Các bức tranh trưng bày tại triển lãm“Tranh truyện Hàng Trống” là những tích truyện cổ quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Điểm nhấn của những bức tranh trong bộ sưu tập chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, và đặc biệt kết tinh giá trị nhân văn và bản sắc văn hoá độc đáo của người Kinh kỳ xưa.
Hoạ sỹ Phan Ngọc Khuê cho biết: “Có lẽ lâu lắm rồi chúng ta mới có dịp tiếp xúc lại với loại tranh này. Nó đã có cách đây hàng trăm năm rồi nhưng trong điều kiện đất nước ta có những biến động, chiến tranh năm 45 – năm 54, chúng ta là không in những loại tranh này, chỉ có những loại nhỏ thôi. Những loại này các chủ hiệu tranh phải thu mua ván để khắc tranh, mỗi tấm tranh như này ít ra phải ghép 2-3 tấm ván lại với nhau, phải gia công thợ mộc cho bằng, đẹp, sau đấy gia công vẽ”.
Mỗi bức tranh miêu tả những chi tiết quan trọng trong tích truyện cổ, từ màu sắc đến nét bút đều tái hiện sinh động hình ảnh con người và thiên nhiên trong câu chuyện mang đến nhiều ấn tượng cho công chúng yêu nghệ thuật:
Chị Chu Thị Thuý Vân, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Các nét vẽ mang đúng tính dân gian của Hàng Trống cổ ngày xưa, tức là không màu mè, không phải sắc nét, tức là có những nét hiện đại cài vào nữa mà nó đang lưu giữ lại đúng những nét của cổ truyền của Hàng Trống xưa, để lưu lại cho ngày nay”.
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện còn có lễ Tiếp nhận bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ từ hoạ sỹ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ nằm trong bộ sưu tập tranh được giới thiệu trong triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”. Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng tham quan từ nay đến hết ngày 31/3/2024 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.