SGGP
Sau khi chính phủ Mỹ thông báo sẽ tài trợ 1,2 tỷ USD vào công nghệ thu giữ carbon dioxide (CO2) từ không khí và cô lập dưới lòng đất để ngăn khí thoát trở lại khí quyển, nhiều gã khổng lồ công nghệ (Big Tech) cũng bắt đầu đổ hàng tỷ USD vào việc phát triển thị trường thu hồi carbon như một xu thế không thể đảo ngược.
Lễ khởi công Nhà máy Stratos hồi tháng 4. (Ảnh: Bloomberg) |
Tập đoàn Amazon thông báo sẽ tài trợ cho dự án triển khai công nghệ thu khí trực tiếp lớn nhất thế giới bằng cách mua khoản tín dụng loại bỏ 250.000 tấn carbon trong 10 năm tới từ Nhà máy Stratos, nhà máy thu khí trực tiếp (DAC) đầu tiên của 1PointFive – một công ty công nghệ với nhiệm vụ hút carbon ra khỏi khí quyển. Amazon cho biết, dự án này sẽ giúp tập đoàn đạt mục tiêu giảm lượng khí thải xuống mức bằng 0 vào năm 2040.
Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, 250.000 tấn carbon tương đương với lượng khí thải trong một năm từ 55.633 ô tô chạy bằng xăng. Amazon không tiết lộ giá trị của khoản đầu tư mới nhưng cho biết ngoài việc mua tín dụng loại bỏ carbon từ 1PointFive, tập đoàn đang đầu tư vào một công ty DAC khác có trụ sở tại California tên là CarbonCapture. Công ty này sẽ cung cấp cho Amazon khoản tín dụng loại bỏ carbon trị giá 100.000 tấn. Theo bà Kara Hurst, Phó Chủ tịch Phụ trách phát triển bền vững toàn cầu của Amazon, với 2 khoản đầu tư mới này, Amazon hướng tới mục tiêu giảm lượng khí thải mà họ không thể loại bỏ tại nguồn. Tập đoàn này cũng đang giúp giới thiệu và hỗ trợ phát triển các công nghệ mới tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo kênh CNBC, thông báo của Amazon được đưa ra ngay sau khi Microsoft cho biết họ đã đồng ý mua tín dụng carbon từ Công ty khởi nghiệp Heirloom Carbon, một công ty sử dụng đá vôi để loại bỏ carbon khỏi khí quyển có trụ sở tại California (cũng vừa được Bộ Năng lượng Mỹ lựa chọn đầu tư với số tiền tài trợ lên tới 600 triệu USD vào tháng trước). Thương vụ của Microsoft có giá khoảng 200 triệu USD, sẽ loại bỏ tới 315.000 tấn carbon trong thập niên tới, tương đương với lượng khí thải hàng năm của khoảng 70.000 ô tô chạy bằng xăng.
Hút carbon ra khỏi khí quyển là một cách để cố gắng khắc phục những thiệt hại do các công ty gây ô nhiễm đã gây ra. Microsoft và Amazon đang trả tiền rất nhiều để thu giữ carbon, nhưng vẫn chưa là gì so với mức độ ô nhiễm mà họ tiếp tục tạo ra, cho dù các tập đoàn này cũng đang cố gắng khử carbon thông qua các dự án năng lượng tái tạo như năng lượng gió và Mặt trời, điện khí hóa đội xe giao hàng và giảm trọng lượng đóng gói trên mỗi lô hàng…
Các nhà khoa học cho rằng trên toàn thế giới, cần phải loại bỏ khoảng 1.000 tỷ tấn carbon dioxide khỏi khí quyển trong thế kỷ này để giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở dưới giới hạn 1,50C theo Thỏa thuận chung Paris. Các quốc gia có thể phải thu giữ tổng cộng 10 tỷ tấn CO2 từ không khí mỗi năm, từ giữa thế kỷ này, để có thể giữ cho hành tinh không nóng lên quá 20C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp. Để đạt được con số này, cần 10.000 trung tâm DAC với công suất tương đương những trung tâm được tài trợ trong đợt đầu tư mà chính phủ Mỹ vừa công bố ngày 11-8 vừa qua.