Thời gian qua, người chăn nuôi lâm vào khủng hoảng vì suốt thời gian dài giá nhiều sản phẩm chăn nuôi dưới giá thành sản xuất. Một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất của ngành chăn nuôi trong nước cao là do tỷ lệ hao hụt vì dịch bệnh cao.
Trang trại heo đảm bảo an toàn dịch bệnh tại xã Tân An, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên |
Xây dựng chăn nuôi theo quy trình khép kín đảm bảo an toàn dịch bệnh, xây dựng các vùng chăn nuôi ATDB không chỉ đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi mà còn góp phần tăng lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu thịt.
* Dịch bệnh gây thiệt hại lớn
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp với nhiều dịch, bệnh gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đến nay cả nước phát sinh 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy hơn 9,6 ngàn con.
Với dịch tả heo châu Phi, nguy cơ dịch tái phát và lây lan diện rộng rất cao. Tính đến đầu tháng 3-2023, cả nước đã xảy ra 68 ổ dịch bệnh tả heo châu Phi tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 3 ngàn con heo. Các ổ dịch chủ yếu xảy ra tại các cơ sở chăn nuôi nông hộ, không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài ra, còn có nguyên nhân thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển…
Ngành chăn nuôi của Đồng Nai vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp với trên 61,8%. Hiện tổng đàn heo của tỉnh đạt trên 2 triệu con; tổng đàn gà hơn 23,4 triệu con. Chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn.
|
Ông Phạm Minh Đạo, chủ trại chăn nuôi heo tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) so sánh, trước đây giá thành sản xuất 1kg heo hơi khi người chăn nuôi chủ động được con giống chỉ khoảng 42-45 ngàn đồng/kg. Hiện nay, nhiều trại chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi buộc phải mua con giống bên ngoài với giá cao, chi phí thức ăn chăn nuôi và các loại thuốc phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi đều đội giá, tỷ lệ đàn nuôi bị hao hụt cao do dịch bệnh đã đẩy giá thành sản xuất lên 60-65 ngàn đồng/kg.
Theo các trang trại chăn nuôi, giá thành sản xuất 1kg heo hơi, gia cầm cao hơn nhiều so với những năm trước do giá thức ăn chăn nuôi, thuê lao động, thuốc thú y tăng cao. Thời gian qua, các sản phẩm của ngành chăn nuôi thường xuyên bán thấp hơn giá thành sản xuất khiến doanh nghiệp và người chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề. Đây là nguyên nhân khiến hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Đồng Nai đã bỏ nghề.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang nhận xét, nguy cơ các loại dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan ở vật nuôi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao. Nhiều tháng qua, giá các sản phẩm chăn nuôi thường ở dưới giá thành sản xuất nên người chăn nuôi không có điều kiện đầu tư công tác phòng, chống dịch. Thời tiết diễn biến phức tạp cũng là điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi.
* Đồng Nai dẫn đầu trong xây dựng vùng chăn nuôi an toàn
Đầu tư thua lỗ làm người chăn nuôi lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi càng khiến ngành chăn nuôi chìm sâu trong cơn khủng hoảng, tăng nguy cơ xuất hiện thêm nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Giải pháp là cần phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, bảo vệ đàn vật nuôi. Bộ NN-PTNT khuyến khích các địa phương trong cả nước xây dựng các chuỗi, các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Đến nay, cả nước có 2.230 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 55 tỉnh, thành phố được chứng nhận ATDB. Đồng Nai đứng đầu xây dựng vùng ATDB của cả nước. Ngành chăn nuôi của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng trang trại công nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học, ATDB, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn ATDB trên địa bàn tỉnh.
Kết quả, đến nay toàn tỉnh có 7 vùng được công nhận vùng ATDB với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 11 xã được chứng nhận ATDB với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 655 trang trại chăn nuôi được chứng nhận ATDB.
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, việc xây dựng vùng, cơ sở ATDB trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, chăn nuôi gà quy mô nông hộ tuy chiếm tỷ lệ tổng đàn thấp nhưng các hộ chăn nuôi chưa quan tâm đến công tác chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh nên các ổ dịch nhỏ lẻ vẫn xảy ra. Giá sản phẩm đầu ra không ổn định, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là trong nước do chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Thực tế quyền của cơ sở ATDB chưa có nhiều khác biệt so với cơ sở chưa đạt ATDB nên khó khuyến khích xây dựng cơ sở ATDB.
Tại hội nghị Triển khai xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi ATDB do Bộ NN-PTNT tổ chức ở tỉnh Tây Ninh vừa qua, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương và hướng dẫn chuyên môn để có căn cứ xây dựng kế hoạch vùng ATDB chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE); đồng thời, địa phương mong được hướng dẫn trong việc xác định vùng đệm cũng như được hướng dẫn cụ thể giám sát dịch bệnh ở một số vùng đệm trên địa bàn tỉnh.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN: Cần xây dựng vùng ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ có thêm ít nhất 10 huyện đạt an toàn dịch bệnh (ATDB) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi nếu có sự quyết tâm, đồng lòng của các doanh nghiệp, các địa phương và của các bộ, ngành liên quan.
Các tỉnh, thành phố cần căn cứ các chương trình, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các văn bản chỉ đạo của Bộ NN-PTNT để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai. Cần đặt mục tiêu về thời gian, chất lượng và yêu cầu kết quả cần đạt được; theo đó, hướng đến năm 2025 sẽ đạt ít nhất 4 huyện và đến năm 2030 có 10 huyện đạt ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI: Tập trung phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi
Trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi rất quan trọng, vì không chỉ đảm bảo cho đàn vật nuôi và vấn đề phát triển kinh tế mà còn để đảm bảo sức khỏe con người. Trong tình hình giá sản phẩm chăn nuôi thấp sẽ xảy ra nguy cơ dịch bệnh do người nuôi hạn chế đầu tư. Trong điều kiện đó, ngành Nông nghiệp và các cơ quan chuyên môn phải tổ chức kiểm tra kịp thời. Các địa phương căn cứ vào quy định để chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh.
Ngành Nông nghiệp cần chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động, nhất là trong công tác quản lý, thống kê đàn vật nuôi, tổ chức kênh thông tin hiệu quả đến người dân. Trong đó, phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi, cảnh báo về những dịch bệnh lây từ vật nuôi sang người; về những vi phạm, xử lý vi phạm để người dân hiểu và chấp hành. Khi có địa phương xảy ra dịch, cần huy động hết lực lượng để dập dịch.
Lê Quyên (ghi)
Bình Nguyên
.