Dân tộc Tày, Nùng chiếm phần lớn dân số toàn tỉnh Lạng Sơn và vì thế, văn hóa của nhóm người này được xem là tiêu biểu cho văn hóa xứ Lạng. Việc bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Tày, Nùng là vấn đề quan trọng, được các cấp, ngành quan tâm.
Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 7 dân tộc chính cùng sinh sống (Nùng, Tày, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa và Hmông), trong đó dân tộc Tày, Nùng chiếm gần 80% dân số cả tỉnh. Cả hai dân tộc đều có ngôn ngữ riêng thuộc ngữ hệ Tày – Thái. Hiện nay, ngôn ngữ chủ yếu được sử dụng vẫn là tiếng Việt (tiếng Kinh), tuy nhiên, tại các làng bản có đông người dân Tày, Nùng sinh sống, đồng bào vẫn sử dụng ngôn ngữ dân tộc để giao tiếp hằng ngày. Cũng giống như nhiều dân tộc khác, ngôn ngữ của người Tày, Nùng Lạng Sơn tồn tại dưới hai dạng: chữ viết và tiếng nói.
Nghệ nhân Nhân dân Hà Mai Ven truyền dạy ngôn ngữ dân tộc Nùng cho thế hệ trẻ. |
Thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Lạng Sơn
Về tiếng nói, người Tày, Nùng Lạng Sơn có sự tiếp xúc lâu đời với người Kinh. Người Tày học chữ Hán theo âm Hán – Việt nên tiếng Tày chịu ảnh hưởng của tiếng Kinh nhiều hơn và gần tiếng Kinh hơn. Người Nùng trước kia thường học chữ Hán theo âm Hán nên tiếng nói gần với tiếng Hán hơn. Do đó, người Tày và người Nùng có thể hiểu nhau trong giao tiếp nhưng có sự phân biệt tinh tế giữa tiếng Tày và tiếng Nùng về thanh điệu. Về mặt ngữ âm, tiếng Nùng thường có một số từ gốc Hán chỉ quan hệ gia đình mà không có trong tiếng Tày.
Về ngôn ngữ viết, trong cuốn “Văn hóa truyền thống Tày, Nùng” của nhóm tác giả Hoàng Quyết – Ma Khánh Bằng – Hoàng Huy Phách – Cung Văn Lược – Vương Toàn đề cập, ở Lạng Sơn vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII, người Tày đã sáng tạo ra chữ Nôm Tày, người Nùng cũng đặt ra chữ Nôm Nùng để ghi chép thơ ca, truyện cổ dân gian, khế ước, mua bán, chuyển nhượng, địa bạ đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lịch sử, địa lý và các tác phẩm văn học… Năm 1961, Chính phủ đã ban hành hệ thống văn tự Tày, Nùng trong cả nước, bao gồm cả Lạng Sơn theo mẫu ký tự chữ La-tinh. Hiện nay, dân tộc Tày, Nùng không còn duy trì chữ viết riêng, chỉ còn một phần nhỏ trong hệ thống sách cúng, sách Then.
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Tày, Nùng là hai dân tộc cùng có nhiều đặc điểm gần gũi nhau về dân tộc học, nơi cư trú, văn hoá, đặc biệt là ngôn ngữ. Đồng bào thường sử dụng ngôn ngữ của mình ở mọi lúc mọi nơi, trong cuộc sống hằng ngày khi nói chuyện với nhau. Ở khắp các phiên chợ Kỳ Lừa, đa số đồng bào đi chợ sử dụng tiếng Tày, Nùng làm phương tiện giao tiếp chính để trao đổi, mua bán hàng hóa và hát Sli, Lượn giao duyên với nhau. Mỗi khi cất lên những tiếng như noọng (em), chài (anh), pây háng (đi chợ), kin khẩu (ăn cơm)… thì người nghe sẽ nhận biết ngay đó là dân tộc Tày, Nùng. Có thể nói, ngôn ngữ Tày, Nùng cả về tiếng nói và chữ viết là thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Lạng Sơn.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”. Theo đó, ngôn ngữ của các dân tộc nói chung và dân tộc Tày, Nùng nói riêng là khối di sản văn hóa quý giá cần được bảo tồn, phát huy. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, các cấp, ngành và người dân đã có nhiều giải pháp thiết thực. |
Tăng cường tuyên truyền, tích cực truyền dạy
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc tăng cường sưu tầm các tài liệu, hiện vật chữ viết, thu âm ghi hình các phong tục, tập quán, dân ca có sử dụng ngôn ngữ Tày, Nùng; biên dịch các tác phẩm, trích đoạn then cổ, quan làng, cỏ lẩu, sli xuất bản thành sách để lưu trữ, phục vụ công tác tìm hiểu của Nhân dân. Đồng thời, Sở hướng dẫn các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng ngôn ngữ dân tộc trong cuộc sống hằng ngày, động viên thế hệ lớn tuổi truyền dạy lại cho thế hệ trẻ; đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ dân ca, đây là môi trường lý tưởng để ngôn ngữ được duy trì và phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác bảo tồn ngôn ngữ dân tộc. Cụ thể như: Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ tiếng Tày, Nùng (thực hiện từ năm 2011), trong đó chủ yếu là tiếng Tày cho cán bộ, công chức và các đối tượng dự tuyển thi công chức theo quy định, các lớp bồi dưỡng này đều do Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt danh sách.
Tiết mục văn hóa, văn nghệ trình diễn tại Không gian phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn – điểm đến hấp dẫn thu hút hàng nghìn du khách mỗi tuần. (Nguồn: TTXVN) |
Ông Nguyễn Các Tâm, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn cho biết: Trung bình mỗi năm, trường mở từ 2 đến 7 lớp đào tạo cho hàng trăm người theo học trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2020, Trường được đặt hàng biên soạn, chỉnh lý tài liệu tiếng Tày cho cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh, đến năm 2021 tài liệu đã được UBND tỉnh phê duyệt đưa vào sử dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023, chúng tôi đang triển khai giảng dạy 2 lớp tiếng Tày với trên 100 học viên.
Trong nỗ lực thúc đẩy ngôn ngữ dân tộc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã phát sóng phát thanh các bản tin, các chương trình thời sự và chương trình văn nghệ bằng tiếng Tày – Nùng. Các chương trình truyền hình bằng tiếng Tày – Nùng cũng được phát sóng vào các thứ 3, 5, 7/tuần để phục vụ Nhân dân. Đặc biệt, từ năm 2018, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh mở chuyên mục dạy dân ca trên truyền hình với thời lượng 1 số/tháng, trong đó chủ yếu là các chương trình truyền dạy hát Then, Sli của người Tày – Nùng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã phát sóng được hơn 200 số, thu hút hàng chục nghìn lượt người dân quan tâm, theo dõi.
Đồng thời, Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng thường xuyên đăng tải các tác phẩm văn học nghệ thuật bằng tiếng Tày, Nùng. Cụ thể, mỗi tháng Tạp chí phát hành 1 số, trong đó mỗi số tạp chí đều đăng 2 – 3 tác phẩm thơ, truyện hoặc các bài dân ca bằng tiếng Tày, Nùng. Ngoài ra, nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi của hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn được in ấn, xuất bản góp phần bảo tồn ngôn ngữ Tày, Nùng, hằng năm có 1 – 2 tập sách văn học song ngữ được xuất bản, đề tài đa dạng, phong phú, hình thức chuyển biến rõ, ngày càng tiếp cận thơ hiện đại nhưng vẫn giữ được sắc thái riêng, đơn cử như tập truyện ngắn song ngữ Tày – Việt (Tẳng/Đợi) in năm 2013 với 5 truyện ngắn của tác giả Hoàng Kim Dung; tập truyện thơ song ngữ Tày – Việt (Ngưới cằm lượn mừa Trấn Ninh/Gửi câu lượn về Trấn Ninh) in 2014 với hơn 1.500 câu và tập thơ song ngữ Tày – Nùng, Việt (Tâm chử pá chử mẻ/Đất là cha là mẹ) in 2016 với 23 bài thơ của tác giả Hoàng Choóng…
Đáng chú ý, công tác bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ có sử dụng tiếng dân tộc Tày, Nùng như hát then, sli, lượn… còn được rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện giảng dạy trong các tiết học ngoại khóa. Đến nay, cả tỉnh có 23 trường ở cấp tiểu học, THCS, THPT đã và đang tổ chức truyền dạy và thành lập được các CLB hát then, đàn tính thu hút trên 400 học sinh theo học, tăng 60% so với năm 2018…
Ngôn ngữ là hồn cốt của mỗi dân tộc, mất tiếng mẹ đẻ cũng tương tự với nguy cơ mất đi hồn cốt, bản sắc văn hóa của dân tộc đó. Với những giải pháp tích cực của các cấp, ngành trong tỉnh góp phần từng bước gìn giữ, phát huy ngôn ngữ dân tộc Tày, Nùng trong giai đoạn hiện nay.