Giống lúa đặc biệt
Giống lúa cạn LC93-1, được trồng trên đất màu kém hiệu quả tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh không cần hệ thống kênh mương thủy lợi và tưới tiêu. Hiệu quả mang lại không thua trồng lúa nước đang mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân huyện miền núi này.
Ông Trần Đình Luyến, trú ở thôn Hương Bình, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, cho biết: “Gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 sào đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng thử nghiệm giống lúa cạn LC93-1 do xã giới thiệu. Quá trình trồng thử nghiệm, giống lúa cạn cho năng suất ổn định, chịu hạn tốt, vụ hè thu năm nay, gia đình tôi mở rộng diện tích sản xuất lúa cạn lên 3 sào”.
“Từ khi đưa lúa cạn về trồng, cho thấy năng suất đạt khá cao, vụ đầu đạt tầm 2 tạ/sào, sau đó lên 2,5-2,7 tạ/sào. Vừa có lúa gạo để ăn vừa có nguồn rơm rạ phục vụ chăn nuôi trâu bò. Đến nay, cả 3 sào đất màu bỏ hoang trước kia tôi đều trồng lúa cạn”, ông Luyến chia sẻ.
Chị Võ Thị Hiền, trú ở thôn Hương Giang, xã Lộc Yên, Hương Khê, cho biết: “Sản xuất giống lúa cạn cũng dễ làm, dễ chăm sóc. Chỉ cần cày ải, lên luống rồi trỉa hạt thẳng theo hàng. Giai đoạn trước khi lúa chuẩn bị đẻ nhánh, người dân phải chịu khó làm cỏ, xới xáo, để lúa không bị cạnh tranh dinh dưỡng, sinh trưởng, phát triển tốt.
Mỗi sào lúa trên ruộng cạn cho năng suất gần 3 tạ, tính ra cao hơn cả năng suất lúa nước vụ xuân. Đặc biệt, giống lúa này cho gạo thơm ngon, được người dân ưa chuộng. Năm ngoái, nhà tôi bán lúa giống với giá 12.000 đồng/kg, lúa ăn từ 8.000-10.000 đồng/kg .
“Tính ra thu nhập mỗi sào trồng lúa cạn trên 2,5 triệu đồng, trong khi đó, nếu trồng đậu, chỉ thu về khoảng 1 triệu đồng trên sào, trồng vừng tối đa được khoảng 1,5 triệu đồng, trồng lúa cạn cao gấp 2 đến 3 lần”, chị Võ Thị Hiền, phấn khởi, nói.
Hương Khê là một trong những huyện miền núi nằm trong khu vực khô hạn của Hà Tĩnh, nền nhiệt hàng năm vào mùa hè luôn tăng từ 0,5- 1 độ C so với những nơi khác. Mặc dù, trên địa bàn có hệ thống sông suối, hồ đập nhưng đa phần các công trình thủy lợi đều nhỏ, nên công tác tưới tiêu hết sức khó khăn.
Tăng dần diện tích, phủ xanh đất kém hiệu quả
Hàng năm địa phương tổ chức rà soát, đánh giá kết quả sản xuất của từng loại cây trồng để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp. Đặc biệt, khi một số loại cây màu như cây ngô, cây vừng, cây đậu được trồng trong vụ hè thu trên những vùng đất cao cạn mang lại hiệu quả kinh tế thấp.
Việc triển khai chuyển đổi, đưa các giống cây phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác vào sản xuất được địa phương chú trọng. Cây lúa cạn được trồng thử nghiệm, cho thấy sự thích nghi điều kiện canh tác, khí hậu, mang lại hiệu quả trông thấy nên diện tích đã được mở rộng qua từng năm.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên, cho biết: “Giống lúa cạn LC93-1 được đưa từ trong tỉnh Đắc Lắc về trồng thử nghiệm năm 2021. Năm 2022, sản xuất lên 5 ha, tăng dần diện tích, đến vụ hè thu năm 2024, đã nhân rộng lên 40 ha.
So với trồng các loại cây hoa màu khác, trồng lúa trên ruộng cạn có giá trị kinh tế vượt trội trong khi điều kiện canh tác khá đơn giản. Giống lúa này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chống chịu thiên tai, dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả năng suất không thua kém lúa nước. Ngoài ra, thân lúa trồng trên đất cạn tốt gấp rưỡi so với thân lúa nước, nguồn phụ phẩm nông nghiệp còn được sử dụng phục vụ chăn nuôi”.
Hiện nay, nhiều người dân một số xã như: Phúc Đồng, Hương Lâm, Hương Liên, Hương Đô cũng đang chuyển đổi những diện tích đất trồng đậu, vừng kém hiệu quả sang trồng giống lúa cạn. Vụ hè thu năm nay, thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng các diện tích lúa cạn vẫn xanh tốt, toàn bộ diện tích đã được thu hoạch xong. Đảm bảo an toàn, né tránh được thời tiết bất lợi xảy ra.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Lê Thị Thắm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hương Khê, cho hay: “Lúa cạn sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt khoảng 2,7-3 tạ/sào (sào 500m2). Đặc tính chịu hạn tốt, quy trình trồng đơn giản, ít sâu bệnh, huyện đã nhân rộng được gần 50 ha giống lúa này, đang tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích tại những vùng đất khô hạn tại các địa phương trên địa bàn huyện”.
“Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện sẽ tham mưu UBND huyện có cơ chế chính sách để hỗ trợ người dân, nhân rộng diện tích lúa cạn nhằm giảm bớt diện tích đất màu bị bỏ hoang. Xác định là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân”, bà Lê Thị Thắm-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hương Khê, nói.
Nguồn: https://danviet.vn/giong-lua-trong-duoc-tren-can-it-cong-cham-soc-ma-nang-suat-lai-cao-nong-dan-ha-tinh-thich-me-20240912082339621.htm