Mệt… vì dùng tiếng Anh liên tục
Nguyễn Cát An đang là du học sinh tại Melbourne, Úc. Trước khi đi du học, An đạt được IELTS 7.0. Ngoài ra, An từng học tại ĐH RMIT một năm trước khi sang Úc học tiếp. Trong lúc còn học ở Việt Nam, An cũng vẫn nói chuyện với thầy cô và thuyết trình bằng tiếng Anh rất tốt. Tuy nhiên khi du học ở Úc, An đã gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp.
An kể người Úc nói chuyện bị dính chữ hoặc nói tắt nên An thường thấy khó hiểu. Có khi họ dùng từ khác với từ phổ thông mà An được học, ví dụ như họ dùng “arvo” thay vì “afternoon”, “cheers” thay vì “thank you”, khiến cho An cần có thời gian để thích nghi với việc sử dụng từ ngữ phù hợp khi giao tiếp. Điều đó cũng làm cho An gặp khó khăn khi biểu đạt câu chuyện với người khác.
“Qua Úc, mình với nhiều bạn khác cũng có chung trải nghiệm khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Mặc dù có thể giao tiếp được nhưng việc dùng tiếng Anh liên tục cả ngày khiến cho mình bị… mệt, giống như đang tìm cách hòa nhập, thích nghi hơn là nói chuyện hàng ngày”, An chia sẻ.
Giống với Cát An, Đặng Thảo An (du học tại ĐH Feitian, Mỹ) từng là học sinh chuyên Anh nhưng chưa bao giờ Thảo An cảm thấy thoải mái khi nói chuyện bằng tiếng Anh. Thảo An nhận định: “Người Mỹ đôi khi học nói chuyện rất nhanh và những từ vựng tiếng Anh mà mình thường được học trong trường thì họ không dùng từ đó mà thay thế bằng từ đồng nghĩa khác”.
Không riêng tiếng Anh, những du học sinh học ngôn ngữ khác để du học ở các nước không dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, cũng gặp khó khăn tương tự. Như Nguyễn Sơn đang du học tại Đức cảm nhận tiếng Đức của người bản địa khá khó nghe khi lần đầu tiếp xúc. Và Hoàng Yến, du học sinh tại ĐH Bonn (Đức) cũng bị sốc vì nghe nhưng không hiểu gì hết mặc dù đã có chứng chỉ tiếng Đức trước khi đi du học.
Rào cản giao tiếp đến từ khác biệt trong văn hóa
Mỹ Chung, sinh viên năm cuối Trường ĐH Kinh tế quốc dân, là đại diện Việt Nam tham gia chương trình ASEAN Study Visit ở Thái Lan & Philippines vào năm 2022. Chung cũng từng du học trao đổi tại Mỹ và đạt học bổng SEED du học tại Canada. Trước khi có được những cơ hội học tập tại nước ngoài và tự tin giao tiếp với người bản xứ như hiện tại thì trình độ tiếng Anh của Chung khá khiêm tốn.
Mỹ Chung cho biết bản thân học chuyên văn từ nhỏ, đến năm lớp 11 thì Chung đã quyết định từ bỏ học chuyên văn và dốc trọn thời gian để học tiếng Anh lại từ đầu. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian du học, Chung cũng gặp trở ngại vì chưa đủ hiểu biểu về văn hóa để giao tiếp.
Chung nhận định rào cản giao tiếp là có thật, nhưng không hẳn xuất phát từ ngôn ngữ mà đến từ sự khác biệt trong văn hóa, môi trường sống, giáo dục, niềm tin… “Tiếng Anh hay bất kỳ thứ tiếng nào khác không chỉ là ngôn ngữ mà còn là kết tinh của văn hóa. Khi có những hiểu biết nhất định về nền văn hóa đó, rào cản về giao tiếp cũng như những tình huống khó xử sẽ được giảm bớt đáng kể”, nữ sinh viên chia sẻ.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Mỹ Chung khuyên khi gặp vấn đề về nghe nói thì tốt nhất nên luyện tập phản xạ đa dạng hơn với nhiều người ở các quốc gia khác nhau. Dành nhiều thời gian luyện nghe nói với người Anh, Mỹ để bắt chước ngữ âm, ngữ điệu chính xác hơn.
“Bền bỉ, kỷ luật tập luyện mỗi ngày để cải thiện kỹ năng giao tiếp và kết bạn với những người có cùng mục tiêu cũng giúp tớ được truyền động lực nhiều hơn và không bị nản chí”, Chung cho hay.
Lời khuyên cho du học sinh
Cô Nguyễn Hoàng Yến Oanh (giáo viên Tiếng Anh tại Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam) nhận định vấn đề du học sinh dù giỏi ngoại ngữ nhưng vẫn khó giao tiếp khi đi du học đến từ nhiều yếu tố.
Theo cô Oanh, điểm số IELTS hoặc điểm tiếng Anh ở trường sẽ không phản ánh được khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của bạn. Thực tế, có một số bạn có được điểm cao nhờ vào các kỹ năng còn lại, chứ không đầu tư thời gian để cải thiện kỹ năng nói. Thêm vào đó, việc chúng ta có nền tảng tốt về một ngoại ngữ nào đó không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể giao tiếp tốt bằng ngôn ngữ đó. Nền tảng ngữ pháp, từ vựng được học ở trường không thể giúp các bạn nhiều nếu thiếu môi trường để luyện nói và phản xạ với ngôn ngữ.
Cô Oanh cho biết cô đang theo học chương trình thạc sĩ ngôn ngữ học ứng dụng và giảng dạy tiếng Anh tại ĐH Macquarie (Úc). “Dù là giáo viên tiếng Anh và hầu như sử dụng tiếng Anh hằng ngày cho công việc, tôi cũng không thể tránh khỏi một số khó khăn trong việc giao tiếp khi sang Úc. Đôi khi mọi người nói quá nhanh hoặc những thuật ngữ được tạo ra trên các nền tảng mạng xã hội cũng làm tôi khựng lại ‘nhiều chút’ khi giao tiếp”, cô Oanh nói.
Để tháo gỡ những trở ngại trong giao tiếp, cô Oanh dành lời khuyên cho các bạn du học sinh nên xem các vlog bằng tiếng Anh nói về cuộc sống du học ở đất nước đó hoặc vlog của các bạn học chung trường. Nhắn tin làm quen và tạo kết nối với các bạn học chung để khi gặp nhau không quá bỡ ngỡ và ngại ngùng khi nói chuyện.
“Hãy cố gắng để bản thân tiếp xúc với tiếng Anh nhiều nhất có thể, trải nghiệm ở chung nhà, làm việc nhóm với các bạn đến từ các quốc gia khác hoặc tìm các công việc làm thêm mà ở đó bạn giao tiếp bằng tiếng Anh. Khi tiếp xúc với ngôn ngữ, hãy để bản thân trở thành những đứa bé, quan sát và bắt chước cách mọi người xung quanh sử dụng ngôn ngữ đó. Và quan trọng nhất là hãy tự tin, dám nghĩ dám nói”, cô Oanh nhắn nhủ.
Cùng quan điểm với cô Oanh, thầy Nguyễn Ngọc Thái, giáo viên Trường THPT Lê Thị Riêng (Bạc Liêu), từng tham gia bồi dưỡng phương pháp giáo dục tại ĐH Queensland (Úc), cho biết thêm người nước ngoài sẽ nói theo chất giọng (accent), phương ngữ và văn hóa, đôi khi họ nói ngắn gọn, không chú trọng vào ngữ pháp hoặc nói tiếng lóng là nguyên nhân khiến du học sinh gặp khó khi giao tiếp.
“Trước khi sang nước ngoài học tập, các em nên nghe trước những bài đàm thoại của người bản xứ nói để làm quen với chất giọng của họ và tìm hiểu kỹ về phong tục, lối sống, văn hóa cũng như thổ nhưỡng, khí hậu nơi đó”, thầy Thái chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-ngoai-ngu-nhung-van-gap-kho-khi-du-hoc-phai-lam-sao-185240917144154315.htm