Với một số người trẻ thành thị, việc dùng thức ăn đường phố có khi diễn ra ngày 3 buổi, tuần 7 ngày.
Mỗi tháng nấu ăn… 1 lần
Nguyễn Thị Thanh Ngọc (ở quận Tân Bình, TP.HCM) là nhân viên ngân hàng. Ngọc cho hay công việc của cô bận rộn, mỗi ngày vừa phải căng thẳng làm việc ở công sở, tối cũng chẳng rảnh vì có khi phải làm việc thêm, hôm thì học tiếng Anh.
“Rất mệt và đuối nên trưa ở văn phòng tôi đặt đồ ăn qua app, tối về mệt nên tấp vô quán ăn luôn”, Ngọc nói. Hôm nào mệt không ăn nổi, cô chỉ uống nước rồi đi ngủ.
Cuối tuần có thời gian rảnh, Ngọc cũng chọn ăn ngoài. Thi thoảng “có nhã hứng” đi siêu thị mua đồ về nấu ăn, cô cũng chỉ mua những loại thực phẩm được chế biến, tẩm ướp sẵn, về chỉ cần đem lên luộc, chiên, xào là ăn.
Ở một mình, không giỏi nấu ăn, lại ăn không nhiều nên cô gái 26 tuổi này không thiết tha gì với bếp núc. Chiếc bếp điện thậm chí còn đóng một lớp bụi do ít khi sử dụng. Do ít nấu, gian bếp của cô cũng chỉ đơn giản có vài dụng cụ nấu, gia vị thì dùng rất lâu mới hết.
“Tôi thấy ăn ngoài cũng ngon, thích gì ăn nấy và ăn tùy theo túi tiền của mình. Lười ra đường thì lên mấy app đặt đồ ăn đem về, có mã khuyến mãi thì càng ngợi hơn.
Tôi ở một mình, nấu ở nhà vừa mất thời gian mà số tiền bỏ ra cũng không kém ăn ngoài quán là bao nhiêu, chưa kể nếu nấu dở còn đem đổ bỏ, ăn xong lại còng lưng dọn dẹp “bãi chiến trường” do mình tạo ra”, Ngọc cho biết, mỗi tháng cô tốn khoảng 3-4 triệu đồng chi phí ăn uống ở các quán sá.
Tương tự, anh Cao Quốc Phong (ở quận 7) cho biết dù vợ chồng anh sống ở chung cư, có gian bếp rộng rãi và đủ dụng cụ bếp, song bếp núc nhà anh cũng ít khi đỏ lửa bởi hai vợ chồng là nhân viên văn phòng đi làm cả ngày mới về, không còn sức để bày ra nấu rồi dọn dẹp.
“Cưới nhau gần một năm, số lần vợ chồng tôi nấu ở nhà đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu ăn bên ngoài. Bạn bè tới nhà chơi thì cũng đặt đồ ăn đem về, mua chén, ly, muỗng đũa bằng nhựa để ăn xong vứt luôn cho tiện”, người đàn ông 31 tuổi cho hay.
“Hàng quán bên ngoài đầy, ngày nào thấy thích món gì thì ghé ăn món đó. Số tiền bỏ ra còn rẻ hơn mua về nấu, mà đỡ cực cho mình”, Phong nói. Nhiều món ăn, đồ uống mới ra đời và thành xu hướng trong giới trẻ, vợ chồng anh cũng thử cho biết.
Ăn uống là phải an toàn
Ngày nay, vì một số lý do, nhiều người như Ngọc hay gia đình anh Phong thường xuyên lựa chọn sử dụng thức ăn đường phố cho các bữa chính lẫn bữa phụ, ngày thường hay ngày lễ.
Ở góc độ y tế, theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh – trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn – cho biết món ăn ở hàng quán bên ngoài thường được chế biến hấp dẫn với nhiều béo (thường là chất béo no), nhiều đường và muối, ít rau và trái cây. Nguồn gốc thực phẩm, nguồn nước sử dụng để chế biến và cách chế biến, bảo quản thực phẩm có thể không đảm bảo.
“Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của món ăn hàng quán phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức và ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như đạo đức của người bán.
Do đó, việc ăn uống bên ngoài có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm từ cấp đến mạn tính, và mất cân đối dinh dưỡng.
Còn bữa cơm gia đình thường đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho cả nhà hơn do biết rõ nơi chọn mua thực phẩm, cảm quan thực phẩm từ lúc chưa chế biến, chế biến với số lượng ít, vừa đủ cho cả nhà, ăn ngay sau khi chế biến, món ăn hợp khẩu vị, dụng cụ dùng để chế biến và phục vụ bữa ăn đảm bảo vệ sinh, nguồn nước an toàn cho ăn uống”, bác sĩ Hạnh cho biết.
Theo bác sĩ Hạnh, bữa cơm gia đình không chỉ an toàn, vệ sinh, đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà mà còn rất tiết kiệm, giúp gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. Tuy nhiên, để duy trì bữa cơm gia đình, từng thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm chia sẻ công việc, vì người phụ nữ ngày nay không chỉ đảm đương việc nhà mà còn có nhiều trọng trách đối với xã hội.
Sau nhiều năm ăn bên ngoài và ăn uống thất thường, không đúng giờ giấc, gần đây ăn vào thường nôn ra, kết quả khám sức khỏe của Thanh Ngọc vào ba tháng trước đã kết luận cô bị viêm dạ dày tá tràng, nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày và phải mất mấy tháng điều trị. “Giờ tôi chỉ ăn được đồ mềm. Ngày nào không quá bận tôi sẽ cố gắng nấu ăn ở nhà”, Ngọc tâm sự.
Còn với nhà anh Phong, cách đây 2 năm, có lần vợ anh đã bị rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy nhiều lần trong một đêm sau khi ăn cháo sườn tại một quán lề đường. Bản thân anh mấy tháng trước cũng đau bụng và khó chịu trong người sau khi ăn món đang hot là xúc xích và lạp xưởng nướng đá.
Gần đây, nghe tin một số vụ ngộ độc thực phẩm từ món ăn đường phố, hai người bắt đầu thấy lo ngại. Tuy vậy, anh Phong nói thường chỉ “cạch mặt” quán nào đó vì gặp vấn đề sau khi ăn hoặc đọc các bài “phốt” trên mạng.
Còn bình thường, vợ chồng anh vẫn… nhắm mắt đưa chân, đặt niềm tin vào nơi mình đến ăn uống, dù công nhận nếu nấu ở nhà sẽ an toàn vệ sinh hơn, có thể giúp gắn kết tình cảm gia đình hơn.
Doanh thu thị trường ăn ngoài tăng lên
Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 của iPOS (công ty chuyên về sản xuất, kinh doanh các giải pháp quản lý nhà hàng, cà phê) công bố mới đây cho biết trong giai đoạn 2021 – 2023, doanh thu thị trường ăn ngoài tại Việt Nam phục hồi nhanh chóng. Theo đó, doanh thu năm 2023 hồi phục sát mốc trước dịch COVID-19, với 538,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,87% so với năm 2022.
Ngoài ra, quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến đạt 52,4 nghìn tỉ đồng cho thấy thói quen đặt đồ ăn online của người Việt ngày càng phổ biến, bởi nhiều tiện ích.
Bên cạnh những thay đổi trong thói quen ăn uống của người tiêu dùng, thị trường F&B (dịch vụ ẩm thực và đồ uống) năm nay còn chịu ảnh hưởng lớn từ các trend (xu hướng) ẩm thực đường phố, như trà mãng cầu, cà phê muối, trà chanh giã tay, trà sữa đất nung,… đóng góp một phần đáng kể vào sự gia tăng doanh thu thị trường này.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gioi-tre-do-thi-ca-thang-nau-an-1-lan-coi-chung-sinh-benh-vi-an-linh-tinh-20240513170659218.htm