(HBĐT) – Tuyến sông Đà qua tỉnh Hòa Bình có chiều dài khoảng 100 km, phía hạ lưu qua TP Hoà Bình, thượng lưu từ TP Hòa Bình qua huyện Đà Bắc lên các huyện của tỉnh Sơn La. Trên tuyến hiện có 10 phương tiện chở hàng hóa ở thượng lưu, 14 phương tiện hoạt động khu vực hạ lưu và trên 230 phương tiện chở khách ở khu vực hồ Hòa Bình. Tuy nhiên, theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, phương tiện thuỷ nội địa hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải khách du lịch trên vùng lòng hồ sông Đà không đủ điều kiện hoạt động vẫn tham gia kinh doanh chiếm trên 2/3 số phương tiện hiện có, tiềm ẩn nguy cơ cao mất ATGT đường thuỷ nội địa.
Lực lượng Cảnh sát giao
thông Công an tỉnh kiểm tra các phương tiện thủy hoạt
động trên lòng hồ Hòa Bình.
Tìm hiểu về vấn đề này
được biết, việc thực hiện các quy định hiện hành về đăng ký, đăng kiểm phương
tiện thủy rất khó khăn. Vì thực tế các phương tiện thủy của người dân hầu hết
được hoán cải từ thuyền, tàu chở hàng, không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định mới.
“Trong khi đó, chi phí đóng, sửa chữa, nâng cấp tàu hầu hết đều vay ngân hàng,
2 năm hoạt động đình trệ do dịch Covid-19, các chủ tàu gần như đã kiệt quệ. Do
vậy, chủ tàu buộc phải tranh thủ làm để có thu nhập dù biết vi phạm quy định”,
một chủ tàu chở khách trên hồ Hòa Bình bày tỏ.
Hiện nay, trong tổng số
phương tiện thủy chở khách hoạt động ở lòng hồ Hòa Bình, có trên 90 tàu chưa được
cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT), đó
là các phương tiện không có hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng kiểm thẩm định,
chiều dầy tôn, kết cấu, chống chìm… không đáp ứng quy chuẩn hiện hành; 70 tàu
đã được cấp giấy chứng nhận ATKT&BVMT nhưng hết hạn, các phương tiện này tự
ý hoán cải… dẫn tới làm sai lệch so với hồ sơ ban đầu, nên không đảm bảo đủ điều
kiện cấp lại giấy chứng nhận ATKT&BVMT.
Để đảm bảo ATGT trên
tuyến, đặc biệt vào mùa lễ hội, lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc nhưng
do chưa đủ lực lượng, phương tiện nên không thể khép kín địa bàn tuần tra, kiểm
soát. Các phương tiện thủy không đủ điều kiện vẫn lén lút hoạt động bằng cách
luồn lách tại các eo lạch. Theo đồng chí Nông Văn Quyết, Phó Đội trưởng Đội Cảnh
sát giao thông (CSGT) đường thủy, Phòng CSGT, Công an tỉnh, trong quý I/2023, Đội
đã xử lý 72 trường hợp vi phạm trật tự, ATGT đường thủy nội địa, tổng số tiền xử
phạt 488,3 triệu đồng, tạm giữ 4 phương tiện thuỷ nội địa.
Để giải quyết những khó
khăn trong đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy, tỉnh đã đề xuất Bộ Giao thông vận
tải xem xét các tiêu chuẩn cho phương tiện phù hợp ở vùng hồ, nơi có điều kiện
mặt nước tĩnh, ít chịu tác động của gió bão như: Miễn giảm hoặc gia hạn việc
trang bị thiết bị AIS cho các phương tiện hoạt động trên vùng hồ Hòa Bình; ban
hành các quy định áp dụng cho vùng SIII. Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam chỉ đạo
cơ quan liên quan tiếp tục bố trí đủ cán bộ, chủ động trong kiểm tra các điều
kiện an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy trong khu vực
cảng, bến… Trong quý I, lực lượng chức năng đã cấp đăng ký cho 1 phương tiện thủy
nội địa; công bố hoạt động thêm 1 bến thủy nội địa; giải quyết 1 hồ sơ liên
quan đến gia hạn hoạt động cảng, bến thủy nội địa.
Để tăng cường đảm bảo
ATGT đường thủy nội địa, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục đẩy
mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa; kịp
thời phát hiện, xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm hành lang ATGT đường thủy; tổ
chức kiểm tra các điều kiện an toàn của phương tiện và các bến, cảng thủy nội địa,
bến khách ngang sông, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với phương tiện, bến
không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong
công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa phục vụ kinh doanh du lịch
trên vùng lòng hồ Hoà Bình. Qua đó thực hiện tốt năm ATGT với chủ đề “Thượng
tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
Minh Vũ