Chuyên gia nhận định thu phí tham quan Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC) là không cần bàn cãi và đã quá chậm.
Trả lời VnExpress, ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, cho biết trong năm 2018 và 2022, các chuyên gia UNESCO đã đưa ra những khuyến nghị để quản lý, phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC). Những khuyến nghị này thúc đẩy Hà Giang nghĩ đến việc thu phí du lịch vào CVĐC và đây là điều “hoàn toàn hợp lý”.
Ông Martini nói phí du lịch đã tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, dao động 1-5 USD. Đặc biệt, với những khu vực được bảo vệ, hạn chế khách tiếp cận, việc thu phí du lịch là điều cần thiết.
“Thu phí là cách nhắc nhở du khách đây là những khu vực nhạy cảm, cần sự can thiệp từ con người để bảo vệ. Trách nhiệm tài chính này không phải của riêng người dân địa phương”, ông nói.
Theo đại diện từ UNESCO, đã có một số hiểu lầm rằng UNESCO sẽ cung cấp một khoản chi phí để bảo tồn những điểm đến được công nhận như CVĐC. Tuy nhiên, áp lực để bảo tồn, phát triển CVĐC thực tế đè nặng lên vai tỉnh Hà Giang.
CVĐC có khoảng 40 điểm đủ khả năng thu phí nhưng hiện thu phí ba điểm. PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nói nguồn thu ít ỏi từ ba điểm trong CVĐC thực tế chỉ đủ để duy tu, bảo tồn chính điểm đó. Các điểm khác cũng cần nguồn lực để làm tốt công tác bảo tồn. Theo ông Long, không thể coi ngân sách nhà nước như “bầu sữa mẹ” phục vụ cho bảo tồn, phát triển CVĐC.
Từng đi nhiều điểm đến di sản trên thế giới, ông Long nhận thấy hầu hết đều yêu cầu du khách nộp một khoản phí du lịch và có thể thu theo các hình thức khác nhau, nhằm dùng nguồn lực “kinh tế di sản” để tái đầu tư, bảo tồn điểm đến.
Theo ông Long, những người đã đi du lịch nhiều hoặc từng đến nhiều điểm di sản, đều nhận thức được việc phải chung tay để bảo tồn, thay vì phụ thuộc vào nguồn lực từ địa phương, nhà nước. Một số người khác có thể chưa nhận thức rõ điều này nên được vận động, tuyên truyền từ địa phương, các bộ ban ngành liên quan.
Từng đi nhiều điểm di sản trên thế giới, blogger Vinh Gấu nói một số nơi thường yêu cầu trả một khoản nhỏ vào tiền phòng khách sạn như một loại thuế du lịch. Một số điểm khác như Nusa Penida (Bali, Indonesia) lại có khu bán vé và du khách phải mua ngay khi tàu vừa cập bến. Do đó, nếu Hà Giang quyết định thu phí vào CVĐC, anh ủng hộ hoàn toàn nhưng nhấn mạnh “không muốn số tiền này dùng để xây dựng các khối bê tông, điểm check-in”. Blogger này hy vọng số tiền mình bỏ ra có thể hỗ trợ phát triển cộng đồng, cải thiện đời sống người dân.
PGS.TS Long kêu gọi “đừng nghĩ bảo vệ di sản là trách nhiệm của riêng ai”. Dù chỉ đến ngắm di sản, du khách cũng tác động tới điểm đến thông qua việc xả thải rác, tiêu dùng điện nước, sử dụng các dịch vụ gây xuống cấp về tài nguyên, cơ sở vật chất kỹ thuật của điểm đến, cũng như gây ra những tác động khác tới an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đồng ý kiến, ông Trần Tân Văn, chuyên gia cao cấp của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, nhấn mạnh không thể có suy nghĩ “của thiên nhiên là không cần trả tiền”. Vấn đề duy nhất cần quan tâm là minh bạch thu chi, đảm bảo nguồn tiền được sử dụng cho việc phát triển, bảo tồn CVĐC.
Đồng thời, ông Văn cũng nói thêm việc để các chuyên gia UNESCO khuyến nghị nhiều lần là “điều không nên”. Các khuyến nghị được đưa ra theo chu kỳ bốn năm, không bắt buộc nhưng “cần hiểu theo nghĩa bắt buộc”. Tức là, nếu để quá lâu không thực hiện, các chuyên gia có thể đánh giá xấu. Khi có quá nhiều vấn đề cộng dồn lại, họ sẽ đưa ra hình phạt “thẻ vàng” cảnh cáo. Nếu vẫn không sửa đổi, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra, đồng nghĩa với việc tước danh hiệu của UNESCO.
Sau nhiều lần khảo sát Hà Giang, ông Văn nhận thấy khu vực CVĐC có khá nhiều bất cập còn tồn đọng. Một số điểm thiếu nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch, hệ thống biển bảng xuống cấp. Do đó, CVĐC cần sớm có nguồn thu để cải thiện vấn đề này. Chuyên gia UNESCO này nhận xét việc đến giờ mới đưa ra đề án thu phí CVĐC là “quá chậm, lẽ ra nên làm từ lâu”.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực CVĐC có tình trạng mất vệ sinh, rác thải bừa bãi. Lối vào công viên địa chất Du Già, dốc Thẩm Mã không được dọn dẹp thường xuyên. Rác thải của người dân, du khách bị vứt bừa bãi, gây mất mỹ quan. Một số hộ dân xung quanh cũng thu gom vỏ chai, rác thải để tái sử dụng hoặc đem bán nhưng nhân lực nhìn chung khá ít ỏi, không đủ để dọn dẹp toàn diện.
Một lãnh đạo tỉnh Hà Giang xác nhận có nhiều điểm du lịch tại CVĐC đang “xuống cấp rất nhanh”. Từ khi trở thành một phần của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Hà Giang rất nỗ lực xây dựng các hạng mục hạ tầng phục vụ du khách. Nhiều điểm trở thành nơi du khách nào cũng dừng lại như điểm dừng chân dốc Thẩm Mã, ngắm toàn cảnh Lũng Hồ, tuyến đi bộ Sky Path, Mã Pì Lèng, mặt trượt Quản Bạ, đồn Pháp Đường Thượng, Đồn Cao, Hang Rồng.
“Tỉnh không có đủ chi phí vận hành sửa chữa, cung cấp các dịch vụ cơ bản như vệ sinh, an ninh trật tự thường xuyên tại nhiều điểm du lịch”, vị lãnh đạo này nói. Ông cũng cho biết CVĐC còn được gọi là “cao nguyên khát” do thường xuyên thiếu nước. Để xây dựng hệ thống vệ sinh có thể tốn kém gấp 3-4 lần dưới xuôi. Quan trọng hơn, cần có chi phí để “nuôi” đội vệ sinh dọn dẹp hàng ngày.
Ông Martini nói do CVĐC rộng lớn với 17 nhóm dân tộc đang sinh sống, khu vực có sự đa dạng văn hóa cao và cũng đối mặt với nhiều mối đe dọa trong bối cảnh du lịch phát triển nhanh chóng, việc xây dựng trái phép làm hủy hoại cảnh quan.
Khu vực CVĐC cần phát triển kinh tế bền vững cho người dân thông qua quảng bá sản phẩm địa phương, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Cung cấp nền kinh tế bền vững cho cộng đồng 17 nhóm dân tộc sẽ giúp nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ ở đây bảo tồn bản sắc văn hóa cũng như CVĐC.
“Thu phí là cần thiết và khoản phí này thực ra cũng rất nhỏ, chỉ khoảng 30.000 đồng mỗi người”, ông Martini nói.
Ông kỳ vọng khi thu phí được áp dụng, những người đứng đầu tỉnh Hà Giang, CVĐC sẽ có đủ điều kiện để giữ gìn, bảo tồn khu vực và truyền lại tinh thần này đến cho thế hệ kế cận.
Theo ông Martini, các du khách nước ngoài sẽ không phản đối khoản phí này nếu số tiền được sử dụng đúng mục đích. Ông hy vọng các du khách Việt Nam cũng có thể chấp nhận bỏ một khoản phí nhỏ để chung tay bảo tồn, phát triển “khu di sản tuyệt vời và độc đáo này”.
Khi đã chung tay đóng góp, các du khách có quyền yêu cầu những người đứng đầu tỉnh Hà Giang hay CVĐC cam kết bảo vệ khu vực tự nhiên của CVĐC. Đây cũng là cách góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa đa dạng của nhóm dân tộc đang sống trong khu vực.
Tú Nguyễn