Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. (Nguồn: TITC) |
Tài sản vô giá của Việt Nam
Theo kết quả kiểm kê di tích của các địa phương, trên cả nước hiện có khoảng 4 vạn di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố trên khắp các vùng miền trong cả nước, đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Trong đó, có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 3.614 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh.
Tại các bảo tàng trên cả nước hiện lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.
Cùng với kho tàng di sản văn hóa vật thể, đất nước ta còn có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng về loại hình, phong phú về trữ lượng, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, khoa học.
Đến nay, đã có khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê trên địa bàn cả nước, trong đó có 498 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại các Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
UNESCO cũng đã ghi danh 9 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới.
Giới chuyên gia nhận định, di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Những di tích, nhất là các di tích lịch sử gắn với cách mạng kháng chiến còn góp phần không nhỏ trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tinh thần yêu nước của dân tộc ta, về bản sắc văn hóa dân tộc, về tính cố kết cộng đồng và phát huy những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta.
Bên cạnh là nền tảng tinh thần, yếu tố nội sinh đóng góp vào sự phát triển văn hóa, định hình bản sắc, hệ thống di sản văn hóa Việt Nam còn đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có di sản nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.
Nhiều di tích, di sản đã trở thành những sản phẩm du lịch – văn hoá hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch cả trong nước và quốc tế.
Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. (Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường) |
Nhiệm vụ then chốt
Theo Luật Di sản văn hóa, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định, việc bảo tồn di sản văn hóa là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa, trước hết vì hàm chứa các giá trị văn hóa cốt lõi của quốc gia dân tộc.
Di sản văn hóa có khả năng đóng góp to lớn cho yêu cầu xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và có văn hóa (sự ổn định xã hội) là yếu tố quan trọng hàng đầu cho phát triển bền vững. Cũng có thể coi đây là “sức mạnh mềm” – thế mạnh của Việt Nam.
PGS.TS. Đặng Văn Bài cho rằng, bảo tồn di sản văn hóa là nhằm thực hiện chức năng giáo dục của văn hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng và vun đắp tư tưởng, đạo đức, lối sống nhân văn và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhấn mạnh: “Việc bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc có ý nghĩa trong việc xây dựng nền tảng tinh thần và kể cả ở góc độ vật chất, kinh tế. Bởi di sản văn hóa là một loại tài nguyên đặc thù, có thể bán nhiều lần, bán cho nhiều người với giá trị cao. Sự đóng góp ấy cho văn hóa cũng như kinh tế nước nhà là rất lớn.
Chính vì vậy, nếu chúng ta nhìn di sản văn hóa dưới góc độ là tài sản quý giá của dân tộc, một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại thì cần có sự ứng xử thật sự đổi mới đối với di sản văn hóa.
Chúng ta cần kiểm kê, khảo sát, đánh giá hệ thống di sản văn hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản, đẩy mạnh công tác giáo dục di sản cho cho thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tôi mong muốn, vấn đề ứng xử với di sản văn hóa, sự đóng góp của di sản văn hóa cho nền kinh tế được nhận diện đúng đắn, từ đó hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để bảo tồn di sản văn hóa tốt hơn nữa trong thời gian tới”.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Hà, CEO LUX Group khẳng định, Việt Nam có “mỏ vàng” là tài nguyên di sản văn hóa phong phú và đa dạng.
“Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 đón 35 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 – 5%/năm, tôi nghĩ chúng ta cần định vị lại thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Theo tôi, hãy định vị du lịch Việt Nam là ‘Điểm đến hàng đầu di sản châu Á’ hoặc ‘Chạm vào di sản Việt Nam’. Khi trân quý di sản thì chúng ta sẽ có cách bảo vệ, ứng xử phù hợp và sáng tạo, nâng tầm di sản”.