện sôi động mà còn là biểu tượng của bản sắc văn hóa trường tồn của quê hương Đại tướng.
Nguồn: https://nhiepanhdoisong.vn/quang-binh-giu-gin-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-le-hoi-dua-thuyen-truyen-thong-tren-song-kien-giang-15752.html