Gìn giữ nghệ thuật truyền thống từ sự thắp lửa của những nghệ sỹ không chuyên

Việt NamViệt Nam22/02/2024

Bà Trần Thị Thanh là thành viên CLB chèo xóm 2, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn. Đến với chèo khá muộn và đơn thuần chỉ là tình yêu đối với môn nghệ thuật truyền thống, song bà Thanh tự hào là sau một thời gian được tập luyện, bà có thể múa và hát được khá nhiều điệu chèo, trong đó có chèo cổ. Những ngày đầu xuân năm mới, bà Thanh và CLB chèo xóm 2 phấn khởi tập luyện, biểu diễn phục vụ nhân dân. 

Bà Thanh chia sẻ: Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chúng tôi biểu diễn trong đêm giao thừa, trong lễ mừng thọ cho người cao tuổi… Chúng tôi hạnh phúc khi được lan tỏa tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống đến với đông đảo nhân dân. Để nâng cao kỹ thuật hát chèo, chúng tôi tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cho các CLB hát chèo, hát văn, hát xẩm do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với một số nghệ nhân hát chèo, hát văn trong và ngoài tỉnh tổ chức. 

CLB chèo xóm 2, xã Hồi Ninh có 18 thành viên. Họ tham gia vào CLB là bởi tình yêu với chèo và mong muốn được góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Dù không qua đào tạo, song các thành viên trong CLB vẫn hát được một số loại nhạc truyền thống như chèo, văn và mới đây là hát xẩm. Dẫu hát xẩm vẫn chưa được thành thục bởi thời gian học chưa nhiều, nhưng ai cũng nỗ lực tập luyện để sớm có ngày lan tỏa nghệ thuật hát xẩm rộng rãi hơn.

Ông Phạm Văn Sang, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kim Sơn cho biết thêm: Hiện nay, hầu hết các thôn, xóm trên địa bàn huyện Kim Sơn đều có CLB văn nghệ. Các CLB văn nghệ ngày càng thu hút đông đảo thành viên ở mọi lứa tuổi tham gia, đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân các địa phương. Các CLB văn nghệ đã chú trọng tập luyện, biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, xẩm, chầu văn… Thời gian qua, huyện Kim Sơn đã chú trọng tổ chức các lớp bồi dưỡng nghệ thuật truyền thống cho các hạt nhân văn nghệ ở cơ sở. Học viên của các lớp bồi dưỡng chính là lực lượng nòng cốt để lan tỏa phong trào ca hát nhạc truyền thống ở cơ sở. 

Đặc biệt, trước nguyện vọng muốn đưa ca trù về với vùng đất mở Kim Sơn của cán bộ, nhân dân huyện nhà, thời gian tới, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tiếp tục phối hợp với các nghệ nhân mở các lớp truyền dạy, gây dựng hạt nhân cho môn nghệ thuật này ở cơ sở. Ca trù bước đầu đã có được sự quan tâm, yêu thích của nhân dân địa phương, trong đó có những khán giả trẻ. Các nghệ nhân sẽ truyền dạy từ những ngón đàn cơ bản, tay phách, cùng họ chơi thử nhạc cụ âm nhạc, tìm hiểu sâu hơn về loại hình nghệ thuật này… từ đó sẽ hun đúc tình yêu, khơi gợi sự tò mò, thích thú của khán giả đối với ca trù.

Tham gia vào CLB văn nghệ của thôn Trường Sơn (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) khi đã ở độ tuổi gần 70, nhưng niềm đam mê âm nhạc của bà Giang Thị Loan thì không thua kém gì người trẻ. Bà Loan cho biết: Thành viên trong CLB văn nghệ của thôn rất đa dạng, từ nông dân, công nhân, giáo viên, người cao tuổi... Bận rộn, vất vả với công việc nhà nông, song các thành viên đều hăng say tham gia vào đội văn nghệ để cuộc sống thêm tươi đẹp và nhiều ý nghĩa. Không chỉ biểu diễn phục vụ bà con vào những ngày lễ, tết, CLB còn thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương tới nhân dân dưới hình thức sân khấu hóa, được nhân dân tiếp nhận rất hiệu quả. 

"Không chỉ là những bài hát quen thuộc, các thành viên trong CLB còn đưa vào tập luyện, biểu diễn nghệ thuật hát chèo, dẫu rằng đó không phải là thế mạnh của địa phương. Ban đầu, việc tập luyện từng thanh âm, từ cách lấy hơi, nhả chữ, luyến láy… không hề đơn giản, nhưng với mong muốn được góp phần gìn giữ, lan tỏa nghệ thuật hát chèo, các thành viên trong đội đã cố gắng thực hiện tốt. Hiện nay, chúng tôi đã có thể hát được một số làn điệu chèo, thậm chí, mạnh dạn lựa chọn tiết mục hát chèo để dự thi tại các hội diễn văn nghệ quần chúng do huyện tổ chức"- bà Loan phấn khởi.

Hiện nay, đời sống kinh tế của nhân dân xã Trường Yên đã có sự cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, người dân cũng không ngừng nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của bản thân và gia đình. Hiện nay, toàn xã có 16 CLB văn nghệ quần chúng, thu hút hàng trăm thành viên tham gia. Với sự ra đời và hoạt động hiệu quả của các CLB văn nghệ đã phần nào đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, nhất là khi họ chính là chủ thể của những chương trình, tiết mục văn nghệ ấy. Đời sống tinh thần được nâng cao, nhân dân càng hăng say phát triển kinh tế để cải thiện chất lượng cuộc sống, đẩy lùi các tai, tệ nạn xã hội, cùng chung tay xây dựng một cộng đồng hạnh phúc.

Gìn giữ nghệ thuật truyền thống từ sự thắp lửa của những nghệ sỹ không chuyên
Sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mường (Nho Quan).

 

Những năm qua, hệ thống các thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ta đã có sự phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng với 7/8 huyện, thành phố có nhà văn hóa; 142/143 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, 1.616/1.679 (đạt 96,25%) thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố, phố có nhà văn hóa. Thiết chế văn hóa hoàn thiện đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chính trị, văn hóa, vui chơi, giải trí của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh. Các nhà văn hóa thôn, xóm, phố trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, là nơi nuôi dưỡng đam mê ca hát, tinh thần thể thao của những người dân thôn quê. 

Không cầu kỳ như nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng với sức bền bỉ, dẻo dai và lòng nhiệt huyết, các CLB, đội văn nghệ quần chúng lại bắt nhịp rất tốt vào cuộc sống của người dân lao động ở khắp các làng quê, làm phong phú món ăn tinh thần cho chính họ. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 700 tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng, hàng năm tổ chức hàng nghìn buổi biểu diễn, giao lưu, thu hút đông đảo người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại nhà văn hóa. Qua đó, góp phần "giữ lửa" cho những môn nghệ thuật truyền thống, đặc trưng của từng vùng, miền. Điển hình như: CLB hát Chèo (huyện Yên Mô, Yên Khánh); CLB Ca Trù (huyện Kim Sơn); CLB hát Xẩm (xã Yên Thành, huyện Yên Mô); Nghệ thuật Trống Nhảy (Tân Khẩn, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn); Nghệ thuật Múa trống (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh); Đội Kèn đồng (xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn); các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường, huyện Nho Quan: Múa sạp, cồng chiêng, hát Đúm, Sắc bùa, hát giao duyên tiếng Mường, giai điệu Mường xưa…

Đào Hằng-Minh Quang 


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Người cha Pháp đưa con gái về VN tìm mẹ: Kết quả ADN sau 1 ngày không tin được
Cần Thơ trong mắt tôi
Video 17 giây cảnh Măng Đen đẹp tới nỗi dân mạng nghi ngờ cắt ghép
Mỹ nhân phim giờ vàng gây sốt vì vai nữ sinh lớp 10 quá xinh dù chỉ cao 1m53

No videos available