Mới đây, giới trẻ xôn xao khi trò chơi truy tìm kho báu lần đầu được nền tảng Jagat tổ chức tại TP.HCM. Bên cạnh một số người chơi hưởng ứng, cũng có người lo ngại trò chơi này muốn kiểm soát quyền truy cập trên điện thoại người dùng.
Nhiều bạn trẻ đua nhau thức đến 2 – 3 giờ sáng và lang thang ngoài đường để tham gia trò chơi nằm trong sự kiện “Kế hoạch tìm kho báu” do nền tảng Jagat tổ chức tại TP.HCM từ ngày 30-11 đến hết ngày 31-12.
Nửa đêm lang thang ngoài đường… tìm kho báu
Theo quy định trò chơi, người dùng phải tải ứng dụng về điện thoại, sau đó mở ứng dụng trò chơi rồi nhập vào biểu tượng bản đồ kho báu xem phạm vi tiền xu trong bản đồ TP.HCM.
Người chơi có nhiệm vụ tìm xu trong số hơn 1.000 đồng xu (vàng, bạc, đồng) phân tán ngẫu nhiên tại các địa điểm trên địa bàn TP. Sau khi tìm và thu thập đủ các xu may mắn, người chơi nhập mã đổi quà để nhận phần thưởng tiền mặt.
Mới ra mắt, trò chơi này nhanh chóng nhận được nhiều sự hưởng ứng, tham gia từ người dùng, nhất là những bạn trẻ. Hoàng My (quận Phú Nhuận) cho biết nhóm bạn của mình đã thức mấy đêm liền đi “săn tiền thưởng” nhưng vẫn chưa được, hoặc bị chậm chân.
“Với người trẻ chúng tôi, thức xuyên đêm tham gia trò chơi cũng khá thú vị, mặc dù sáng hôm sau phải ngủ bù, có chút ảnh hưởng đến học tập”, My cho biết.
Trên nền tảng TikTok, gõ từ khóa “Jagat tìm kho báu” lập tức hiển thị nhiều video từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn lượt xem, bình luận. Trong đó người chơi thường hỏi về cách chơi, cách đổi xu, săn xu nhanh, thắc mắc chưa nhận được tiền.
Jagat trước đó được biết đến là ứng dụng chia sẻ vị trí, thời gian của bản thân đến bạn bè và ngược lại, đánh dấu và theo dõi các địa điểm yêu thích, những chuyến đi.
Game này được cho là có cách chơi khá giống với trò Pokémon Go khi du nhập vào Việt Nam vào năm 2016, nhanh chóng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Khi đó, để săn được Pokémon Go, nhiều bạn trẻ ra đường tới những nơi vắng vẻ, hay ra công viên, Bến Bạch Đằng, Thảo cầm viên…
Các bạn trẻ ở TP.HCM ra đường tìm “kho báu” là những đồng xu được “giấu” ở vị trí ngẫu nhiên, nhận biết thông qua bản đồ – Ảnh: YÊN CHÂU
Người chơi bị xâm phạm quyền riêng tư và gây rối trật tự?
Với trò chơi đi tìm kho báu của ứng dụng Jagat, trong khi nhiều người hưởng ứng và tham gia thì số khác lo ngại về bảo mật khi cho biết để được ứng dụng trao quyền chơi, người chơi phải cấp hết quyền truy cập trên điện thoại.
“Nếu đã cấp hết quyền truy cập điện thoại cho họ là họ đã lấy xong thông tin của mình rồi. Đâu có gì là tự nhiên với miễn phí ngon ăn vậy!”;
“Cái gì cũng phải có lý do hết, không ai đi cho tiền người khác vậy đâu. Khi đăng ký tài khoản phải có Gmail, rồi họ tự điều khiển điện thoại của mình và lấy hết tiền tài khoản ngân hàng luôn”.
“Không ai cho không ai cái gì. Phải cho họ (bên phát hành trò chơi – PV) quyền truy cập điện thoại mình thì mới được chơi. Khi có được thông tin, số điện thoại của người chơi, họ sẽ gọi điện thoại làm phiền và lừa đảo liên tục… Ai tham gia chứng khoán cũng bị y chang”.
Đó là một số bình luận của người dùng trên TikTok bày tỏ lo lắng về việc ứng dụng muốn xâm phạm quyền riêng tư.
Đáp lại các bình luận này, tài khoản TikTok jagat_vn (được cho là chính chủ của ứng dụng trò chơi) cho biết Jagat sẽ không xâm phạm quyền riêng tư của người dùng và sẽ không gây tổn hại đến tài sản của người chơi. “Jagat không có khả năng làm việc như bạn nói”, Jagat viết.
Ứng dụng trò chơi này cũng cam kết việc đặt xu và đổi phần thưởng đều là thật. Người dùng hoàn thành hoạt động đúng quy định và không gian lận có thể thành công nhận thưởng.
Ngoài ra, một số người chơi lo ngại khi trò chơi phân bổ các đồng xu ở những nơi đông dân, khiến nhiều người chơi tụ tập để tìm xu, gây mất trật tự an toàn, mất tài sản, hư hại cây cối là của công.
“Giấu xu ở những công viên hay những nơi ít dân cư đi. Cứ giấu ở khu dân cư làm gì? Mọi người ra đó, nhiều người vô ý thức làm phiền người dân cả đêm. Chưa kể còn bị công an, dân phòng mời làm việc vì gây rối trật tự công cộng”, tài khoản N.H. nói.
Tương tự, người dùng có tài khoản L.N.9906 nêu ý kiến: “Rải gần khu vực công an thế này thì chịu luôn rồi. Vài bữa công an làm căng như đợt Pokémon Go là coi như game over”.
Đồng quan điểm, người chơi tên K.A. khi bình luận vào video của Jagat cũng cho rằng cần hạn chế giấu đồng xu ở những địa điểm không phù hợp tụ tập đông. “Tụi em vừa bị dân báo, công an với dân phòng ra đứng canh nghẹt đường. Công an hỏi giấy tờ, hoặc bị dân phòng yêu cầu đi chỗ khác”, người này cho hay.
Nhiều rủi ro với dữ liệu cá nhân và thiết bị
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quang Cường, giám đốc sản phẩm Trình duyệt Cốc Cốc, cho rằng việc người dùng cho phép ứng dụng như Jagat được cấp phép gần như toàn quyền truy cập điện thoại của mình có thể dẫn đến nhiều rủi ro bảo mật khôn lường.
Với rủi ro về bảo mật dữ liệu cá nhân, ứng dụng có quyền truy cập không giới hạn có thể thu thập các thông tin nhạy cảm, như danh bạ, lịch sử duyệt web, hoặc tin nhắn cá nhân, dữ liệu tài chính… dẫn đến rủi ro sử dụng trái phép hoặc rò rỉ dữ liệu.
Đặc biệt, “việc cấp quyền truy cập vị trí có thể khiến ứng dụng hoặc bên thứ ba theo dõi liên tục vị trí của bạn. Việc cấp quyền truy cập microphone và camera, ứng dụng có thể âm thầm nghe lén cuộc hội thoại hoặc quay phim mà người dùng không hề hay biết”, ông Cường cảnh báo.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho rằng dữ liệu được lưu trữ hoặc truyền qua ứng dụng có thể không được mã hóa, làm tăng nguy cơ bị đánh cắp bởi tin tặc. Dữ liệu bị bán hoặc chia sẻ cho bên thứ ba không đáng tin cậy, nguy cơ người dùng bị spam, quảng cáo không mong muốn, hoặc bị tấn công mạng sẽ tăng cao.
Với rủi ro về quyền điều khiển thiết bị, ông cho rằng người dùng có thể bị chiếm quyền sử dụng các trợ năng (accessibility). Cụ thể, khi người dùng vô ý chia sẻ quyền điều khiển thiết bị cho ứng dụng, kẻ xấu có thể lợi dụng để chiếm quyền điều khiển một số tính năng trên thiết bị như: các chế độ kiểm soát tương tác (Interaction control – Switch Access) – cho phép điều khiển thiết bị bằng khẩu lệnh, công tắc thay vì màn hình cảm ứng, hoặc sử dụng các nút thay các thao tác thông thường; hỗ trợ giọng nói (cung cấp phản hồi bằng giọng nói để người sử dụng có thể sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng mà không cần nhìn vào màn hình)…
“Với đầy đủ quyền, kẻ xấu có thể khai thác ứng dụng để cài đặt phần mềm độc hại hoặc kiểm soát thiết bị từ xa”, ông Cường khuyến cáo.
Còn bạn, bạn nghĩ thế nào? Mời bạn gửi ý kiến trong ô Bình luận cuối bài viết.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gioi-tre-thau-dem-ra-duong-tim-kho-bau-jagat-o-tp-hcm-co-hot-nhu-pokemon-go-mot-thoi-20241208153303909.htm