TRÍ VĂN (Theo CNN)
Cuộc khảo sát về thanh niên Arab do công ty quan hệ công chúng ASDA’ A BCW (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) thực hiện mới đây cho thấy, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về mức độ phổ biến trong giới trẻ tại Trung Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tâp Cân Bình (phải) và Tổng thống Palestine Abbas trong cuộc gặp hôm 14-6. Ảnh: AFP
Theo đó, Mỹ đứng thứ bảy trong số các quốc gia được giới trẻ Arab coi là thân thiện trong khi Trung Quốc xếp thứ hai. Khảo sát cho thấy sự ủng hộ dành cho Trung Quốc đã tăng dần lên trong những năm qua trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông.
Đáng chú ý, nhiều thanh niên Arab coi Trung Quốc là đồng minh của nước họ hơn là Mỹ. Cụ thể, 80% số người được hỏi coi Trung Quốc là đồng minh của đất nước họ, trong khi 72% coi Mỹ là đồng minh, tăng so với năm ngoái khi sự ủng hộ dành cho Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 63% và 78%. Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia mà hầu hết thanh niên Arab coi là đồng minh trong năm nay với tỷ lệ ủng hộ lên tới 82%.
Trong số những người được hỏi, 61% cho biết họ ủng hộ việc Mỹ rút quân khỏi Trung Đông. Các quốc gia Arab, đặc biệt là các nước ở vùng Vịnh, đã tỏ ra thất vọng trước ảnh hưởng ngày càng giảm của Mỹ tại khu vực. Họ từ chối đứng về phía nào trong cuộc chiến tại Ukraine và xích lại gần Trung Quốc hơn.
Để đi đến kết quả trên, khảo sát đã thực hiện phỏng vấn trực tiếp 3.600 người Arab trong độ tuổi từ 18-24 tại 53 thành phố ở 18 quốc gia Arab giữa lúc bối cảnh chính trị tại khu vực thay đổi. “Nhận thức rằng Mỹ đang xoay trục chiến lược khỏi Trung Đông dường như đang lan truyền từ chính phủ cho đến người dân trong khu vực. Song, nhận thức này nên được xem là “muối bỏ bể”, bởi quyền lực mềm và vai trò của Mỹ với tư cách là nước đảm bảo an ninh trong khu vực khó có thể bị các cường quốc toàn cầu khác như Trung Quốc hay Nga thay thế” – Anna Jacobs, chuyên gia phân tích cấp cao vùng Vịnh thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhận định. Thanh niên Arab dường như nhận ra điều đó. Bất chấp sự phổ biến của Trung Quốc tại khu vực ngày càng tăng, 2/3 số người được hỏi tin rằng Mỹ sẽ là “đồng minh quan trọng hơn” so với Trung Quốc và Nga trong 5 năm tới.
Không giống như Mỹ, ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc tại khu vực chủ yếu là về kinh tế. Đến nay, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ trong khu vực. Riêng thương mại của nước này với Saudi Arabia tăng từ 4,1 tỉ USD năm 2001 lên 87,3 tỉ USD vào năm 2021, nhiều hơn cả mức Mỹ và Liên minh châu Âu cộng lại.
Song, Bắc Kinh gần đây đã bắt đầu tham gia vào chính sách ngoại giao ở Trung Đông vốn từ lâu được coi là “lãnh địa” của Mỹ. Trung Quốc hồi tháng 3 giành được chiến thắng ngoại giao khi làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa 2 đối thủ lâu năm là Iran và Saudi Arabia. Trung Quốc còn đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Israel và Palestine. Mới hồi tuần trước, Bắc Kinh đã chào đón Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 4 ngày.
Chính vì vậy, chuyên gia Jacobs nhận định: “Trung Đông là một đấu trường cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng các chủ thể trong khu vực đã nói rõ rằng họ sẽ không bị dồn vào chân tường để chọn một bên trong cuộc cạnh tranh quyền lực lớn. Họ có quá nhiều lợi ích ở cả phương Đông và phương Tây và cảm thấy họ phải duy trì quan hệ cân bằng với tất cả các cường quốc”.