“Dù ai đi ngược về suôi – Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vào dịp này mỗi người dân Việt Nam, dù ở quê hương hay cách xa tổ quốc muôn trùng, đều hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khẳng định người Việt có chung một nguồn gốc riêng biệt, tạo nên niềm tin tâm linh mạnh mẽ, tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa – tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, vun đắp tình cảm gia đình, làng xã và dân tộc.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hay lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được thực hiện vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (quần thể di tích gồm Đền thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Mẫu Âu Cơ, Lăng mộ…) trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – thờ cúng ông Tổ chung của cả nước, có lẽ hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam. Đó là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc Việt Nam và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tiến trình lịch sử luôn là yếu tố nội sinh của văn hóa dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi. “Con người có Tổ, có Tông, như cây có cội, như sông có nguồn”.
Qua các cứ liệu nghiên cứu trước đây cho thấy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khởi nguồn là lớp tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, thần núi. Theo truyền thuyết, ngôi Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh là nơi các Vua Hùng vẫn lên để tiến hành các nghi lễ cúng tế trời đất, thờ lúa thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đến cuối thế kỷ XIX và trước khi trùng tu Đền Thượng vào năm 1917, tín ngưỡng thờ cúng thần linh ở đây vẫn là sự đan xen giữa thờ thần núi, thần lúa và thờ các Vua Hùng. Theo thần tích và văn bia ở đền thì chính An Dương Vương Thục Phán đã cảm kích vì được Hùng Vương nhường ngôi nên sau khi Hùng Vương mất, An Dương Vương đã lên núi Nghĩa Lĩnh dựng đền thờ.
Với niềm tin thành kính tri ân công đức, từ hàng nghìn năm qua, các thế hệ người Việt đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Từ thời Hậu Lê, việc thờ cúng các Vua Hùng do người dân địa phương tự thực hiện. Từ thời Hồng Đức đời Vua Lê Thánh Tông, hội Đền Hùng được đưa vào cấp quốc gia, được “gia ban quốc tế”, việc tế lễ từ đó có quan đầu trấn thay mặt triều đình chủ trì. Đến thời Nguyễn, Vua Minh Mạng cho rước bài vị các Vua Hùng ở Đền Hùng vào Huế thờ tại miếu Lịch đại đế vương, một mặt vẫn cấp sắc ở Đền Hùng cho dân sở tại thờ phụng. Thời Khải Định năm thứ hai (1917) chính thức lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch làm ngày lễ chính, có tổ chức tế lễ theo nghi thức trang trọng.
Kế tục truyền thống của ông cha, nhất là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc. Và Người đã hai lần về thăm Đền Hùng, lần thứ nhất vào ngày 19/9/1954 và lần thứ hai ngày 19/8/1962. Trong đó, lần về thăm thứ hai, Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Từ năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm.
Sau đó, ngày 2/4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Từ đây, ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày lễ trọng đại của toàn dân, là Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Và ngày 6/12/2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bắt nguồn từ vùng đất cổ Phú Thọ, rồi lan tỏa ra phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và vào phương Nam theo dấu chân của người Việt. Giờ đây, thờ cúng Hùng Vương đã có ở nhiều nước trên thế giới, những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống.
Hiện nay, cả nước có hơn 1.410 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương, trải khắp các vùng miền, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ… Vì vậy, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày hội của đồng bào cả nước với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian. Riêng tại tỉnh Phú Thọ có hơn 340 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Cùng với đồng bào trong nước, từ nhiều năm nay, người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn thành tâm hướng về nguồn cội. Nhưng không phải ai cũng vinh hạnh được về dự ngày Giỗ Tổ ở quê nhà. Vì vậy, việc tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ở nước ngoài để bà con có dịp hướng về với cội nguồn dân tộc là nhu cầu hết sức cần thiết.
Đó là lý do vì sao ý tưởng tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của xã hội với mong muốn trở thành ngày đại đoàn kết dân tộc và tôn vinh giá trị Việt, để người Việt khắp 5 châu không quên tổ tiên của mình, cùng nhau hướng về nguồn cội. Và Lễ giỗ Tổ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ theo chân những người con đất Việt tỏa đi khắp 5 châu, mang theo những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, ẩm thực, đặc biệt là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên… đến với cộng đồng, góp phần làm cầu nối giữa bà con Việt kiều với đồng bào trong nước.
Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu – Lễ giỗ Tổ và Vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2023 cũng được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của kiều bào từ gần 20 quốc gia vào lúc 13h (giờ Việt Nam), ngày 29/4/2023 (tức ngày 10/3 âm lịch). Chương trình được Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu duy trì tổ chức hàng năm theo một kịch bản chung (từ 2015 đến nay), nhằm tạo dựng một ngày văn hóa chung – kết nối người Việt trên toàn cầu và bạn bè quốc tế, nhằm xây dựng cây cầu văn hoá hữu nghị vững chắc, xây dựng tình bạn chân thành giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Như vậy, có thể thấy, quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình diễn tiến từ thấp đến cao và liên tục được bồi đắp qua nhiều thế hệ; là biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong suốt những chặng đường lịch sử của mình.
Đối với người dân, việc hành hương về Đền Hùng chính là niềm mong mỏi, khát khao của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đây được cho là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử. Từ huyền thoại “bọc trăm trứng”, mọi người dân Việt Nam đều nhận nhau là anh em, có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng.
Trên phương diện cộng đồng, xã hội, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được hiểu như là một ký ức tập thể, kỷ niệm của nhân dân về quá khứ dân tộc, mang tính gắn kết cộng đồng cao. Nói cách khác, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.
Giáo dục ý thức về tổ tiên, về lòng tự hào dân tộc cũng chính là những tiền đề, cơ sở hình thành lòng nhân ái, đạo đức cộng đồng, nhắc nhở mỗi cá nhân hành động theo các chuẩn mực xã hội và củng cố niềm tin vào sự chứng giám, phù hộ, che chở của các đấng thần linh là tổ tiên, anh hùng dân tộc.
Thông qua đó khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nêu cao ý nghĩa của lòng yêu nước thương nòi, biết ơn công lao gây dựng đất nước, được nhân dân ghi nhận và tôn thờ. Ở phương diện xã hội, đó còn là sợi dây tinh thần kết nối cộng đồng, biểu tượng của đoàn kết dân tộc.
Trong suốt tiến trình lịch sử phát triển, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sự biến đổi nhất định để thích nghi với văn hóa dân tộc ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, thậm chí đã được các hệ tư tưởng của các tín ngưỡng, tôn giáo khác bổ sung, hoàn chỉnh để trở thành tín ngưỡng mang tầm quốc gia, có những đóng góp giá trị tích cực và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Trong sâu thẳm tâm hồn người Việt Nam ai cũng luôn quan niệm rằng: Chúng ta là người được sinh ra cùng một bọc (đồng bào) là con cháu Lạc Hồng – dân cả nước đều là anh em một nhà. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết.
Chung một gốc gác tổ tiên và ngày Giỗ Tổ là mạch nguồn tâm linh đặc biệt gắn kết dân tộc Việt Nam thành một khối đại đoàn kết, làm nên sức sống Việt Nam mãnh liệt, trường tồn. Mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương là thời khắc đặc biệt để mỗi người mang trong mình dòng máu Việt cùng hướng về Đền Hùng linh thiêng, nơi phụng thờ công đức tổ tiên, biểu tượng tinh thần dân tộc.
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, dân tộc nào trên thế giới đều có nguồn cội của mình nhưng người Việt Nam khác các dân tộc khác ở chỗ cùng thờ chung một ông Tổ – Vua Hùng. Chính điều này tạo nên một bản sắc riêng có của Việt Nam, được UNESCO công nhận. Với Việt Nam, tín ngưỡng Hùng Vương là một biểu tượng của quốc gia. Chúng ta luôn coi đó là vị tổ của dân tộc, là yếu tố đã gắn kết cộng đồng trên một không gian lãnh thổ để trở thành một cộng đồng có sức mạnh, tồn tại, phát triển và giữ vững được bản sắc văn hóa.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, quan niệm về vua tổ Hùng Vương được sử sách ghi lại cả trăm năm và sinh hoạt tín ngưỡng ban đầu gắn chặt với các làng xã, đặc biệt là khu vực trung du Bắc Bộ: “Đến Giỗ tổ Hùng Vương năm 1946, năm Bính Tý, lần đầu tiên Nhà nước đứng ra tổ chức cũng tại địa điểm ở Đông Dương học xá, người chủ lễ là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử một vị nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước đứng ra làm chủ lễ”.
“Cũng trong ngày đó thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ – một người rất có uy tín trong dân, chính là cụ Huỳnh Thúc Kháng được đứng đầu một đoàn đại biểu Chính phủ lên đền Thượng ở Phú Thọ là để làm lễ cáo với trời đất, cáo với tổ tiên, cáo với Vua Hùng là đất nước đã độc lập và người ta kể lại đoàn đã mang theo một tấm bản đồ Việt Nam ba miền Trung – Nam – Bắc nối kết với nhau thành một quốc gia Việt Nam độc lập. Chúng ta thấy rõ ràng là, lúc đó biểu tượng của Vua Hùng không chỉ là biểu tượng của một đấng tiên tổ xa xôi mà nó đã trở thành một sức mạnh của cộng đồng” – Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.
Ngày nay, trên dải đất hình chữ S với 54 dân tộc anh em sinh sống với những nét văn hóa riêng biệt khác nhau nhưng vẫn cùng chung một vị Thủy Tổ – Hùng Vương. Và đây là yếu tố gắn kết các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hiện đại, thực hành tín ngưỡng thờ tổ Hùng Vương được thế giới ghi nhận như là một cái giá trị nổi trội của trong đời sống văn hóa của người Việt.
Trách nhiệm của thế hệ chúng ta là làm sao phát huy tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn ấy thành sức mạnh nội sinh vượt qua khó khăn, giữ gìn di sản, ghi nhớ công đức tổ tiên.
Càng ý thức được giá trị năm xưa, chúng ta càng hiểu hơn về tinh thần đại đoàn kết để không chỉ 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S thấm nghĩa đồng bào mà còn gắn kết để trên 5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới đều hướng về nguồn cội và cảm nhận giá trị thiêng liêng của hai tiếng “đồng bào”.
Đặc sắc Lễ rước kiệu về Đền Hùng:
Bài: Phương Anh – Diệp Ninh (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN; Video: Vnews
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Hà Nguyễn
29/04/2023 05:55