Ông Phúc cho biết, diện tích trồng lúa của gia đình ông hiện là 13.000 m2, trong đó khoảng 5.000 m2 gia đình ông dành để canh tác giống lúa Hương Châu 6. So với các giống lúa khác, Hương Châu 6 gần như không bị sâu bệnh, năng suất đạt 8,1 – 8,2 tấn/ha, lợi nhuận bình quân cao hơn 2 – 3 triệu đồng/ha so với giống lúa khác.
Theo ông Phúc, các diện tích canh tác giống lúa Hương Châu 6 tại Tiền Giang, Long An đều có chung đặc tính cứng cây, lá đứng, bông dài, hạt sáng không có dấu hiệu của sâu bệnh.
“So sánh giữa giống lúa Hương Châu 6 với các giống lúa khác thì tại cả 3 vụ trong năm, giống lúa Hương Châu 6 đều thể hiện được nhiều đặc tính vượt trội: sạch bệnh, không nhiễm rầy” ông Phúc cho biết thêm.
Thích nghi rộng, chống chịu mặn là đặc tính mà bà con nông dân tại những khu vực xâm nhập mặn ở Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) ưu tiên khi chọn giống lúa để canh tác. Bởi lẽ đó, Hương Châu 6 rất được lòng bà con nông dân vì phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu mạnh khá, ít sâu bệnh hại dẫn đến giảm chi phí, tăng lợi nhuận, từ đó nơi đây đã trở thành thủ phủ của giống lúa Hương Châu 6.
Ông Nguyễn Thành Vũ (xã Long Hưng, Thị xã Gò Công, Tiền Giang) cho hay: Người dân Tiền Giang đa số chọn giống lúa Hương Châu 6 để sản xuất vì cho năng suất cao. Đặc biệt từ khi đưa giống lúa Hương Châu 6 vào sản xuất, chưa thấy xuất hiện bệnh đạo ôn, cháy bìa lá nên đã giảm được nhiều chi phí cho việc phòng trừ sâu bệnh từ đó lợi nhuận tăng lên rất nhiều.
Còn bà Trương Thị Cẩm (huyện Tân Hưng, Long An), người trồng 5.000m2 giống lúa Hương Châu 6 chia sẻ, ban đầu đưa giống lúa này vào sản xuất tôi cũng rất lo lắng không biết có phù hợp với đồng đất của địa phương không, năng suất ra sao nhất là khi thấy lúa trổ bông chậm hơn so với các giống khác. Nhưng đến giờ, diện tích lúa Hương Châu 6 của gia đình tôi lại rất đẹp và đều, ít sâu bệnh. Tôi thực sự rất hài lòng về giống lúa này.
Hương Châu 6 là giống lúa thuần, chất lượng cao do Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) nghiên cứu chọn tạo, đã được Bộ NNPTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật năm 2019. Giống lúa Hương Châu 6 đang được đánh giá là giống lúa triển vọng khi liên tục được bà con nông dân đánh giá cao tại các vùng trồng khác nhau trên khắp cả nước.
Hiện giống lúa Hương Châu 6 do Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice), đơn vị thành viên của Vinaseed giữ bản quyền phụ trách sản xuất, kinh doanh tại Khu vực ĐBSCL, giúp bà con nông dân có thêm sự lựa chọn trong sản xuất lúa, cải thiện thu nhập.
HƯỚNG DẪN GIEO TRỒNG GIỐNG LÚA THUẦN CHẤT LƯỢNG HƯƠNG CHÂU 6
1. Chân đất: Thích hợp loại đất chân vàn, vàn cao.
2. Thời vụ: Theo hướng dẫn mỗi địa phương, có thể tham khảo lịch thời vụ sau:
* Khu vực Bắc Bộ: vụ Xuân gieo 20/1-10/2, gieo mạ dày xúc hoặc mạ nền, cấy tuổi mạ 3-3,5 lá; nếu gieo mạ dược (cấy tuổi mạ 4-4,5 lá); vụ Mùa gieo trong tháng 6, cấy tuổi mạ 12-15 ngày.
* Khu vực BắcTrung bộ: vụ Xuân gieo 10/1 – 31/1 gieo mạ dày xúc hoặc mạ nền, cấy tuổi mạ 3-3,5 lá; nếu gieo mạ dược (cấy tuổi mạ 4-4,5 lá); vụ Hè thu gieo 15/5-5/6, cấy tuổi mạ 12-15 ngày.
* Khu vực Nam Trung bộ: vụ Đông xuân gieo sạ 20/12-15/1; vụ Hè thu gieo sạ10/5-10/6.
* Khu vực Tây Nguyên: vụ Đông Xuân gieo gieo sạ 15/11- 15/12; vụ Hè thu gieo sạ 1/5-25/5.
* Khu vực Nam bộ: vụ Đông xuân gieo sạ 10-20/12; vụ Hè thu gieo sạ 10/5- 20/5; vụ Thu đông gieo sạ 10/9-20/9.
3. Mật độ cấy: 45-50 khóm/m2 , cấy 2- 3 dảnh/khóm, cấy nông tay.
4. Sạ giống: Đối với các tỉnh miền Bắc: 40-45 kg/ha; đối với các tỉnh miền Trung và miền Nam: 80-100 kg/ha.
5. Phân bón:
*Đối với lúa gieo sạ: Tùy theo vùng đất và mùa vụ, có thể bón cho 1 ha 150 kg Urea + 100 kg DAP + 100 kg KCl chia ra như sau:
– Bón lót (ngay trước khi sạ lúa, có kéo ván để lấp phân): 50 kg DAP
– Bón thúc 1 (7 – 8 ngày sau sạ): 50 kg DAP + 30 kg Urea
– Bón thúc 2 (18 – 20 ngày sau sạ): 60kg Urea + 40 kg KCl – Bón đón đòng (35 – 38 ngày sau sạ): 30 kg Urea + 30 kg KCl/ha.
– Bón nuôi hạt (sau khi lúa trổ đều 5 – 7 ngày cần bón nuôi hạt để lúa tăng tỉ lệ hạt chắc, lượng phân như sau): 30 kg Urea + 30 kg KCl/ha.
*Đối với lúa cấy: Khuyến cáo sử dụng phân bón tổng hợp NPK. Lượng bón tùy theo loại đất, trên chân đất trung bình bón:
+ Đối với phân tổng hợp NPK Lâm Thao: Bón lót (trước khi bừa cấy): Bón 7-8 tấn phân hữu cơ (hoặc 1200-1500 kg phân vi sinh) + 560-700 kg/ha phân NPK (5:10:3); Bón thúc (khi lúa bén rễ hồi xanh): Bón 220-250 kg/ha phân NPK (12:5:10) + 30 kg phân đạm urê, kết hợp làm cỏ sục bùn; Bón thúc (khi lúa đứng cái): Bón 200 kg/ha phân NPK (12:5:10).
+ Đối với phân đơn: Lượng bón cho 1 ha: Vụ Xuân7 – 8 tấn phân hữu cơ (hoặc 1200 – 1500 kg phân vi sinh) + 200 – 220 kg đạm Urê + 450- 500 kg Super lân + 140-160 kg Kaliclorua. Vụ Mùa, Hè thu giảm 10% lượng đạm, tăng 15% kali so với vụ Xuân;
* Cách bón: Bón lót (trước khi bừa cấy) toàn bộ phân hữu cơ (hoặc phân vi sinh), phân lân + 40% phân đạm + 20% phân kali; bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ hồi xanh): 50% phân đạm + 30% phân Kali; bón thúc lần 2 (khi lúa đứng cái) bón lượng phân còn lại.
6. Lưu ý:
– Thời vụ gieo cấy tùy theo lịch thời vụ của mỗi địa phương.
– Nếu sử dụng phân tổng hợp NPK khác, bón theo hướng dẫn trên bao bì.