Bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc không chỉ là kho tàng di sản vô giá mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ đất nước.
Văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh nội sinh giúp mỗi dân tộc phát triển bền vững.
Đối với Việt Nam, với 54 dân tộc anh em, văn hóa chính là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc không chỉ là kho tàng di sản vô giá mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ đất nước.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều chính sách để bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ ngày 14-17/12, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 sẽ được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam; đồng thời tạo điều kiện để các địa phương giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc sắc và đa dạng của văn hóa các dân tộc thiểu số
Mỗi dân tộc Việt Nam đều có những đặc trưng văn hóa riêng biệt, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu nhưng thống nhất. Văn hóa của các dân tộc thể hiện qua nhiều khía cạnh, từ ngôn ngữ, trang phục đến lễ hội và các hình thức nghệ thuật dân gian.
Ngôn ngữ là yếu tố quan trọng trong việc thể hiện sự đa dạng văn hóa. Hiện nay, có 27 trong số 53 dân tộc thiểu số của Việt Nam sử dụng chữ viết riêng, như các dân tộc Tày, Thái, Hoa, Khmer, Nùng, Mông…
Những ngôn ngữ này không chỉ được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày mà còn là công cụ sáng tạo văn học, nghệ thuật, phát thanh truyền hình, và trong hệ thống giáo dục vùng dân tộc.
Trang phục truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nhấn đặc sắc, giúp phân biệt từng dân tộc và là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử. Mỗi bộ trang phục không chỉ thể hiện gu thẩm mỹ mà còn phản ánh tín ngưỡng, tôn giáo, triết lý sống của dân tộc.
Từ trang phục, nghệ thuật dệt vải đến những kỹ thuật thủ công tinh xảo, tất cả đều mang trong mình những câu chuyện về cội nguồn và quá trình phát triển của mỗi cộng đồng.
Phong tục tập quán của các dân tộc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì bản sắc văn hóa. Những nghi lễ đặc sắc, như nghi lễ cấp sắc của người Dao, tục cưới hỏi của người H’mông hay những phong tục cúng bái của người Khmer, phản ánh tinh thần đoàn kết cộng đồng và truyền thống lâu đời của các dân tộc.
Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống như lễ hội Cồng Chiêng của người Tây Nguyên, lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng cũng góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Những lễ hội này không chỉ là dịp để cầu cho mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào, mà còn là cơ hội để người dân giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết.
Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc
Văn hóa các dân tộc Việt Nam không chỉ là di sản quý báu mà còn là nguồn lực quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (1998) về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hay Quyết định số 1270/QĐ-TTg (2011) về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.
Các chính sách này tập trung vào việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nghiên cứu và quảng bá những giá trị văn hóa của các dân tộc, như ngôn ngữ, chữ viết, trang phục truyền thống, lễ hội, và nghệ thuật dân gian.
Các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, lễ hội văn hóa, các chương trình nghệ thuật đã được tổ chức nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị này.
Một trong những thành tựu đáng chú ý là việc UNESCO công nhận các di sản văn hóa phi vật thể như Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (2008), Nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái (2019) và Nghệ thuật Xòe Thái (2022) là di sản văn hóa của nhân loại, góp phần nâng cao vị thế của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cũng đã được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, qua đó bảo vệ được những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ “Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số” theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013-2020; thực hiện Dự án “Chương trình hoạt động, lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia giai đoạn 2015-2020”…
Qua đó, đã có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa được diễn ra trên phạm vi cả nước, từng vùng, từng địa phương, từng dân tộc, như giao lưu văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam hằng năm; Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung và miền Đông Nam Bộ, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Chăm, Khmer, Mường, Dao, Hoa, Thái…; Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái…
Ngoài ra, Bộ cũng đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” với mục tiêu khơi dậy lòng tự hào và ý thức bảo tồn, phát huy và sử dụng trang phục truyền thống.
Các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được lập hồ sơ khoa học, xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Việc UNESCO công nhận nhiều di sản văn hóa phi vật thể, như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2008); Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (2019); Nghệ thuật Xòe Thái (2022) và Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm (2024) cũng là thành quả của sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa.
Hằng năm, Đảng và Nhà nước đều tổ chức gặp mặt những người có uy tín, già làng, trưởng bản, và nghệ nhân (những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số) và trao tặng Danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cho những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc gìn giữ di sản văn hóa, bao gồm nghệ thuật dân gian, tập quán, tín ngưỡng, tri thức, ngữ văn, tiếng nói, chữ viết và lễ hội truyền thống.
Những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc cũng được triển khai mạnh mẽ tại các địa phương.
Hiện nay, cả nước đã có 30 tỉnh triển khai với 700 trường học tiếng dân tộc thiểu số; phát hành 8 chương trình tiếng dân tộc (Chăm, Khmer, Gia Rai, Bana, Êđê, Mông, Mnông, Thái) và 6 bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số (Chăm, Khmer, Gia Rai, Bana, Êđê, Mông). Nhiều địa phương đã khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ của các dân tộc; biên soạn, xuất bản sách tiếng dân tộc thiểu số.
Nhiều địa phương đã khai thác các giá trị văn hóa, tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Một số mô hình phát triển du lịch đã hình thành và hoạt động khá hiệu quả, như du lịch cộng đồng ở Bản Mển (Điện Biên), Bản Áng (Sơn La), bản Nậm Đăm (Hà Giang), bản Thẳm (Lai Châu)…; tuyến du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc;” “Con đường xanh Tây Nguyên;” “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên;” “Du lịch cội nguồn,” “Cội nguồn Tây Bắc,” “Sắc màu vùng cao;” “Du lịch vòng cung Tây Bắc”…
Việc triển khai chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đã góp phần phục hồi, bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc trưng; đồng thời tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, qua đó thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, các chương trình phục dựng lễ hội truyền thống và hỗ trợ nghệ nhân dân gian đã được triển khai rộng khắp, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Những lễ hội truyền thống, với các nghi thức, phong tục đặc trưng, không chỉ thu hút sự tham gia của cộng đồng mà còn là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về cội nguồn, lịch sử và những giá trị tinh thần quý báu.
Việc hỗ trợ các nghệ nhân dân gian cũng được chú trọng, từ việc cấp kinh phí, tổ chức các lớp đào tạo, đến việc tạo điều kiện cho họ truyền dạy nghề cho thế hệ sau. Những hoạt động này không chỉ góp phần bảo tồn mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề truyền thống, bảo vệ sự đa dạng văn hóa của đất nước.
Đối mặt với thách thức và giải pháp
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, việc bảo tồn văn hóa dân tộc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự phát triển kinh tế thị trường, đô thị hóa và hội nhập quốc tế. Các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một nếu không có những biện pháp bảo vệ kịp thời.
Để khắc phục tình trạng này, cần tăng cường giáo dục về giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Các công nghệ số hóa di sản, việc bảo tồn văn hóa gắn liền với phát triển du lịch bền vững cũng cần được đẩy mạnh.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ nghệ nhân, già làng, trưởng bản – những người giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và truyền dạy văn hóa – cũng cần được chú trọng hơn nữa.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm chung của toàn xã hội, không chỉ của Đảng và Nhà nước. Văn hóa dân tộc là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Việc bảo vệ và phát huy những giá trị này không chỉ giúp khẳng định bản sắc quốc gia mà còn tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia giàu đẹp, văn minh và đậm đà bản sắc dân tộc./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/giu-gin-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-nen-tang-cho-phat-trien-ben-vung-post1000273.vnp