Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, vì vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia.
Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1950, trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh: Vĩnh Yên và Phúc Yên, năm 1968 sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, từ ngày 01 tháng 01 năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2008, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc chuyển về thành phố Hà Nội.
Diện tích tự nhiên hiện nay của Vĩnh Phúc rộng 1.235,87 km2 (theo niên giám thống kê năm 2018), phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp 2 huyện Sóc Sơn và Đông Anh – Hà Nội, dân số 1.171.232 người (theo niên giám thống kê 2020). Vĩnh Phúc có 41 dân tộc anh, em sinh sống trên địa bàn, trong đó chủ yếu là các dân tộc: Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường. Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện: 2 thành phố (Vĩnh Yên và Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên); 136 xã, phường, thị trấn.
Là tỉnh có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, nhiều địa danh và con người ở Vĩnh Phúc đã in đậm với những chiến công được cả nước biết đến, tiêu biểu như chiến thắng Khoan Bộ, Xuân Trạch, Núi Đinh,…;Vĩnh Phúc còn là nơi khởi nguồn của đổi mới tư duy quản lý nông nghiệp – nông thôn, với phương thức “khoán hộ” táo bạo vào cuối những năm 60, 70 của thế kỷ XX, đó là bước đi mang tính đột phá, tạo cơ sở thực tiễn cho đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Đảng ta sau này.
Từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, Vĩnh Phúc luôn nhất quán trong tư duy, tầm nhìn đổi mới, trong đó xác định tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Đến nay Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, có năm tăng trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997 – 2021 tăng 13,42%/năm; chất lượng tăng trưởng được nâng cao, năng suất lao động đạt 212 triệu đồng/lao động/năm, tăng 20,5 lần so với năm 1997 (10,3 triệu đồng/lao động). Quy mô kinh tế ngày càng lớn, đến năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997 (năm 1997: 1,96 nghìn tỷ đồng).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng khá cao, giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh (năm 2021, chiếm đến 63,74%; dịch vụ chiếm 28,43%; nông, lâm thủy sản chiếm 7,83%).
GRDP bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, năm 2020, đạt 105,5 triệu đồng/người, đứng thứ 5/11 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 10/63 tỉnh/thành phố trong cả nước; năm 2021 đạt 114,3 triệu đồng/người (khoảng 4.800 USD), cao gấp 52,5 lần so với năm 1997 (năm 1997: 2,18 triệu đồng/người).
Thu ngân sách nhà nước đạt cao, luôn vượt mục tiêu đề ra, với nhiều dấu mốc quan trọng và luôn nằm trong tốp các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất của cả nước. Năm 1997, thu ngân sách chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, đến năm 2002 vượt mốc 1.000 tỷ đồng, từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương; năm 2009 vượt mốc 10.000 tỷ đồng, năm 2014 vượt mốc 20.000 tỷ đồng và đến năm 2016 vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2019 đạt trên 35.000 tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; năm 2020 và năm 2021 mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt trên 32.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt gần 28 nghìn tỷ đồng), gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997. Số thu ngân sách tăng cao đã tạo điều kiện tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế xã hội và thực hiện các chính sách xã hội.
Thu hút đầu tư nhiều năm liên tiếp trở thành “điểm sáng” của cả nước, tính đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó có các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, các quốc gia Châu Âu và 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là gần 110 nghìn tỷ đồng. Từ chỗ không có khu công nghiệp khi mới tái lập, đến nay tỉnh đã có 19 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 14 khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư (có 08 KCN đi vào hoạt động).
Hệ thống cơ cở hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt theo hướng đồng bộ, hiện đại, 100% các tuyến đường quốc lộ được nhựa hóa; tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai chạy qua tỉnh với 5 nút giao đã, đang và sẽ là điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng Sông Hồng. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ được cứng hóa đạt 100%; các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp; tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa trên 95% tuyến giao thông nông thôn và 65% giao thông nội đồng.
Diện mạo nông thôn đổi thay toàn diện, chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm đạt kết quả quan trọng. Đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 100% số xã (105 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 36 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 5/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển biến rõ rệt theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, khang trang; đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Nhiều giá trị văn hóa dân tộc, di tích, di sản được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm; đến nay toàn tỉnh có 91,84% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 93,85% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Toàn tỉnh có 65 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 03 di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Tây Thiên -Tam Đảo, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn và di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thổ Tang). Vĩnh Phúc có 3 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách của UNESCO (Hát ca trù, di sản Kéo song Hương Canh, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt) và 5 di sản được đưa vào danh mục si sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội đền Ngự Dội, hát Soọng cô của người Sán Dìu, hát trống quân Đức Bác, tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên và Lễ hội xã Đại Đồng).
Các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh trong những năm qua đã giành nhiều thành tích tại các kỳ thi đấu quốc gia, quốc tế như Đua thuyền, PenCak Silat, Bắn súng… Đội tuyển bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc giành vị trí thăng hạng, tham gia thi đấu tại giải Vô địch Quốc gia năm 2022.
Lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Hệ thống mạng lưới trường lớp các cấp được quy hoạch và quan tâm đầu tư. Đến năm 2019 đã có 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 của toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014. Các chỉ số chung về giáo dục của toàn tỉnh đều vượt các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Số lượng và chất lượng học sinh giỏi quốc gia ổn định ở mức cao so với các tỉnh, thành trong cả nước. Tính từ năm 1998 đến nay, tỉnh có 1.405 giải học sinh giỏi cấp quốc gia; 33 huy chương cấp khu vực và quốc tế, trong đó có 3 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 15 huy chương đồng các môn Toán học, Vật Lý, Sinh học,…
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được đặc biệt quan tâm. Cơ sở vật chất ngành y tế được tăng cường, nâng cấp ở các tuyến; đã đầu tư Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Sản – Nhi quy mô 500 giường bệnh, các bệnh viện và Trung tâm y tế tuyến huyện; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Đội ngũ y, bác sỹ thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đến hết năm 2021, đạt tỷ lệ 39 giường bệnh/vạn dân, tăng 30,1 giường/vạn dân so với năm 1997; 14 bác sỹ/vạn dân, gấp 5,4 lần năm 1997. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được cải thiện ở cả ba tuyến.
Bình quân hàng năm tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động, mỗi năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 300 tỷ đồng thực hiện chính sách cho các đối tượng. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công. 100% các xã đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2021 giảm còn 0,44%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. 100% xã trên địa bàn được phủ điện lưới quốc gia, 100% hộ dân được dùng điện lưới; cáp quang đã đến 100% số thôn.
Với nhiều thế mạnh và tiềm năng phát triển, Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.
vinhphuc.gov.vn