“Lời chào cao hơn mâm cỗ”, chào hỏi được coi là nét văn hóa xã giao không chỉ của người Việt. Phải chăng nhiều người đang quên dần?
Chỉ chào khi thấy cần thiết
Một số bạn trẻ cho biết mình không chào do… lười, không thích, thậm chí nếu chẳng muốn qua lại thì khỏi phải chào. Và với người lạ, họ càng không chào.
Thu Duyên (23 tuổi, ở quận 8, TP.HCM) cho biết mình vốn ít nói và cũng ít chào người khác, dù là họ hàng, khách đến nhà chơi hay hàng xóm. Cô chỉ chào mỗi cha mẹ khi đi học và lúc về. Có người lạ đến, Duyên trốn biệt trong phòng, chỉ bước ra ngoài chào khách khi… bị mẹ ép.
Còn Gia Bảo (20 tuổi, ở TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng nói rằng bản thân không thích chào khi đến nhà khách lạ hay khách đến nhà mình, “cùng lắm chỉ gật đầu một cái”. Bảo thừa nhận bản thân… thực dụng, chỉ nói lời chào ai khi thấy có thể qua lại được, hoặc có lợi ích gì đó.
Bảo ví dụ, những ngày Tết, anh chỉ chào khách nào mà thấy có khả năng lì xì cho mình, hoặc trong năm thi thoảng cho mình tiền. “Ngoài ra, tôi chỉ chào những người mà mình buộc phải chào. Còn lại thì thôi. Người lạ càng không, vì tôi thấy không cần thiết”, anh nói.
Nhiều lần Bảo bị cha mẹ nhắc nhở, la mắng vì tính xấu này. Tuy nhiên, Bảo không có ý định thay đổi vì cho rằng “chào hay không cũng vậy”.
Dù thích hay không, vẫn nên chào hỏi
Nhận định vấn đề chào hỏi của giới trẻ, Quỳnh Như (25 tuổi) thừa nhận việc giới trẻ ngày nay ít chào hỏi như thế hệ trước.
“Tôi nghĩ việc các bạn trốn tránh như vậy không đúng. Vì ông bà đã dạy “Đi đến nơi nào lời chào đi trước”. Người ta sẽ đánh giá cả con người bạn bắt đầu từ lời chào trước cả lời ăn tiếng nói và cách ứng xử”, Như nói.
Tuy nhiên, theo Như thì cũng cần phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao các bạn trẻ lại ngại việc chào. “Do sự đi xuống về mặt đạo đức hay do có nguyên nhân khác, như gặp những người lớn thường móc mỉa các bạn, hỏi chuyện tế nhị, riêng tư”, cô cho biết.
Và điều này đúng với Đức Anh, ngụ Long Thành (Đồng Nai). Chàng trai 26 tuổi vốn là người hoạt bát, thích chào hỏi để bắt chuyện.
Nhưng từ khi đi làm, mỗi lần gặp người quen ở thành phố hay là về quê, anh đều đối diện với những câu hỏi mà đa phần giới trẻ cho là tế nhị như “lương tháng nhiêu”, “mỗi tháng gửi về cho cha mẹ bao nhiêu”, “chừng nào mới cưới vợ”, hoặc vờ hỏi thăm song mục đích là khoe con cái của họ. “Riết rồi tôi ít đi tới nhà người quen, có thấy từ xa cũng kiếm cách né”, anh nói.
Nhưng sau cùng, dù bạn không thích ai đó thì vẫn nên chào, hay chỉ cần cái gật đầu mỉm cười, như một phép lịch sự xã giao mà ai cũng cần có.
Lời chào dù ở đâu đi nữa vẫn rất quan trọng, thể hiện cả con người, sự giáo dục của gia đình và tôn trọng của bạn dành cho người khác.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gioi-tre-ngay-cang-ho-hung-gap-nguoi-khong-muon-chao-20240813103619204.htm