(Dân trí) – Bức tường được vẽ theo phong cách hip hop trên phố Ấu Triệu (Hà Nội) đang “gây sốt”, khiến nhiều người sẵn sàng chờ vài tiếng đồng hồ để chụp ảnh.
Vì muốn đến tận nơi kiểm chứng địa điểm được nhiều bạn trẻ quan tâm, Bùi Lê Vũ (SN 1996) đã đáp chuyến bay từ TPHCM ra Hà Nội. Nhưng khi đến nơi, anh lại không chụp ảnh để làm kỷ niệm.
Địa điểm khiến Vũ tò mò là bức tường được vẽ graffiti (tranh phun sơn đường phố) với chữ “SW” tông cam – đen nổi bật, tọa lạc tại 40 phố Ấu Triệu, Hà Nội. Phần mái che màu đen in chữ “leninn” đơn giản giúp tạo thêm điểm nhấn cho nơi này.
Đợi gần một tiếng, đi lúc nửa đêm cho “đỡ ngại”
“Tôi thấy ở TPHCM chưa có bức tường nào đạt độ “hot” (nóng) tương tự. Khi đến nơi, điều làm tôi bất ngờ nhất là các bạn trẻ (đa phần là nữ) rất chịu khó chụp ảnh với bức tường, mặc dù hôm đó người đến khá đông và tình trạng chen lấn cũng xảy ra”, Lê Vũ chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Vượt quãng đường hơn 1.500km, Lê Vũ cảm thấy địa điểm “gây sốt” không quá nổi bật, giống như những bức vẽ graffiti khác. Theo anh, nơi này thu hút giới trẻ một phần bởi cảnh quan xung quanh. Kiến trúc cũ kết hợp nét hiện đại của graffiti tạo nên không gian độc đáo.
Bên cạnh đó, Vũ cho rằng, kỹ năng chỉnh ảnh khá “cuốn” của một số người sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội cũng là yếu tố quan trọng khiến địa điểm này được chú ý.
Hành trình trải nghiệm bức tường của Vũ kết thúc bằng cốc cà phê sữa giá 30.000 đồng. Anh không chụp ảnh.
Vũ kể lại: “Tôi thấy nếu muốn chụp, các bạn phải đợi khoảng 30-40 phút”.
Không mất nhiều thời gian di chuyển như Lê Vũ, Ngọc Anh (SN 2002, Hà Nội) chỉ cần chạy xe máy 5km để đến bức tường cũ. Mục đích của cô là chụp những bức ảnh trông “chất ngầu”. Vì xác định chủ đề theo phong cách hip hop, cô chọn trang phục mang hơi hướng bụi phủi với quần túi hộp, cùng áo ống hở eo để tôn dáng.
“Tôi thấy mọi người chia sẻ nhiều bức ảnh chụp ở leninn nên cũng rủ bạn đi chụp thử. Trước khi đi, tôi xác định sẵn tâm lý phải đợi lâu. Tuy nhiên, vấn đề đó không quan trọng. Bởi chờ một giờ trong tiết trời thu Hà Nội khá thoải mái.
Ngày cuối tuần, tôi cũng rảnh rỗi. Nhưng điều làm tôi lo lắng nhất là đám đông nếu mất trật tự sẽ ảnh hưởng đến giao thông con phố”, Ngọc Anh nói.
Khánh Ly đến bức tường “gây sốt” trên mạng vào lúc nửa đêm để “đỡ ngại” (Ảnh: NVCC).
Để tránh chờ lâu, Khánh Ly Tạ (Hà Nội) quyết định đi chụp ảnh cùng hội bạn lúc 2h sáng. Dù vậy, vẫn có một số bạn trẻ đến chụp vào khung giờ này. Cô chỉ chờ 10 phút là được đứng vào khung hình.
Ly chia sẻ: “Lý do tôi đi ban đêm là để tránh đông người. Quan trọng là tôi cũng hay ngại. Do đó, đi vào thời điểm này giúp tôi thấy đỡ hơn”.
Nhiều tranh cãi xoay quanh bức tường
Nhiều người lầm tưởng bức tường graffiti này thuộc một quán cà phê. Thực tế, điều này không đúng. Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, đây chỉ là nơi đối diện một cửa hàng bán quần áo, phụ kiện kết hợp skateboard (ván trượt). Dòng chữ “leninn” được in trên tấm mái che phần nào minh chứng cho sự liên quan giữa địa điểm “gây sốt” và cửa hàng thời trang này.
Yếu tố khiến nhiều người nhầm lẫn đến từ việc bộ bàn ghế nhựa được sắp xếp chỉn chu trước bức tường. Đây là mô hình kinh doanh của một chủ quán cà phê, nước giải khát gần đó. Đồ uống có giá 20.000 đồng trở lên. Đa số bạn trẻ cho rằng, giá các loại thức uống không đắt, chủ quán cũng nhiệt tình cho khách vào chụp hình.
Nếu có người đến trước, được ngồi uống nước tại chiếc bàn ở chỗ bức tường, những ai chậm chân sẽ phải đợi đến lượt. Đó là lý do khiến các bạn trẻ phải xếp hàng dài.
Bức tường này liên quan đến cửa hàng thời trang có tên trùng với chữ trên tấm bạt che (Ảnh: @lynguyenly_).
Một số người cho biết, họ đã chụp ảnh tại bức tường cũ vào thời điểm nơi này chưa nổi. Khi đó, họ chỉ cần chi 5.000 đồng cho một cốc trà đá là có thể chụp ảnh thoải mái.
“Quán nước mở cửa từ 9h đến 17h30. Tuy nhiên, khi thấy tôi vẫn còn ngồi nói chuyện, cô bán nước nhiệt tình để bộ bàn ghế đến 20h”, chủ tài khoản Ngọc Mai kể.
Ngoài sự nhầm lẫn trên, không ít người còn tranh cãi về địa điểm được nhắc đến trong bài rap nổi tiếng Thủ Đô Cypher. “Sáng dậy sớm, qua Lenin… uống cà phê phin, xem… chơi skateboard, hip hop thủ đô không bao giờ là hết hot” là đoạn rap phổ biến trong ca khúc.
Đoạn rap này đã được giới trẻ sử dụng khi đăng tải những video, hình ảnh chụp tại bức tường trên phố Ấu Triệu. Từ đó, tranh cãi nổ ra. Bởi một số người nhận xét, địa điểm này trở nên phổ biến nhờ vào bài rap.
Tuy nhiên, câu từ “qua Lenin” được tác giả nhắc đến không phải chỉ bức tường “leninn”. Địa điểm chính xác được nhắc đến là công viên Lê Nin nằm trên phố Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.
“Là người đam mê trượt ván và hay lên công viên Lê Nin vào mỗi dịp cuối tuần để vui chơi, tôi nghĩ đây mới chính là địa điểm đúng trong bài rap. Đứng ở chỗ bức tường đó thì làm sao mà chơi trượt ván được?”, Đăng Phạm (SN 2002, Hà Nội) bày tỏ.
Trong khi đó, một số bạn trẻ cho rằng, họ “thừa biết” bức tường graffiti không phải địa điểm được nhắc đến trong bài hát. Do tên địa điểm nghe “vần” với nhau nên họ vẫn có thể “bám” xu hướng.
Dantri.com.vn