Ban tổ chức cho biết có 46 đội thi (là các doanh nghiệp xã hội), bao gồm 79 thí sinh đến từ 8 quốc gia, tham dự Hội thảo Doanh nhân xã hội trẻ toàn cầu 2023 (từ ngày 7-10.6) tại Singapore, với nhiều ý tưởng khởi nghiệp khác nhau.
Hội thảo bao gồm chuỗi các phiên đào tạo, học tập và cố vấn với các chuyên gia về ý tưởng kinh doanh. Sau hội thảo này, ban tổ chức cho biết 15 đội thi đã được chọn, để trình bày ý tưởng kinh doanh hoàn thiện tại vòng cuối cùng của YSE Global 2023 vào tháng 11.
Các đội thi tham dự Hội thảo Doanh nhân xã hội trẻ toàn cầu 2023 (từ ngày 7-10/6) tại Singapore
Trong vòng “Gọi vốn vì sự thay đổi” của YSE Global 2023 (tháng 11), các đội sẽ trình bày kế hoạch kinh doanh đã được hoàn thiện để có cơ hội nhận được khoản tài trợ lên tới 20.000 SGU cho mỗi dự án.
Một trong số 15 đội thi xuất sắc này là doanh nghiệp xã hội tMonitor (Việt Nam) của chị Bùi Mỹ Huyền và anh Vũ Hải Nam. Startup công nghệ tMonitor hướng tới mục tiêu cung cấp phần mềm giám sát theo thời gian thực và phân tích chất lượng không khí bằng trí tuệ nhân tạo. Phần mềm của tMonitor cũng có thể được tích hợp trong một hệ thống tổng thông minh với các thiết bị gia đình khác.
Anh Vũ Hải Nam, nhà sáng lập và tổng giám đốc điều hành tMonitor, cho biết hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng không khí trong nhà và giảm nguy cơ cháy nổ và khí độc.
“Hành trình YSE đã mang tới cho tôi nhiều trải nghiệm quý giá. Tôi không chỉ được tiếp thu các kiến thức và kỹ năng thực tế thông qua các phiên đào tạo, mà còn có cơ hội kết nối với các doanh nhân trẻ xuất sắc trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội. Tôi trân trọng cơ hội được tiếp thu các hiểu biết sâu sắc từ các quan điểm khác nhau, bởi mỗi thị trường đều có những câu chuyện khác biệt, nhưng lại cùng đối mặt với những thách thức và vấn đề giống nhau”, anh Nam chia sẻ.
Trong YSE Global 2023, các ý tưởng kinh doanh đều hướng tới đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (UNSDG) như giải quyết biến đổi khí hậu, thúc đẩy giáo dục chất lượng bao trùm và công bằng cho mọi người, và tận dụng công nghệ để trao quyền cho các cộng đồng ít được tiếp cận.
Bà Amalina Abdul Nasir, Thống đốc của Quỹ SIF, cho biết: “Quỹ SIF mong muốn mở đường cho những người trẻ với mục tiêu tạo ra sự thay đổi biến các ý tưởng kinh doanh xã hội của họ thành hiện thực, từ đó làm giàu thêm cho cuộc sống. Thông qua chương trình Doanh nhân xã hội trẻ toàn cầu, họ có cơ hội học hỏi lẫn nhau, hợp tác và xây dựng mạng lưới tác động xã hội”.