Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc vốn là một trong những quốc gia có giờ làm việc dài nhất thế giới, xếp thứ 4 sau Mexico, Costa Rica và Chile năm 2021. Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch nâng trần thời gian làm việc của người lao động từ 52 giờ/tuần lên 69 giờ/tuần trước sức ép từ các doanh nghiệp lớn muốn tăng năng suất.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của các công đoàn, đặc biệt là giới trẻ. Chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol hôm 15/3 cho biết, chính phủ sẽ xem xét một hướng mới sau khi lắng nghe ý kiến của người dân, đồng thời cam kết bảo vệ quyền lợi và lợi ích của giới trẻ.
Ý tưởng nâng giờ làm được cho là một phương án của chính phủ Hàn Quốc nhằm đối phó với nguy cơ thiếu hụt lao động do tỷ lệ sinh ngày càng giảm, tỷ lệ dân số già hóa tăng. Mặc dù vậy, các chuyên gia cảnh báo, phương án này có thể khiến tình hình tồi tệ hơn nữa.
Thực tế, năm 2018, Hàn Quốc từng phải giảm thời gian làm việc tối đa từ 68 giờ/tuần xuống 52 giờ/tuần như hiện nay.
Theo ước tính của OECD, người Hàn Quốc phải làm trung bình 1.915 giờ trong năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 1.767 giờ của người Mỹ.
Tăng giờ làm từng được coi là động lực phát triển kinh tế của Hàn Quốc sau chiến tranh Triều Tiên những năm 1950, giúp Hàn Quốc trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, mặt trái của chính sách này là tình trạng “chết vì làm việc quá sức” hay tự tử do áp lực.