Chung Ah Reum không còn mua sắm túi xách, giầy dép hay quần áo hàng hiệu dù từng “phát cuồng” với chúng vài năm trước.
Sống một mình tại quận Gangnam, Seoul, Chung cũng không còn thích omakase (loại hình ẩm thực đắt đỏ phong cách Nhật Bản) như trước. Cô gái hơn 30 tuổi thừa nhận đã tránh xa phong cách chi tiêu xa hoa, phóng túng do đối mặt với chi phí sinh hoạt cao.
“Tôi nhận ra cần tiết kiệm để trả tiền thuê nhà, sinh hoạt phí và tiết kiệm”, nữ nhân viên văn phòng nói.
Những câu chuyện như của Chung đại diện cho sự thay đổi trong mô hình chi tiêu của thế hệ MZ (Millennial và Gen Z, sinh từ đầu 1980 đến đầu 2010). Trước đây, họ theo đuổi văn hóa “flex” (khoe khoang), thể hiện sự giàu có, thành công và đồ hiệu ở nơi công cộng. Dù vậy, lạm phát hiện tại đang phủ bóng lên tiêu dùng nội địa của Hàn Quốc.
Chỉ số giá tiêu dùng Hàn Quốc đã tăng hơn 3% trong hai tháng liên tiếp kể từ tháng 2. Mọi người cảm nhận rõ rệt giá nông sản, chăn nuôi, thủy sản, nhu yếu phẩm hàng ngày tăng cao. Biến động chính trị thế giới, tỷ giá ngoại tệ và và chi phí năng lượng dự kiến tăng sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát.
Trong bối cảnh đó, thế hệ MZ đang cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống cũng như quần áo, mua sắm khác. Theo phân tích mẫu chi tiêu một triệu người tiêu dùng của dịch vụ quản lý tài chính Bank Salad, những người trong độ tuổi 20 chi 169 tỷ won cho thực phẩm trong tháng 2, giảm 21,8% so với năm 2023. Đối với những người trong độ tuổi 30, chi tiêu cho thực phẩm giảm 24,2%. Liên quan đến quần áo và mua sắm, chi tiêu trong độ tuổi 20 giảm 14,5% còn trong độ tuổi 30 giảm 17%.
Do chi phí sinh hoạt tăng, người trẻ cũng tìm kiếm công việc làm thêm. Theo báo cáo của ngân hàng Shinhan Bank, 16,9% người làm công ăn lương cho biết họ có nghề tay trái. Hơn một nửa trong số những người dưới 10 năm kinh nghiệm quan tâm đến tìm việc phụ. Khi được hỏi lý do, 61,9% nhắc đến áp lực kinh tế.
Huy Phương (Theo Korea Times)