Giới thiệu và phát triển sản phẩm muối truyền thống tỉnh Thái Bình năm 2023
Thứ 4, 31/05/2023 | 16:42:09
940 lượt xem
Sáng ngày 31/5, tại xã Thụy Hải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND huyện Thái Thụy tổ chức hội thảo “Giới thiệu và phát triển sản phẩm muối truyền thống tỉnh Thái Bình năm 2023”.
Dự hội thảo có lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm thiên nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình và tỉnh Nam Định cùng hơn 100 người dân sản xuất muối của HTX Đại Đồng, xã Thụy Hải.
Hiện nay, nghề sản xuất muối tại tỉnh Thái Bình chỉ còn lại duy nhất tại xã Thụy Hải (Thái Thụy). Với diện tích đất làm muối đạt gần 39ha, trong đó diện tích đang sản xuất hơn 4ha, diện tích để hoang hóa gần 34ha. Toàn xã chỉ còn 75 hộ dân tham gia sản xuất, đạt sản lượng muối 484 tấn/năm. Sản phẩm muối ở Thụy Hải được làm theo phương pháp truyền thống của miền Bắc đó là thẩm thấu nước mặn qua cát nên muối giữ được nhiều vitamin và khoáng chất của vùng biển cửa sông, giàu phù sa, có nồng độ muối nhạt và hơn 60 nguyên tố vi lượng có lợi cho sức khỏe con người, có thể làm thuốc chữa bệnh vì có đủ thành phần 12 loại muối mô. Điều đặc biệt của nghề muối Thụy Hải không những là nghề truyền thống mà còn gắn liền với di tích “Bà Chúa Muối” ở thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của Bà (14/4 âm lịch), dân làng Quang Lang, xã Thụy Hải lại mở hội, trong hội có trò “múa ông Đùng bà Đà” – đây là một trong những điệu múa cổ xưa nhất của người Việt, mang đậm nghi lễ nông nghiệp gắn với tín ngưỡng phồn thực độc đáo. Vì vậy, bảo tồn nghề sản xuất muối phơi cát, ngoài các ý nghĩa về kinh tế, còn là sự bảo tồn làng nghề nhiều đời, bảo tồn văn hóa truyền thống của di tích văn hóa, lịch sử phủ Bà Chúa Muối.
Các đại biểu tham quan sản phẩm muối Tam Đồng.
Hội thảo đưa ra thực trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối; những hạn chế, khó khăn trong việc duy trì sản xuất nghề muối hiện nay, trong đó lao động tham gia sản xuất chủ yếu là người ngoài độ tuổi lao động, hơn nữa nghề sản xuất muối phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, đặc biệt là trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới về tổ chức, quản lý và nắm bắt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối. Nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng và sản lượng muối của người dân, hội thảo đưa ra các giải pháp về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, về liên kết sản xuất muối, về phát triển sản phẩm và xúc tiến thương mại. Đây cũng là phương hướng phát triển nghề muối bền vững trong thời gian tới.
Trần Tuấn